Bình Thuận phải phá hơn 600 ha rừng làm hồ thủy lợi là ‘để lo cho sinh kế của dân’ vì nơi đây quá khô hạn trong khi dân nghèo thiếu nước tưới, lãnh đạo tỉnh này nói với báo chí đồng thời hứa sẽ trồng mới gấp ba diện tích rừng bị phá.
Bí thư Bình Thuận Dương Văn An và phó chủ tịch tỉnh này, ông Nguyễn Hồng Hải, cùng lãnh đạo các sở, ngành có liên quan hôm 7/9 đã có cuộc họp báo để trấn an sau khi có dư luận lên án hành động phá rừng này.
Dự án Hồ chứa nước Ka Pét với dung tích hơn 51 triệu mét khối ở huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, đã được Quốc hội phê chuẩn hồi năm 2014 để cấp nước tưới cho gần 7.800 ha đất nông nghiệp, nước sinh hoạt cho 120.000 dân và nước sản xuất cho khu công nghiệp Hàm Kiệm 2. Dự kiến đến hết năm 2025 dự án sẽ hoàn thành.
Diện tích rừng sẽ bị phá để lấy đất làm hồ thủy lợi là gần 620 ha, trong đó có 138 ha rừng đặc dụng với nhiều loại gỗ quý như lim, sao, bằng lăng hàng trăm năm tuổi với trữ lượng lớn và là môi trường sống của nhiều loài động vật hoang dã. Đây là khu rừng đã có từ lâu đời, gắn liền với không gian sống của người Raglai hàng trăm năm qua, theo bài báo có tiêu đề ‘Khu rừng hơn 600 ha sắp bị phá làm hồ thủy lợi’ đăng trên báo mạng VnExpress.
Cũng theo bài báo này, gỗ thu hoạch được sau khi phá rừng sẽ được bán lấy tiền. Tuy nhiên, sau đó trang mạng này đã sửa đổi hay cắt bỏ một số chi tiết trong bài báo với lý do là ‘không chính xác khiến độc giả hiểu lầm’.
‘Giúp dân thoát nghèo’
Biện hộ cho hành động này, Bí thư Dương Văn An được báo Bình Thuận dẫn lời nói tại cuộc họp báo rằng tỉnh của ông là ‘một trong hai tỉnh khô hạn nhất Việt Nam với nhiều vùng đất khô cằn, hoang hóa, sản xuất nông nghiệp chỉ nhờ vào nước mưa’.
“Vùng làm dự án, cuộc sống dân nghèo khó lắm. Thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, khô hạn, cây trồng thiếu nước. Làm lãnh đạo mà không lo được cho dân thì có lỗi với dân,” ông An trần tình theo như tờ Dân Việt dẫn lại.
“Trách nhiệm của tỉnh là lo nước cho dân. Nhiều nhiệm kỳ qua, Bình Thuận tìm mọi cách, vừa xin Trung ương, vừa dùng nguồn lực địa phương xây dựng hệ thống hồ chứa nước, kênh mương thủy lợi trên toàn tỉnh,” ông An được báo Bình Thuận dẫn lời.
Ông nói rằng với đặc điểm địa hình của Bình Thuận thì khi làm hồ thủy lợi ‘không ít thì nhiều đều ảnh hưởng đến rừng’. “Nhưng có hồ, môi trường chắc chắn sẽ tốt lên vì tích được nước, tăng độ ẩm toàn khu vực, tạo môi trường cho cây sinh trưởng,” ông lập luận và cho rằng tỉnh và các công ty tư vấn đã lựa chọn phương án và vị trí ít tổn hại đến rừng nhất.
Dân Việt dẫn lời ông An nói rằng ‘mất rừng ai cũng tiếc’ nhưng ‘xây hồ thủy lợi Ka Pét sẽ được nhiều hơn mất’.
Bí thư Bình Thuận hứa hẹn sẽ trồng thay thế trên 1.800 ha, tức là gấp ba lần diện tích rừng bị phá, và việc này sẽ hoàn thành vào năm 2025, cùng thời điểm xây xong hồ thủy lợi, theo báo Bình Thuận.
‘Chữa bệnh bằng uống thuốc độc’
Thông tin Bình Thuận phá rừng để làm hồ thủy lợi đã khiến cộng đồng mạng Việt Nam dậy sóng với nhiều người phản đối và lên án. Nhiều người đặc biệt chỉ trích việc triệt hạ những cây gỗ quý có giá hàng trăm triệu đồng mỗi cây sẽ được đem bán đấu giá khai thác gỗ.
Trên Facebook, nhà thơ Thái Hạo gọi việc này là ‘chữa bệnh bằng cách uống thuốc độc’
“Không thể hiểu tại sao người ta có thể lạnh lùng đặt bút để ký khai tử nốt những mảnh rừng nhỏ nhoi cuối cùng còn sót lại của một quốc gia nhiệt đới nhưng chỉ còn diện tích rừng khoảng 2%, riêng rừng nguyên sinh chỉ còn 0,25%,” nhà thơ này viết.
Theo lập luận của ông thì ‘rừng chính là nước’. “Không còn rừng thì nước cũng hết, lúc ấy những hồ thủy lợi chỉ còn dùng để chứa nước mùa mưa, còn mùa khô trơ đáy,” ông giải thích và cho rằng mất rừng sẽ dẫn đến lũ quét, lũ ống, lũ bùn…
“Trồng cây để đợi thành rừng phải mất cả trăm năm, trong khi làm hồ thủy lợi có nhiều cách. Còn những mảnh xanh cuối cùng cũng đem phá nốt và lập luận rằng sẽ trồng thay thế, đó là nói cùn, nói lấy được,” ông chỉ trích.
Diễn đàn