Đường dẫn truy cập

Biểu tình phản đối bộ phim bài Hồi giáo không ồn ào ở Ấn Độ


Các phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ biểu tình phản đối cuốn phim 'Innocence of Muslims'
Các phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ biểu tình phản đối cuốn phim 'Innocence of Muslims'
Tại Ấn Độ, nhờ các lãnh đạo Hồi giáo kêu gọi kiềm chế và chính phủ mau chóng áp đặt lệnh cấm cuốn phim chống Hồi giáo nên các cuộc biểu tình phản đối bộ phim này chỉ diễn ra lẻ tẻ. Thông tín viên Anjana Pasricha tường thuật từ New Delhi, Ấn Độ, nơi có số dân Hồi giáo lớn vào hàng thứ ba trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo và chính trị ở Ấn Độ đều lên án mạnh mẽ và dứt khoát bộ phim chống Hồi giáo, nhưng thông điệp gửi tới cộng đồng đơn giản là: đừng viện đến bạo lực.

Ông Asaduddin Owaisi là đại biểu quốc hội ở thành phố Hyderabad ở miền nam Ấn Độ cộng động dân số người Hồi giáo khá lớn. Ông cũng là lãnh đạo một đảng Hồi giáo có tên đảng Majlis e Ittehadul Muslimeen toàn Ấn Độ. Ông phát biểu:

Chúng tôi đã nói với cộng đồng của mình rằng, đúng là tất cả chúng ta đều bị tổn thương và xúc phạm, nhưng cách tốt nhất để biểu lộ nỗi đau và sự tức giận là đừng để cho cảm xúc chế ngự. Rất may là đại đa số mọi người đã hiểu được thông điệp mà các lãnh đạo tôn giáo, các học giả, các nhà lãnh đạo chính trị nhắn nhủ.

Hồi tuần rồi, những cuộc biểu tình đã nổ ra ở thành phố Chennai ở miền nam Ấn Độ và ở khu vực Kashmir có đa số là người Hồi giáo. Ở Chennai, người biểu tình đập vỡ camera an ninh trong lãnh sự quán Hoa Kỳ.

Trong thành phố chính của vùng Kashmir, những người biểu tình ném đá đã đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, phản ứng nhằm vào bộ phim tương đối ít bạo động hơn so với các nước khác.

Các nhà lãnh đạo Hồi giáo ở Ấn Độ nói đó là nhờ chính quyền đã nhanh chóng phản ứng trước bộ phim bài Hồi giáo, xúc phạm đấng tiên tri Muhammad này.

Google đã chặn không cho truy cập tới bộ phim này ở Ấn Độ theo luật cấm lưu hành "nội dung xúc phạm." Chính phủ Ấn Độ cũng nói nước này mạnh mẽ lên án mọi hành vi nhằm hạ thấp tín ngưỡng tôn giáo và xúc phạm đến tình cảm tôn giáo.

Ấn Độ là một nền dân chủ thế tục, tức là nhà nước không bị ảnh hưởng bởi tôn giáo, nhưng tình trạng bạo lực giữa các nhóm dân đã khiến nhà cầm quyền phải dè dặt hơn về những tài liệu có thể xúc phạm đến niềm tin tôn giáo.

Năm 1988, việc xuất bản cuốn tiểu thuyết “Những vần thơ của quỷ Sa-Tăng” gây tranh cãi của nhà văn Salman Rushdie đã khiến bạo lực bùng lên dữ dội và buộc chính quyền phải ban hành lệnh cấm. Đầu năm nay, những nhóm người Hồi giáo đã phản đối chuyến thăm của ông Rushdie đến Ấn Độ để tham dự một lễ hội về văn học.

Nhưng mặc dù phản ứng về bộ phim bài Hồi giáo có thể đã không ồn ào, một số nhà phân tích nói rằng thái độ bài Mỹ càng sâu sắc hơn trong cộng đồng người Hồi giáo Ấn Độ. Ông Manzoor Alam, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Mục tiêu ở New Delhi, cho biết:

“Tức giận, phẫn uất, thù hận, mọi cảm xúc đều bùng cháy nhưng không thể nào xóa bỏ đi được. Giờ đây sự căm ghét nước Mỹ đang ăn sâu vào tâm trí của người Hồi giáo. Nguyên nhân là chỉ bởi nói suông rằng một cá nhân nào đó làm việc này dưới danh nghĩa tự do ngôn luận. Chẳng ai tin lời biện hộ này cả, cái tự do ngôn luận đó đang xúc phạm đến hàng tỷ người Hồi giáo.

Ông Owaisi hy vọng rằng việc một tạp chí của Pháp tuần này vừa cho đăng bức hình nhà tiên tri Muhammad gây tranh cãi sẽ không đặt dấu chấm hết cho sự kiềm chế của người Hồi giáo. Chính phủ có phần chắc sẽ chặn không cho truy cập xem bức hình.

Song nhiều người hy vọng rằng tình hình sẽ yên ổn ở đất nước với phần đông dân số là người Hindu này. Người theo đạo Hồi là cộng đồng tôn giáo thiểu số lớn nhất với 140 triệu người.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG