Hàng chục ngàn người tham gia cuộc biểu tình lớn nhất trong những năm qua ở Thái Lan vào ngày thứ Bảy, hưởng ứng lời kêu gọi kiềm chế quyền lực của nền quân chủ dưới quyền Quốc vương Maha Vajiralongkorn và phế truất thủ tướng Prayuth Chan-ocha, Reuters đưa tin.
Các cuộc biểu tình đã gia tăng ở quốc gia Đông Nam Á với 70 triệu dân này kể từ giữa tháng 7. Nó đã phá vỡ điều cấm kị lâu đời là chỉ trích chế độ quân chủ cũng như đòi hiến pháp và bầu cử mới.
Nhà chức trách Thái Lan nói chỉ trích chế độ quân chủ là điều không thể chấp nhận được ở một đất nước mà quốc vương được hiến pháp “minh định nắm giữ địa vị được tôn thờ.” Những người xúc phạm chế độ quân chủ có thể bị bỏ tù theo luật khi quân của Thái Lan.
Các phóng viên Reuters ước tính có ít nhất 30.000 người tham gia cuộc biểu tình. Ban tổ chức cho biết có hơn 50.000 người, trong khi cảnh sát cho biết con số này là 18.000, vẫn đủ để trở thành cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi ông Prayuth nắm quyền trong một cuộc đảo chính vào năm 2014.
Những người biểu tình cho biết họ dự định tuần hành đến Tòa nhà Chính phủ vào sáng Chủ nhật.
Quốc vương hiện không ở Thái Lan và dành phần lớn thời gian ở Châu Âu kể từ khi lên ngôi sau khi vua cha băng hà vào năm 2016.
Các diễn giả tại cuộc biểu tình chỉ trích nhà vua vì sự vắng mặt của ông và hành vi cá nhân của ông, những phát biểu mà cho đến gần đây lẽ ra không được thốt lên ở nơi công cộng, Reuters cho biết.
Quân đội, tự xưng là lực lượng bảo vệ chế độ quân chủ và sự ổn định quốc gia, đã tiến hành một số cuộc đàn áp đẫm máu nhắm vào những người biểu tình kể từ khi nền quân chủ chuyên chế chấm dứt vào năm 1932 cũng như 13 cuộc đảo chính thành công.
Ngày 19 tháng 9 là ngày kỉ niệm cuộc đảo chính chống lại thủ tướng chủ trương dân túy lúc bấy giờ là Thaksin Shinawatra vào năm 2006. Trong số những người biểu tình có nhiều người theo phe áo đỏ của ông, những người kì cựu trong các cuộc đụng độ cách đây một thập niên với phe áo vàng ủng hộ thế lực chính thống đương quyền.
Reuters cho biết các cuộc biểu tình mới nhất diễn ra ôn hòa cho đến nay, nhưng hơn một chục thủ lĩnh cuộc biểu tình đã bị bắt và được tại ngoại hầu tra. Không ai bị buộc tội theo luật khi quân mà những người biểu tình muốn bãi bỏ.
Họ cũng tìm cách giảm bớt quyền lực hiến định của nhà vua và quyền kiểm soát của ông đối với tài sản cung điện và các đơn vị quân đội.