Đường dẫn truy cập

Hồng Kông: Biểu tình ngồi lì ở sân bay đòi ‘Dân chủ bây giờ’


Người biểu tình Hồng Kông với biểu ngữ xin du khách thứ lỗi vì sự bất tiện gây ra từ các cuộc biểu tình.
Người biểu tình Hồng Kông với biểu ngữ xin du khách thứ lỗi vì sự bất tiện gây ra từ các cuộc biểu tình.

Người biểu tình tụ tập đông đảo tại các cổng đến ở sân bay quốc tế Hồng Kông hôm 9/8, phát tờ rơi chống chính phủ và vẫy biểu ngữ viết bằng hàng chục ngôn ngữ nhằm nâng cao nhận thức của du khách trước các cuộc biểu tình được hoạch định vào cuối tuần trên toàn thành phố, theo Reuters.

Khoảng một ngàn người biểu tình, chủ yếu là giới trẻ mặc áo phông đen, tham gia cuộc tọa kháng, phát tờ rơi mở đầu với dòng chữ “Du khách quý mến” trên những bức tranh nghệ thuật phác họa các cuộc biểu tình đã diễn ra kể từ hồi tháng 6, vốn đã đẩy Hồng Kông, một trung tâm tài chính quan trọng, vào cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi nơi này được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997.

“Xin thứ lỗi cho chúng tôi về một ‘Hồng Kông không như mọi ngày’, tờ rơi bằng tiếng Anh viết. “Bạn đã đến một thành phố bị tan vỡ, chia rẽ, không phải là nơi mà bạn từng hình dung. Chúng tôi đang tranh đấu vì chính cái thành phố Hồng Kông ấy”.

Các cuộc biểu tình ngày càng dữ dội ở Hồng Kông đặt ra một trong những thách thức nghiêm trọng nhất của người dân chống lại nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.

Điều đã bắt đầu như phản ứng giận dữ chống dự luật dẫn độ cho phép nghi phạm hình sự bị đưa sang Trung Quốc để bị xét xử, nay đã bị đình chỉ, giờ đã phát triển thành 1 phong trào đòi nhiều quyền dân chủ hơn, đòi trưởng đặc khu Carrie Lam từ chức, và thậm chí, cấm du khách từ đại lục.

Đám đông ở sân bay kéo đến chật kín ở hai sảnh của khu vực đến. Người biểu tình hát bài “Anh có nghe tiếng dân hát?” từ vở nhạc kịch Les Miserables, hô vang các khẩu hiệu: “Dân chủ ngay bây giờ” và “Người Hồng Kông, hãy thêm dầu!” - một lời hô hào phổ biến bằng tiếng Quảng Đông.

Cuộc biểu tình tại sân bay diễn ra khi các nhà phát triển địa ốc đầy thế lực tại Hồng Kông lần đầu tiên lên tiếng, kêu gọi bình tĩnh sau khi hàng chục công ty lớn cảnh báo trong những ngày gần đây rằng tình trạng bất ổn đã làm giảm thu nhập.

Bà Lam đã lên lịch một cuộc họp báo vào lúc 5.15 p.m. giờ địa phương (0915 GMT) với Bộ trưởng Tài chính Paul Chan và Bộ trưởng Phát triển Kinh tế và Thương mại Edward Yau sau khi tác động đối với nền kinh tế lan rộng do hệ quả của các cuộc biểu tình.

Không có dấu hiệu về sự hiện diện của cảnh sát tại sân bay vào cuối chiều thứ Sáu.

“Đây sẽ là một cuộc biểu tình ôn hòa, miễn là cảnh sát không xuất hiện” một người biểu tình, Charlotte Lam, 16 tuổi, nói với Reuters.

“Chúng tôi đã làm giấy dán, biểu ngữ bằng hơn 16 ngôn ngữ, từ tiếng Nhật đến tiếng Tây Ban Nha. Chúng tôi muốn truyền bá thông điệp của chúng tôi ra quốc tế. Chúng tôi không phải là những kẻ nổi loạn, chúng tôi là một nhóm người Hồng Kông đấu tranh cho tự do và nhân quyền”, cô Lam nói.

Bạo lực leo thang đã khiến các quốc gia kể cả Hoa Kỳ và Úc phải đưa ra cảnh báo du lịch, mặc dù du khách không than phiền về cuộc biểu tình tại sân bay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG