Đường dẫn truy cập

Biden sẽ không đảo ngược cuộc chiến thương mại của Trump chống Trung Quốc?


Tổng thống đắc cử Joe Biden nói về khôi phục kinh tế hôm 16/11/2020 ở Wilmington, Delaware. (AP Photo/Andrew Harnik)
Tổng thống đắc cử Joe Biden nói về khôi phục kinh tế hôm 16/11/2020 ở Wilmington, Delaware. (AP Photo/Andrew Harnik)

Việc Tổng thống Trump công kích Trung Quốc mạnh mẽ chưa đem lại nhiều lợi ích kinh tế lâu dài, nhưng đạt được một thành công cơ bản: Từ nay, bất cứ chính quyền nào của Mỹ cũng không thể nương nhẹ với Trung Quốc, đối thủ lớn nhất của Mỹ, theo một bài báo hôm 18/11 trên trang web của đài National Public Radio (NPR).

NPR điểm lại rằng trong nghị trình thương mại “Nước Mỹ trên hết” của mình, ông Trump đặt trọng tâm vào việc đối đầu với Trung Quốc, tung ra các cuộc tấn công ráo riết vào các chính sách của Bắc Kinh và châm ngòi một cuộc chiến thương mại với việc áp thuế vào 2/3 hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong thời gian tới, mặc dù Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ nói với giọng điệu lịch sự hơn, song khó có chuyện ông sẽ nhẹ tay với Trung Quốc vì thái độ của nước Mỹ đã thay đổi theo hướng tiêu cực trong những năm gần đây khi xét đến thương mại và các hiệp định lớn tầm cỡ toàn cầu, bài báo của đài NPR cho biết.

Đồng thời, vẫn theo NPR, cả hai chính đảng lớn nhất của Mỹ đều ngờ vực Trung Quốc, đặc biệt là chính những người theo đường lối tiến bộ đã bầu cho ông Biden càng có thái độ như vậy.

“Tôi nghĩ những tuyên bố rực lửa liên tục mà Tổng thống Trump tung ra nói về Trung Quốc làm cho bất cứ chính quyền nào cũng không thể thay đổi đường hướng ngay lập tức khi họ lên nắm quyền”, Chad Brown, nghiên cứu sinh cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson nói với NPR.

Các chuyên gia ghi nhận rằng ông Trump đã thành công trong việc chuyển hướng cuộc tranh luận về Trung Quốc với việc ông liên tục cáo buộc Bắc Kinh có những chính sách “hung ác” làm rút ruột các ngành công nghiệp của nước Mỹ.

Một yếu tố khác, theo ý kiến của Arthur Dong, giáo sư Trường Kinh doanh McDonough thuộc Đại học Georgetown, đăng trên NPR, là tình trạng mất việc làm và các hãng xưởng đóng cửa kéo dài nhiều năm làm cho công chúng có cái nhìn khắt khe hơn về thương mại, đặc biệt là ở các bang có sức nặng đối với bầu cử như Pennsylvania, Ohio và Michigan.

“Tôi nghĩ ông Biden ý thức được về điều đó”, giáo sư Dong nói.

Ứng cử viên Joe Biden chụp ảnh selfie với ủng hộ viên tại cuộc mít tinh với công đoàn ngành điiện, 20/7/2019, ở Las Vegas. (AP Photo/John Locher)
Ứng cử viên Joe Biden chụp ảnh selfie với ủng hộ viên tại cuộc mít tinh với công đoàn ngành điiện, 20/7/2019, ở Las Vegas. (AP Photo/John Locher)

Các tổ chức công đoàn và các nhóm cánh tả đã góp phần bầu cho ông Biden cũng có thái độ thù địch đối với Trung Quốc. Bên cạnh đó, họ coi việc đảng Dân chủ ủng hộ cho một số hiệp định trước đây, trong đó có NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ), là một sự phản bội.

Vì vậy, Waleed Shahid, phát ngôn viên của nhóm Justice Democrats theo đường lối tiến bộ, đưa ra nhận định với NPR: “Tôi nghĩ đảng Dân chủ thời những năm 1990 không còn phù hợp với các khu vực bầu cử ngày nay và nền kinh tế ngày nay. Tôi hy vọng rằng Joe Biden bổ nhiệm nhân sự là những người hiểu được điều đó”.

Áp lực từ cả hai phía tả-hữu như vậy có nghĩa là ít có khả năng ông Biden sẽ đảo ngược các mức thuế quan mà ông Trump đã áp.

Nhưng ông Biden có ít lựa chọn tốt để gây sức ép với Trung Quốc. Một trong những điều làm trói tay ông Biden là cảm tình trên thế giới dành cho nước Mỹ dưới thời ông Trump đã thay đổi.

Trong giai đoạn tranh cử, ông Biden chỉ trích việc ông Trump có chính sách đơn phương trong đương đầu với Trung Quốc. Theo ông Biden, Mỹ cần có đồng minh là châu Á và châu Âu để buộc Bắc Kinh tuân theo luật lệ thương mại.

Nhưng nói dễ hơn làm, theo NPR. Chính quyền của Tổng thống Obama thiết kế ra Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) để lập ra đại liên minh 12 nước ở vành đai Thái Bình Dương nhắm đến kiềm chế Trung Quốc.

Nhưng ông Trump đã vứt bỏ TPP ngay khi ông nắm quyền. Còn ông Biden nói ông sẽ không ủng hộ nó nếu không có những cải thiện lớn về việc bảo vệ môi trường và lao động.

Trong khi đó, thế giới vẫn tiến về phía trước mà không cần có Mỹ. Hôm 15/11, Trung Quốc, Việt Nam và 13 nước khác đã ký một hiệp định kinh tế của họ, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).

Ngoài ra, ông Biden còn vướng một rào cản nữa khi ông nỗ lực lãnh đạo các nước khác kiềm chế Trung Quốc.

Wendy Cutler, cựu Quyền Phó Đại diện Thương mại Mỹ, nói với NPR rằng ông Trump đụng độ trong lĩnh vực thương mại không chỉ với Trung Quốc mà cả các nước bạn như Canada và Mexico, làm các đồng minh chủ chốt tức giận và gây tổn hại đến vai trò lãnh đạo của Mỹ ở nước ngoài.

Do vậy, “các đồng minh và đối tác rất không tin tưởng Mỹ, cụ thể là về thương mại. Và nói thẳng ra, các nước ngày càng chán chường về Mỹ”, Cutler nói.

Nhưng trở ngại lớn nhất đối với việc Mỹ kiềm chế Trung Quốc là ông Biden phải dành ưu tiên cao nhất cho việc hồi phục kinh tế Mỹ từ suy thoái do đại dịch, phải gác lại các vấn đề khác, Cutler nhận định với NPR.

Chính quyền của Tổng thống Trump được ghi nhận đã tạo bước ngoặt trong đương đầu với Trung Quốc về thương mại.
Chính quyền của Tổng thống Trump được ghi nhận đã tạo bước ngoặt trong đương đầu với Trung Quốc về thương mại.

Một bài báo gần đây của tạp chí Forbes cũng chỉ ra rằng ban vận động bầu cử của ông Biden từng đánh tín hiệu rằng ông Biden – nay là tổng thống đắc cử - sẽ ưu tiên làm việc về gói cứu trợ mới để xử lý đại dịch và đầu tư trong nước, trước khi xét đến các thỏa thuận thương mại mới.

Về câu hỏi liệu ông Biden có chuyển hướng những động thái thương mại mà ông Trump đã làm hay không, tạp chí Forbes cho rằng có thể có, nhưng sẽ phải sau một thời gian.

Còn trong giai đoạn đầu, chính quyền tương lai của ông Biden sẽ hàn gắn các quan hệ với các đồng minh để tạo ra một mặt trận thống nhất trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, vẫn theo Forbes.

Khi còn tranh cử, hồi tháng 9, cố vấn thương mại Tony Blinken của ông Biden nói rằng ông sẽ không loại trừ việc áp thêm thuế, nhưng sẽ “sử dụng thuế quan khi cần và phải có chiến lược và có kế hoạch”, bài báo của Forbes cho hay.

Forbes chỉ ra rằng hiện chưa rõ ông Biden sẽ cứng rắn đến mức nào với Trung Quốc, song kế hoạch “Chế tạo tại Hoa Kỳ” của ông - có nhiều điểm giống với kế hoạch “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump” - hứa hẹn có “các hành động chấp pháp mạnh mẽ về thương mại” để bảo vệ chống lại các hành xử bất công của Trung Quốc hay bất cứ nước nào khác “tìm cách chơi xấu nền chế tạo của Mỹ”.

Điểm sáng của chính quyền Biden sắp tới, theo Forbes, là tính chất lường trước được. Những thay đổi về chính sách thương mại của ông Biden sẽ ít có khả năng làm các nhà đầu tư bất ngờ, và cũng ít có khả năng là ông sẽ thay đổi ý định hay đưa ra những tuyên bố hoặc lời đe dọa bất chợt giống người tiền nhiệm Donald Trump, Forbes tiên liệu.

VOA Express

XS
SM
MD
LG