Tổng thống Joe Biden hôm 6/12 đã đến thăm nhà máy TSMC ở bang Arizona trong lúc hãng chip Đài Loan này chuẩn bị tăng hơn gấp ba số tiền đầu tư vào nhà máy lên đến 40 tỷ đô la, nằm trong số các khoản đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Khoản đầu tư này là chiến thắng lớn của ông Biden sau các vấn đề về chuỗi cung ứng làm gián đoạn nền kinh tế Mỹ ngay từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Đi cùng ông Biden trong chuyến thăm nhà máy sản xuất chất bán dẫn Semiconductor Manufacturing ở Phoenix để thúc đẩy nỗ lực sản xuất công nghệ của Mỹ sẽ là Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple, nhà sáng lập TSMC Morris Chang, và lãnh đạo hãng chip Micron, Sanjay Mehrotra và Jensen Huang, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành NVIDIA, cùng với những người khác, Nhà Trắng cho biết.
Họ sẽ tham dự lễ khai máy, vốn là động thái di chuyển biểu tượng các thiết bị đầu tiên lên sàn của xưởng sản xuất mới trị giá 12 tỷ đô la. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024.
TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp chính cho các nhà sản xuất phần cứng lớn của Mỹ như Apple và NVIDIA.
“Đưa đầu tư của TSMC đến Mỹ là một bước đi tài tình và là bước ngoặt cho ngành sản xuất chip”, ông Huang của hãng NVIDIA nói.
Các giám đốc của TSMC sẽ công bố kế hoạch xây dựng một nhà máy thứ hai ở gần đó để sản xuất chip tân tiến vào năm 2026.
Công ty sẽ cho biết nhà máy thứ hai của họ sẽ sản xuất chip N3 tiên tiến vào năm 2026 và nhà máy hiện tại của họ sẽ phát triển chip tiên tiến hơn so với đề xuất ban đầu, chuyển từ N5 xuống N4.
Khoản đầu tư của TSMC vào hai nhà máy ở Arizona trị giá tổng cộng 40 tỷ đô la, khoản đầu tư lớn nhất của họ bên ngoài lãnh thổ Đài Loan và là một trong những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Tổng thống Biden đã cố gắng củng cố việc sản xuất chất bán dẫn sau khi đại dịch gây gián đoạn chuỗi cung ứng vốn dẫn đến tình trạng thiếu hụt chip cho xe cộ và nhiều mặt hàng khác.
Sản xuất chất bán dẫn của Mỹ hiện chỉ chiếm 12% tổng sản lượng toàn cầu, giảm so với mức 37% cách đây hai thập kỷ, báo cáo của Nhà Trắng về các vấn đề chuỗi cung ứng cho biết hồi năm ngoái.
Vị trí thống trị của Đài Loan với tư cách là nhà sản xuất chip được sử dụng trong công nghệ từ điện thoại di động, ô tô đến máy bay chiến đấu đã làm dấy lên lo ngại về sự phụ thuộc quá mức vào hòn đảo này, nhất là khi Trung Quốc gia tăng áp lực quân sự để khẳng định các yêu sách chủ quyền.
Diễn đàn