Trước tình hình dịch bệnh bùng phát và có nguy cơ vượt tầm kiểm soát khi mỗi ngày trung bình có trên dưới 100 ca nhiễm COVID được ghi nhận trong cộng đồng, Việt Nam từ cuối tháng Năm kêu gọi nhân dân đóng góp cho Quỹ vaccine trị giá 1,1 tỷ đô la để mua 150 triệu liều vaccine, giúp nhà nước giải bài toán khó để dập dịch, phục hồi đời sống xã hội và kinh tế.
Quỹ vaccine quốc gia được ra mắt khá ồn ào và tuyên truyền ra rả tới mọi tầng lớp xã hội, khắp các hang cùng ngõ hẻm. Nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân được nêu danh tuyên dương vì những đóng góp lớn cho quỹ vaccine này.
Theo số liệu cập nhật của Ban quản lý quỹ này thì tính đến cuối ngày 16/6, quỹ nhận được 5.543 tỷ đồng (bao gồm ngoại tệ quy đổi), tăng 417 tỷ đồng so với 24 giờ trước. Số đóng góp đã chuyển về quỹ đến từ 312.301 cá nhân và tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ, ủng hộ.
Việc đóng góp quỹ xem ra không hoàn toàn là chuyện tự nguyện một cách ‘nhiệt tình’ như truyền thông nhà nước tuyên truyền. Đầu tháng này, báo chí Hàn Quốc dẫn lời một số công ty Hàn hoạt động tại Việt Nam than phiền bị ‘khó xử’ trước yêu cầu công khai từ chính quyền Việt Nam về việc đóng góp cho Quỹ vaccine và e ‘sẽ bị chính quyền địa phương trả đũa’ nếu từ chối. Trong khi đó, trên mạng xã hội cũng liên tục xuất hiện những phàn nàn trong dân chúng về việc bị ‘ép’ đóng góp từ một số địa phương, nơi mà đại diện tổ dân phố, phường xã, quận huyện đến gõ cửa từng nhà để huy động.
Anh Nguyễn Đình Phong, một phóng viên lâu năm tại Hà Nội, cho biết đơn vị anh đang công tác có quota nhất định cho một khoản đóng góp ‘bắt buộc’ nên mặc dầu nhiều phóng viên trong toà soạn như anh không muốn quyên góp nhưng cũng tự động bị trừ một ngày lương mà hoàn toàn không được hỏi ý kiến.
Anh tâm sự sở dĩ không muốn đóng góp vào Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 lần này vì quá ngán ngẩm cái kiểu cứ khó khăn là huy động, hay nói thẳng ra là bắt ép, từ doanh nghiệp đến dân chúng ‘giải cứu.’
Nhiều người than vãn rằng hễ có việc gì thì nhà nước lại ‘đè’ toàn dân ra mà thu trong khi nhiều công trình tượng đài lãng phí, nhiều dự án giao thông ngàn tỉ không hiệu quả vẫn còn tràn lan bởi nạn tham nhũng, ăn chia, bỏ túi riêng.
“Nhà nước tuyên truyền là kinh tế vẫn đang tăng trưởng tốt, ngoại hối dự trữ nhiều thì sao không bỏ ra mà mua vaccine về cho dân lại huy động từ người dân như thế này? Tôi cho là không hợp lý nên tôi không muốn tham gia,” anh Phong chia sẻ với VOA.
Chị Trần Thu Trang, chủ một tạp chí du lịch có tiếng tại Hà Nội, cho biết mấy tuần trước tạp chí của chị được cơ quan thuế vụ Hà Nội thông báo có thể đăng ký cho toàn bộ phóng viên đi chích vaccine Covid nhưng kèm theo là yêu cầu đóng góp tài chính cho Quỹ vaccine. Lời yêu cầu, theo lời chị, còn gợi ý rằng khi nào phóng viên được đi chích vaccine thì mới phải cam kết đóng góp bao nhiêu.
“Mình thấy thế thì mình cũng lờ đi, đến khi cần tự khắc người ta kêu mình đi chích. Chứ trong suốt hơn một năm qua mình duy trì hoạt động và duy trì trả lương đều cho 17 phóng viên là hoàn thành trách nhiệm của mình rồi, làm gì còn khả năng mà đóng góp nữa… Chưa kể cái lễ ra mắt [Quỹ vaccine], truyền hình trực tiếp đã phải tiêu tốn tới 20 tỉ, thì nếu mình đóng góp vào đấy cũng là tiền của mình, chứ tiền của ai,” chị Trang nói.
Một số người sẵn lòng đóng góp cho Quỹ vaccine thì coi đó là hành động chia sẻ với người nghèo, những người có hoàn cảnh khó khăn không thể tự lo chi phí vaccine cho mình.
Anh Nguyễn Hoàng Sơn, một cư dân tại quận Ba Đình, Hà Nội, vừa đóng góp 500 ngàn cho Quỹ vaccine, chia sẻ: “Thực tế đối với những nước nghèo như mình thì trông chờ vào đâu. Ngân sách không có. Tôi lấy ví dụ xử phạt vi phạm giao thông ngoài đường, tiền đấy có vào kho bạc đâu, mà chủ yếu vào túi cảnh sát giao thông thì ngân sách lấy đâu ra tiền? Đấy cũng là lý do chính mà ngân sách không có tiền cho những việc như thế này. Thôi thì coi như mình đóng góp chia sẻ với những người nghèo.”