Hàng trăm ngàn người Algeria đã xuống đường hôm 19/4 để đòi thực hiện những cải cách dân chủ rộng lớn sau khi Tổng thống Abdelaziz Bouteflika đã từ chức.
Cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa như đa số các cuộc tuần hành ở quốc gia này trong vòng hai tháng qua.
Quốc hội Algeria đã chỉ định tổng thống lâm thời và ngày bầu cử đã được xác định là ngày 4/7 trong quá trình chuyển giao được sự hậu thuẫn của quân đội. Tuy nhiên, sự ra đi của ông Bouteflika hôm 2/4 vẫn không thỏa mãn được nhiều người dân Algeria vốn muốn lật đổ toàn bộ giới tinh hoa vốn đã kiểm soát đất nước này kể từ khi họ giành độc lập từ tay Pháp vào năm 1962.
Những người biểu tình đòi phải có đa nguyên chính trị, trấn áp tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu.
“Chúng tôi sẽ không từ bỏ yêu sách của mình,” ông Mourad Hamini được Reuters dẫn lời nói trước tiệm cà phê của ông nơi hàng ngàn người biểu tình vẫy cờ Algeria.
Đám đông biểu tình hô lớn: “Đây là đất nước của chúng tôi và chúng tôi làm những gì chúng tôi muốn.”
Những người biểu tình cũng đòi ông Abdelkader Bensalah, chủ tịch Thượng viện và là tổng thống lâm thời, và ông Noureddine Bedoui, thủ tướng tạm quyền, phải từ chức.
“Bọn họ phải ra đi. Những người có tên bắt đầu với chữ B phải ra đi,” một băng rôn viết. Những người có tên bắt đầu chữ B bao gồm các ông Bensalah, Bedoui và Moad Bouchareb, chủ tịch Đảng Mặt trận Giải phóng Quốc gia (FLN).
Ông Tayib Belaiz, chủ tịch Hội đồng Hiến pháp Algeria và nhân vật chữ B thứ tư, đã từ chức hồi đầu tuần.
Hôm 17/4, Thiếu tướng Ahmed Gaed Salah, người đứng đầu quân đội Algeria, nói quân đội đang xem xét mọi khả năng để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị quốc gia và cảnh báo rằng ‘thời gian đang cạn’.
Đó là chỉ dấu cho thấy quân đội đang mất dần kiên nhẫn với những biến động chính trị đang làm rung chuyển Algeria, một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn và là đối tác an ninh quan trọng của phương Tây trong cuộc chiến với các phiến quân Hồi giáo ở bắc và tây Phi.
Tướng Salah không nói rõ quân đội sẽ có biện pháp nào nhưng nói rằng: “Chúng tôi không có tham vọng gì ngoài việc bảo vệ đất nước.”
Quân đội Algeria cho đến nay vẫn kiên nhẫn giám sát các cuộc biểu tình ôn hòa vốn có lúc lên đến hàng trăm ngàn người. Quân đội vẫn là định chế quyền lực nhất ở quốc gia Bắc Phi này vốn chi phối chính trị từ trong hậu trường trong hàng chục năm qua.
Những người biểu tình muốn rũ bỏ cơ chế ‘le pouvoir’ (trong tiếng Pháp có nghĩa là ‘quyền lực’) – cơ chế bí mật kết nối các cựu chiến binh trong cuộc chiến chống Pháp giành độc lập, các thành viên cao cấp của Đảng FLN và các ông trùm kinh doanh – và những cải cách sâu rộng.