Sự xuất hiện của biến thể Omicron mới và những nỗ lực tuyệt vọng, và có thể nói là vô ích của thế giới nhằm ngăn chặn nó, gợi nhớ những gì các nhà khoa học đã cảnh báo trong nhiều tháng qua: Virus Corona sẽ lây lan mạnh chừng nào mà nhiều nơi trên thế giới vẫn còn thiếu vắc-xin.
Việc các nước giàu tích trữ các liều vắc-xin COVID-19 khan hiếm, vốn gây ra tình trạng thiếu hụt vắc-xin ở nhiều nước nghèo hơn, không chỉ đồng nghĩa với các rủi ro cho những nước đang thiếu vắc-xin mà còn đe dọa toàn thế giới.
Đó là bởi vì, khi dịch bệnh ngày càng lây lan nhiều trong số những người chưa được tiêm chủng thì nó càng có nhiều khả năng đột biến và trở nên nguy hiểm hơn, kéo dài đại dịch cho tất cả mọi người.
Có lẽ không ở đâu sự bất bình đẳng rõ ràng hơn là ở châu Phi, nơi có dưới 7% dân số được tiêm chủng. Các nhà khoa học Nam Phi đã thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới về biến thể Omicron mới vào tuần trước, và có thể không bao giờ rõ nguồn gốc của nó. Các nhà nghiên cứu hiện đang gấp rút xác định xem liệu nó có khả năng lây nhiễm cao hơn hay nó có thể kháng các loại vắc-xin hiện thời hay không.
Sáng kiến chia sẻ vắc-xin COVAX được cho là để tránh sự bất bình đẳng như vậy, nhưng thay vào đó, chính sáng kiến này lại đang thiếu hụt vắc-xin và đã từ bỏ mục tiêu ban đầu là 2 tỷ liều.
Ngay cả khi đạt được mục tiêu với con số nhỏ hơn là phân phối 1,4 tỷ liều vào cuối năm 2021, COVAX phải phân bổ hơn 25 triệu liều mỗi ngày. Thay vào đó, trung bình chỉ hơn 4 triệu liều được phân phối mỗi ngày kể từ đầu tháng 10, với một số ngày giảm xuống dưới 1 triệu, theo phân tích của hãng tin Associated Press về việc vận chuyển các lô vắc-xin.
Việc vận chuyển trong những ngày gần đây đã tăng vọt, nhưng vẫn không đủ số lượng cần thiết.
Trong khi đó, các quốc gia giàu có hơn thường trữ rất nhiều liều và nhiều nước hiện đang tiến hành tiêm liều tăng cường - điều mà WHO đã không khuyến khích bởi vì mỗi liều tăng cường về cơ bản là lấy đi một liều từ những người thậm chí chưa bao giờ có được mũi tiêm đầu tiên. Bất chấp việc cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia tuyên bố tạm hoãn tiêm mũi nhắc lại cho đến cuối năm nay, hơn 60 quốc gia hiện đang tiến hành tiêm mũi tăng cường.
Bác sĩ Osman Dar, Giám đốc Dự án Một sức khỏe tại viện nghiên cứu Chatham House, cho biết: “Điều mà nó cho thấy là các rủi ro cơ bản và tiếp diễn đối với mọi người liên quan đến việc không giải quyết nghiêm túc tình trạng bất bình đẳng vẫn đang diễn ra trên toàn cầu trong cuộc chiến chống lại bệnh tật và sức khỏe yếu kém”.
Bà Anna Marriott, giám đốc chính sách y tế của Oxfam, cho biết COVAX đã bị hạn chế ngay từ đầu sau khi bị các nước giàu đẩy về phía sau trong việc xếp hàng đợi vắc-xin.
"Nhóm COVAX có thể phân phối nhanh nhất có thể, nhưng họ không thể cung cấp vắc-xin mà họ chưa có", bà Marriott nói.
Theo tính toán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế từ giữa tháng 11, chỉ có 13% số vắc-xin mà COVAX ký hợp đồng và 12% số quyên góp được hứa hẹn đã thực sự được chuyển giao.
Tuần trước, COVAX đã phát hành một thông cáo, trong đó ca ngợi một cam kết của Liên minh châu Âu là sẽ chuyển 100 triệu liều vắc-xin đến châu Phi vào cuối năm nay, nhưng chỉ 1/20 trong số đó thực sự được đưa lên máy bay.
Khi được hỏi về những thách thức hậu cần của việc phân phối 94 triệu liều khác chỉ trong sáu tuần, bà Aurelia
Nguyen, giám đốc điều hành của COVAX khẳng định rằng việc xắp xếp “đã có nhằm chuyển một số lượng lớn các liều từ nay đến cuối năm”. Trong một tuyên bố, bà cho biết vấn đề là đảm bảo “các điều kiện phù hợp để tiến hành tiêm”.
Trong vài phút được công bố trước cuộc họp điều hành vào tuần này, Liên minh toàn cầu về vắc-xin Gavi đã bày tỏ lo ngại rằng nhận thức về việc các nước giàu đang tống tháo các loại vắc-xin cũ hơn hoặc ít hơn cho các nước nghèo có thể làm suy yếu toàn bộ dự án. Hôm thứ Hai, trong một tuyên bố chung với WHO và Liên hiệp Châu Phi cùng với những tổ chức khác, Gavi đã nhắc nhở rằng “phần lớn các liều hiến tặng cho đến nay mang tính đột xuất, ít được thông báo trước và thời hạn sử dụng ngắn”.
Cơn thịnh nộ vì việc tống tháo các liều vắc-xin đã xảy ra trên thực tế. Tại Malawi và Nam Sudan, hàng chục nghìn liều thuốc quá hạn sử dụng đã bị tiêu hủy.
Nhưng theo một số chuyên gia, không chỉ việc chuyển vắc-xin tới các nước nghèo hơn gặp vấn đề. COVAX “không thể đưa vắc-xin từ đường băng (sân bay) tới người dân”, bác sĩ Angela Wakhweya, giám đốc cấp cao về quyền và bình đẳng y tế tại tổ chức CARE, cho biết.
Chẳng hạn, chính quyền ở Congo đã trả lại toàn bộ lô hàng COVAX vào mùa hè vừa qua khi nhận ra rằng họ sẽ không thể tiến hành tiêm các liều vắc-xin đó trước khi hết hạn.
Trong một báo cáo “quản lý rủi ro” về COVAX, Gavi cảnh báo rằng việc “xử lý kém” vắc-xin của các nước đang phát triển có thể dẫn đến “lãng phí” một số liều. Một vấn đề là hậu cần, nhất là việc đưa các liều vắc-xin cần thiết tới các nước đang cần chúng. Nhưng điều quan trọng không kém là khả năng của các hệ thống y tế của các quốc gia thường thiếu hụt tài chính trong việc phân phối các liều vắc-xin cũng như mũi tiêm và các dụng cụ cần thiết tại những nơi cần nhất. Vấn đề thứ ba là thuyết phục những người vẫn còn do dự đi tiêm vắc-xin.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus lại bác bỏ chuyện phân phối là một vấn đề và nói rằng trở ngại duy nhất đối với việc tiêm chủng ở các nước nghèo là nguồn cung.
Hầu hết các liều COVAX được phân phối cho đến nay đều là vắc-xin AstraZeneca, vốn vẫn chưa được cấp phép ở Hoa Kỳ và việc triển khai có sai sót ở châu Âu đã giúp thúc đẩy tâm lý bài vắc-xin, nhất là khi nó còn có liên quan đến chứng đông máu hiếm gặp. Các loại vắc-xin chủ yếu được sử dụng ở Hoa Kỳ và phần lớn châu Âu - do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất - chỉ được cung cấp với số lượng rất nhỏ thông qua COVAX.
Mỹ, quốc gia đã chặn việc bán vắc-xin ra nước ngoài và xuất khẩu các thành phần chính trong nhiều tháng, đã viện trợ tổng cộng 275 triệu liều,
nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, nhưng phần lớn cam kết cung cấp 1,1 tỷ liều của chính quyền Biden có thời hạn là tháng 9 năm 2022. Liên minh châu Âu, vốn nhìn chung đã cho phép các loại vắc-xin được sản xuất trong khối được bán ở mọi nơi trên thế giới, đã thực sự phân phối khoảng một phần ba trong số 500 triệu liều đã cam kết.
Các nỗ lực nhằm tăng cường sản xuất toàn cầu bên cạnh một nhóm nhà sản xuất được chọn đã bị đình trệ, và nhiều nhà hoạt động và nhà khoa học đổ lỗi cho việc các công ty dược phẩm phản đối việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vắc-xin sinh lời cao.