Những nhân viên cứu hộ nói rằng bệnh viện lớn nhất còn lại của Syria ở nửa phía đông của thành phố Aleppo do phiến quân chiếm giữ hôm thứ Bảy đã bị ném bom lần thứ hai trong những ngày gần đây, khi lực lượng chính phủ Syria và đồng minh Nga của họ tiếp tục cuộc tấn công chết chóc nhằm chiếm lại toàn bộ thành phố.
Một phát ngôn viên của Hiệp hội Y khoa Người Mỹ gốc Syria cho biết bệnh viện M-10 bị trúng ít nhất hai quả bom thùng khi các bác sĩ đang thực hiện những thủ tục y tế khẩn cấp cho một nhóm nhỏ bệnh nhân.
Adham Sahloul cũng nói với các phóng viên rằng một số nhỏ những nhân viên y tế và bệnh nhân vẫn còn bị mắc kẹt trong cơ sở bị phá hủy này, là một trong hai bệnh viện bị trúng bom hôm thứ Tư trong những cuộc không kích làm thiệt mạng nhiều người.
Những giám sát viên của Đài quan sát Nhân quyền Syria nói còn lại 30 bác sĩ để cứu chữa 300.000 cư dân bị mắc kẹt ở Aleppo, trong khi lực lượng chính phủ hôm thứ Bảy tiếp tục cuộc tấn công của họ nhắm vào rìa của một khu phố chính yếu ở phía bắc thành phố.
Những giám sát viên hôm thứ Bảy báo cáo ít nhất 20 người chết, trong đó có sáu em nhỏ, trong những cuộc không kích ở những nơi khác thuộc quyền kiểm soát của phiến quân trong thành phố.
'Không tài nào hiểu được'
Phát ngôn viên nhân đạo Rick Brennan của Tổ chức Y tế Thế giới hôm thứ Sáu mô tả tình hình ở Aleppo là "thực sự không tài nào hiểu được."
Ông Brennan cho biết những quan chức y tế trong thành phố ghi nhận 338 trường hợp tử vong vì bị ném bom "trong vài tuần qua" và nói con số này bao gồm 106 trẻ em. Ông nói hơn 800 người bị thương.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã lên án những vụ ném bom bệnh viện là tội ác chiến tranh, trong khi Mỹ tiếp tục thúc ép Nga tiến tới một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Chính quyền Obama cáo buộc Nga và Syria nhắm mục tiêu tấn công những bệnh viện, trại tị nạn và những địa điểm thiết yếu khác, bao gồm những trạm bơm nước và nhà máy điện. Giới chức Mỹ nói rằng những vụ ném bom diễn ra một cách bừa bãi và rằng Nga chẳng có nỗ lực gì để giới hạn những mục tiêu của họ vào những phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo.
Về phần mình, Nga nhất mực nói rằng lực lượng của họ đang nhắm mục tiêu vào những kẻ khủng bố. Moscow cũng cáo buộc Washington đi ngược lại cam kết tách những chiến binh thuộc nhóm Jabhat Fateh al-Sham (trước đây là Mặt trận al-Nusra) ra khỏi những phe phiến quân ôn hòa tìm cách lật đổ chính quyền Damascus.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết máy bay chiến đấu của Mỹ gần đây không nhắm mục tiêu tấn công những kẻ cực đoan ở Aleppo vì họ ở gần thường dân và những nhóm phiến quân ôn hòa.
Nỗ lực của Mỹ kém hữu hiệu?
Cựu Đại sứ Mỹ ở Syria Robert Ford nói rằng không nên kỳ vọng bế tắc ngoại giao ngày càng lớn giữa Moscow và Washington về Aleppo sẽ sớm được giải quyết trong nay mai.
Ông Ford, hiện là thành viên cao cấp tại Viện Trung Đông ở Washington, nói rằng cả hai chính phủ có những mục tiêu khác nhau về căn bản, được định ra bởi những quan điểm khác nhau về cuộc khủng hoảng.
Viết trên website của viện nghiên cứu chính sách này, ông Ford nhấn mạnh rằng ưu tiên hàng đầu của Mỹ là chống khủng bố hướng vào những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo và những đồng minh của họ, trong khi chiến lược quân sự của Nga tập trung vào việc tiêu diệt tất cả phe đối lập chống lại chính quyền Assad.
Cuộc chiến giành lại Aleppo kéo dài hàng tháng đã gây ra một số vụ bạo lực đẫm máu nhất kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra ở Syria hơn năm năm trước.
Những quan chức của Liên Hiệp Quốc ước tính tới 400.000 người đã thiệt mạng trong chiến sự và hàng triệu người khác đã phải tản cư.