Đường dẫn truy cập

Bệnh phế quản nhạy cảm và bệnh suyễn


(Ảnh tư liệu ngày 13/8/2017)
(Ảnh tư liệu ngày 13/8/2017)

Thính giả tên Nguyễn Thị Thúy Hằng hỏi về bệnh phế quản nhạy cảm và bệnh suyễn ở trẻ em:

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Bệnh phế quản nhạy cảm và bịnh suyễn (Reactive Airway Disease and Asthma)

Bệnh phế quản nhạy cảm và bịnh suyễn
please wait

No media source currently available

0:00 0:16:25 0:00
Tải xuống

Trả lời bà Nguyễn Thị Thuý Hằng, hỏi về con gái của bà là Thảo An 10 tuổi. Tất nhiên, tôi không thể nói đích xác cháu An bị bịnh gì. Trẻ em hay bị mệt có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, như tim bị bịnh, thiếu máu, bé quá mập, bé ít hoạt động vân vân . Tuy nhiên, ở đây chúng ta sẽ bàn đến một bịnh mà hy vọng sẽ giải đáp phần nào thắc mắc của thính giả. Khi một trẻ em mệt , khó thở trong khi hay sau khi chơi, chạy nhảy nhiều, hay tập thể thao , thể dục,... có thể lý do là phế quản của em thắt lại (bronchoconstriction, bronchospasm) lúc các em hoạt động nhiều (exercise-induced asthma). Nếu bác sĩ cho thở thuốc albuterol sulfate để hít vào phổi và em thấy khoẻ, điều này xác nhận là phế quản thắt lại là nguyên nhân làm bé mệt.

Bịnh “đường thở nhạy cảm” gọi là “reactive airway disease”, có thể là nguyên nhân chính trong trường hợp này. Những bịnh nhân này có các ống thở (phế quản, bronchi) nhạy cảm một cách bất thường với các nhiễm trùng do siêu vi, thay đổi khí hậu (trời lạnh). Mỗi lần cháu bị cảm, thay vì chỉ nóng, ho, sổ mũi, nghẹt mũi vài hôm, 10 ngày là hết, các cháu này ho nhiều hơn, khò khè, bác sĩ nghe phổi thì có đàm (rales) nên định bịnh là viêm phế quản , đôi khi định bịnh là viêm phổi (pneumonia) nếu chụp X Ray thấy những vết nám. Vì đứa trẻ nhỏ thường bị cảm virus nhiều lần trong năm đầu và năm thứ nhì, các trẻ này dễ bị định bịnh là bị viêm cuống phổi tái hồi (recurrent bronchitis), trong lúc vấn đề cơ bản của chúng chỉ là cuống phổi quá nhạy cảm, và nói một cách khác là chúng bị suyễn, nhưng vì chưa chắc chắn , bác sĩ tránh dùng từ “suyễn” mà dùng từ “reactive airway disease” mơ hồ hơn trước khi xác định đấy là bịnh suyễn. Tuy nhiên, nếu là reactive airway disease, thì viêm phế quản do virus gây ra thường không cần trụ sinh mà cần đối phó với bịnh tương tự như bịnh suyễn bàn sau đây.

Bệnh suyễn có nhiều nguyên nhân gây ra và cùng một bệnh nhân có thể có nhiều yếu tố khác nhau góp lại để gây bệnh suyễn. Bịnh nhân có thể dị ứng với một chất nào đó trong không khí (ví dụ gián, thú cưng trong nhà, phấn bông tuỳ theo mùa). Khói thuốc lá có thể làm cho phế quản khó chịu (irritant) thay vì gây dị ứng. Thời tiết lạnh hay áp suất không khì đổi; bịnh nhân chạy nhảy, chơi thể thao có thể làm bịnh nhân thở nhanh hơn, mạnh hơn, và do đó nhiệt độ trong phế quản hạ xuống, làm cho phế quản co thắt lại. Cộng thêm vào đó, những chất nhờn (mucus) được tiết ra nhiều và niêm mạc trong lồng phế quản sưng lên. Các biến cố này làm cho lòng phế quản nhỏ lại rất nhiều và không khí đi qua một cách khó khăn tạo nên những rales hay một tiếng vi vu như tiếng sáo diều nếu áp tai vào ngực bệnh nhân để nghe. Nếu suyễn nặng ta có thể nghe được mà không cần dùng ống nghe, đó là tiếng khò khè mô tả ở trên (tiếng Anh gọi là "wheezing").

Phụ huynh nên tìm hiểu về khả năng bé bịnh suyễn hoặc reactive airway và bàn với bác sĩ lúc cháu đi khám. Nhắc lại những số khái niệm về cơ cấu của hệ hô hấp: Khi chúng ta thở vào, không khí đi vào mũi hoặc miệng, qua ống khí quản (trachea) là cái ống cưng cứng, nằm chính giữa cổ, mà ta có thể sờ được một cách dễ dàng, sau đó không khí được phân phối khắp các vùng trong phổi nhờ những nhánh ống càng ngày càng nhỏ hơn, tủa ra như hình những rễ cây. Những ống này gọi là phế quản (bronchi) đem không khí đến những túi nhỏ ở tận cùng gọi là phế nan (alveoli). Khi ta thở ra, không khí được đẩy ngược trở ra từ các phế nan và thoát ra ngoài ở miệng hoặc mũi. Ðường kính của những phế quản nói trên được điều chỉnh ở mức tối hảo để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Nói một cách giản dị, các phế quản phải được mở rộng vừa đủ để không khí đi ra đi vào. Yếu tố này tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố kiểm soát, một số yếu tố làm nở phế quản, yếu tố khác ngược lại có khuynh hướng làm co phế quản lại. Ví dụ khi ta sợ sệt trước một tai họa nào đó khiến ta phải "tranh đấu hoặc trốn chạy", tuyến thượng thận tiết ra chất adrenaline nhiều trong máu để giúp ta đối phó với các "stress" đó (fight or flight), một trong những tác dụng của chất adrenaline là làm cho cuống phổi nở ra để chúng ta lấy hơi.

Chữa trị: Trong trường hợp người bị suyễn hay bịnh phế quản quá nhạy cảm, phế quản nhạy cảm một cách bất bình thường và dễ co thắt lại. Nếu cháu bé ngửi phải một chất làm phế quản khó chịu, hoặc bị một bệnh siêu vi (virus) nào, BS có thể cho toa mua sẵn thuốc có tác dụng làm nở phế quản mỗi lần cháu bắt đầu ho đàm. Thuốc uống (nay ít dùng), hay thuốc pha sẳn thành dung dịch cho vào máy phun hơi (nebulizer) để thở vào mũi và miệng qua mặt nạ (mask), hoặc thuốc chưá trong một ống bơm gọi là metered-dose inhaler (MDI). Tên thuốc : albuterol (Proair, Ventolin, Proventil). Bé nhỏ dùng inhaler cần một cái ống đặc biệt gọi là “holding chamber” (tên thương mãi là Aerochamber, gắn liền với một cái mặt nạ [mask] lớn nhỏ tùy theo tuổi, ụp vào miệng bịnh nhân, để bé hít hơi có thuốc từ trong ống nhiều lần) để giữ thuốc đừng tản mát ra ngoài. Phụ huynh có thể lên internet đọc thêm về các MDI và Aerochamber cũng như cách dùng các thứ này.

Nếu bịnh nhân hay mệt, ngoài những cơn xảy ra lúc chạy nhảy, nên nhờ bác sĩ điều tra xem em có bị dị ứng hay suyễn mãn tính (chronic asthma) hay không. Có nhiều trẻ mệt mỏi, ho đêm, nhưng không khò khè (wheezing) rõ rệt nên cha mẹ không biết chúng bị suyễn. Nếu cần, bác sĩ sẽ cho các em dùng ống hít (inhaler) chứa chất corticoid một hai lần mỗi ngày, dài hạn hay ít nhất trong mùa đông hay mùa xuân lúc các em bị các yếu tố như thời tiết, phấn bông 'trigger' làm lên cơn suyễn. Một thuốc khác được dùng để ngừa hay giảm thiểu các cơn suyễn là montelukast ( leukotriene receptor antagonist (LTRA) ), thuốc cốm, viên kẹo nhai hay viên nuốt uống mỗi ngày.

Đương nhiên, cần hướng dẫn của bác sĩ nhi khoa và các tin tức bàn ở đây chỉ có mục đích thong tin và giúp cho sự đối thoại với bs của bé đầy đủ và dễ dàng hơn.

Chúc bịnh nhân và gia đình may mắn.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 25 tháng 9 năm 2017

Cảm ơn bác sĩ Hồ Văn Hiền. Chúng tôi cũng xin cảm ơn thính giả đã tham gia chương trình Hỏi đáp Y học này.

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG