Hôm thứ ba vừa qua, 5 ngày sau khi Hoa Kỳ loan báo kế hoạch bán cho Đài Loan nhiều loại vũ khí tối tân trị giá gần 6 tỉ rưỡi đô la, giới hữu trách ở Bắc Kinh cho biết họ vẫn còn cảm thấy phẫn nộ trước hành động của Washington mà họ cho là can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Ông Mã Triêu Húc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết:
"Hoa Kỳ không lý gì đến sự chống đối kiên quyết của Trung Quốc mà khăng khăng loan báo kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan. Điều này chắc chắn sẽ gây thêm tổn hại cho quan hệ Mỹ-Trung, tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực rất lớn cho công cuộc hợp tác của hai nước trong nhiều lãnh vực quan trọng, và làm phát sinh những hậu quả mà cả đôi bên đều không muốn có."
Ông Mã Triêu Húc tuyên bố như thế sau khi Trung Quốc quyết định ngưng chỉ mọi hoạt động giao lưu với quân đội Hoa Kỳ và đe dọa chế tài những công ty Mỹ dính líu tới việc cung ứng trang thiết bị quân sự cho Đài Loan, một đảo quốc tự trị từ hơn 60 năm nay mà Trung Quốc vẫn xem là một phần lãnh thổ của mình.
Trong lúc chính phủ của Tổng thống Obama tuyên bố rằng hành động chế tài như thế là không thỏa đáng và yêu cầu Trung Quốc xem xét lại, giới quan sát tình hình Á châu cho biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc đe dọa chế tài các công ty Mỹ. Họ cũng cho rằng hành động này là dấu hiệu mới nhất cho thấy giới lãnh đạo ở Bắc Kinh đã bắt đầu từ bỏ chính sách đối ngoại có tính chất “khép mình” mà cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đã xướng xuất sau khi tiến hành công cuộc đổi mới kinh tế cách nay khoảng 40 năm.
Bà Thái Vịnh Mai, chủ bút của Tạp chí Khai Phóng ở Hồng Kông, cho biết:
"Sau khi xảy ra vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu, tôi nhận thấy chính sách ngoại giao của Trung Quốc đã hoàn toàn khác với chính sách 'thao quang dưỡng hối' hay 'tạm thời khép mình để nuôi dưỡng nội lực' mà ông Đặng Tiểu Bình đề xướng và được áp dụng từ mấy mươi năm qua. Nói một cách khác, Trung Quốc giờ đây đã từ bỏ đường lối nhún nhường và bắt đầu có thái độ cứng rắn trong các vấn đề quốc tế. Có nhiều chuyện mà trước đây họ không muốn đứng ra đảm đương hay dính líu tới thì bây giờ họ đã chủ động can dự với một thái độ rất cứng rắn."
Ông Kenneth Lieberthal, một nhà nghiên cứu của Tổ chức Brookings ở Washington, từng làm cố vấn cho cựu tổng thống Bill Clinton về vấn đề Trung Quốc. Theo tường thuật hôm thứ tư vừa qua của Đài phát thanh công cộng NPR (National Public Radio) ở Mỹ, ông Lieberthal cho rằng thái độ của Trung Quốc – mà một số nhà quan sát Tây phương cho là “cao ngạo”, phát xuất từ lòng tự tin mà họ có được hồi gần đây nhờ vị thế tương đối vững vàng của họ trên trường kinh tế quốc tế sau vụ khủng hoảng tài chánh toàn cầu. Ông nói rằng sau nhiều thập niên cảm thấy bị xem thường và bị gạt ra ngoài, Trung Quốc đã trở nên tự tin hơn trong việc đòi hỏi quyền lợi cho mình, từ vấn đề biến đổi khí hậu, kinh tế toàn cầu cho tới các vấn đề an ninh quốc tế.
Trong khi đó, người đứng đầu bộ phận Á châu của tờ Tin Tức Quốc phòng (Defense News), ông Wendell Minnick, cho biết rằng lâu nay Trung Quốc vẫn muốn sử dụng các biện pháp chế tài như một công cụ chính trị để chống lại nước Mỹ. Ông phát biểu như sau trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho đài VOA:
"Trung Quốc đang sử dụng chính mô thức mà Hoa kỳ sử dụng. Như quí vị đã biết, chúng ta chế tài các công ty làm ăn với Iran và Bắc Triều Tiên. Trung Quốc đã học được bài học đó và họ đang ứng dụng chính những kỹ thuật mà người Mỹ chúng ta đã sử dụng từ bấy lâu nay."
Ông Minnick cho biết thêm rằng trong trường hợp Trung Quốc áp đặt các biện pháp chế tài thì ảnh hưởng những biện pháp này sẽ rất hạn chế. Ông nói"
"Tôi không nghĩ rằng họ sẽ ngăn chận những mối quan hệ doanh thương với các công ty như Boeing hay Sikorsky. Họ rất cần tới những công ty đó để cải thiện năng lực trong ngành hàng không. Điều mà họ có thể làm là thực hiện một hành động chế tài có tính chất tượng trưng nhắm vào những công ty khác vốn không làm ăn nhiều với Trung Quốc trong lãnh vực thương mại."
Ông Stephen Yates, chủ tịch một công ty tư vấn ở Washington có tên là Asia Advisory, tán đồng nhận định của ông Minnick và cho rằng thái độ cứng rắn của Trung Quốc sẽ có phản tác dụng. Ông nói:
"Tôi không tin là việc đó sẽ được thực thi một cách nghiêm túc. Nếu quả là như vậy, tôi nghĩ rằng họ đã không lượng định đúng mức về những ác cảm mà việc đó sẽ làm nẩy sinh ở Hoa Kỳ, ở Quốc hội Hoa Kỳ. Và điều đó chắc chắn sẽ gây thêm áp lực đòi chính phủ của Tổng thống Obama phải có thái độ cứng rắn trong cách đối xử với Trung Quốc. Vì vậy tôi tin rằng lời đe dọa này sẽ không được thực hiện tới nơi tới chốn."
Về phần Đài Loan, chính phủ ở Đài Bắc cho biết rằng tuy các mối quan hệ xuyên eo biển đã được cải thiện rất nhiều trong năm vừa qua, nhưng đảo quốc này vẫn có nhu cầu rất chính đáng là tăng cường khả năng phòng thủ. Thủ tướng Đài Loan, ông Ngô Đốn Nghĩa tuyên bố rằng Đài Loan là một nước có chủ quyền, có quyền bảo vệ an ninh quốc phòng của mình và sự chống đối của Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng gì tới kế hoạch mua vũ khí của chính phủ ở Đài Bắc.
Giới quan sát tình hình Đài Loan cho biết Trung Quốc vẫn còn bố trí hơn 1 ngàn 500 phi đạn tầm trung và tầm ngắn nhắm vào Đài Loan và giới hữu trách Bắc Kinh đã không có phúc đáp nào đối với lời kêu gọi của Tổng thống Mã Anh Cửu đòi họ dời các phi đạn đi nơi khác để gia tăng sự tin tưởng giữa đôi bên.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho ban Hoa Ngữ đài VOA, nữ dân biểu Diệp Nghị Tân của đảng Dân Tiến phát biểu như sau về vấn đề này:
"Người Đài Loan chúng tôi không muốn thấy Trung Quốc một mặt nói rằng 'chúng ta là đồng bào của nhau' nhưng mặt khác lại bố trí rất nhiều phi đạn nhắm thẳng vào chúng tôi như vậy. Tại sao họ có quyền đặt nhiều phi đạn nhắm vào chúng tôi như vậy mà chúng tôi lại không được quyền tăng cường khả năng phòng thủ để bảo vệ cho tính mạng và tài sản của mình? Đây là vấn đề mà tôi hy vọng là phía Trung Quốc sẽ xem xét lại."
Trong vụ tranh cãi mới đây với Hoa Kỳ, Trung Quốc đã đe dọa chế tài các công ty Mỹ dính líu tới kế hoạch bán vũ khí cho Đài Loan. Một số các nhà quan sát cho rằng diễn tiến này là dấu hiệu mới nhất cho thấy Bắc Kinh đã bắt đầu từ bỏ chính sách “nhún nhường” trên trường quốc tế do cố lãnh tụ Đặng Tiểu Bình đề xướng. Mời quý vị nghe Duy Ái trình bày một số chi tiết về vấn đề đáng chú ý này trong tiết mục Nhìn Về Á Châu sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1