Đường dẫn truy cập

Bê bối chuyến bay giải cứu: Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng bị bắt


Thứ trưởng Ngoại giao VN Tô Anh Dũng (ảnh lớn) bị bắt hôm 14/4/2022 vì tội "nhận hối lộ".
Thứ trưởng Ngoại giao VN Tô Anh Dũng (ảnh lớn) bị bắt hôm 14/4/2022 vì tội "nhận hối lộ".

Một thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam bị bắt giữ hôm 14/4 liên quan đến vụ bê bối đưa, nhận hối lộ để thực hiện các chuyến bay giải cứu, cổng thông tin điện tử của chính phủ Việt Nam cho hay.

Trang Thông tin Chính phủ công bố rằng Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng, 58 tuổi, vừa bị bắt về tội “nhận hối lộ” cùng với hai bị can khác, gồm một nam chuyên viên 41 tuổi thuộc Bộ Y tế và một cựu nam cán bộ công an 43 tuổi từng làm việc ở Cục Quản lý Xuất nhập cảnh. Công an đã tiến hành khám xét nơi ở của cả 3 bị can nêu trên.

Trước đó, như VOA đã đưa tin, hồi cuối tháng 1, nhà chức trách Việt Nam bắt 4 quan chức cũng tại Bộ Ngoại giao, gồm nữ Cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi; một cục phó, một chánh văn phòng và một phó phòng của cục này, về tội “nhận hối lộ” liên quan đến các chuyến bay đưa người Việt về nước trong đại dịch, thường được gọi là “chuyến bay giải cứu”.

Sau đó, vào cuối tháng 3, công an bắt thêm một nữ giám đốc một công ty dịch vụ hàng không về tội “đưa hối lộ”.

Vụ việc tại Cục Lãnh sự xảy ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 dẫn đến các nước đóng cửa biên giới với nhau từ đầu năm 2020. Do đó, các công dân Việt Nam phải bỏ ra chi phí cao gấp 5 đến 8 lần so với trước đại dịch để có thể bay về nước trên các chuyến bay do nhà nước Việt Nam đứng sau.

Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố thông tin hồi tháng 12/2021 là bộ này và các cơ quan liên quan đã thực hiện “800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước”.

Sau khi vụ bê bối đưa, nhận hối lộ liên quan đến các chuyến bay giải cứu vỡ lở ra, theo quan sát của VOA, nhiều người nêu ước tính trên mạng xã hội rằng nếu mỗi công dân phải hối lộ từ 1.000-2.000 đô la cho những người có quyền dàn xếp các chuyến bay, tổng số tiền hối lộ lên tới 200-400 triệu đô la. Số tiền này tương đương với khoảng từ 4 nghìn 600 tỷ đồng đến 9 nghìn 200 tỷ đồng.

Vụ việc đã gây chấn động và căm phẫn trong dư luận Việt Nam về tình trạng có những kẻ lợi dụng dịch bệnh để trục lợi từ người dân khốn khó.

Thông tin Chính phủ nói hôm 14/4 rằng ngoài 8 bị can đã bị bắt cho đến nay, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vẫn đang điều tra mở rộng vụ án để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trước đó ít ngày, Phát ngôn viên Bộ Công an Việt Nam, ông Tô Ân Xô, nói với báo giới hôm 4/4 rằng bộ này mở rộng điều tra về vụ bê bối vì “các đối tượng hoạt động tinh vi, đông người, và trong thời gian dài”.

VOA Express

XS
SM
MD
LG