Đường dẫn truy cập

7 công dân Nam Triều Tiên cuối cùng ở Kaesong sắp về nước


Xe cộ Nam Triều Tiên chở các sản phẩm từ tổ hợp công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên về đến cơ quan hải quan, xuất nhập cảnh và kiểm dịch gần làng biên giới Panmunjom ở Paju, ngày 28/4/2013.
Xe cộ Nam Triều Tiên chở các sản phẩm từ tổ hợp công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên về đến cơ quan hải quan, xuất nhập cảnh và kiểm dịch gần làng biên giới Panmunjom ở Paju, ngày 28/4/2013.
Chính phủ Nam Triều Tiên cho biết 7 công dân cuối cùng của họ còn ở lại khu công nghiệp liên doanh ở Bắc Triều Tiên tự nguyện ở lại để xử lý các vấn đề chưa giải quyết xong. Từ Seoul, thông tín viên Steve Herman của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Các giới chức ở Seoul cho biết 5 thành viên của ủy ban quản trị và hai nhân viên viễn thông quyết định ở lại Kaesong sau khi 43 người Nam Triều Tiên khác đã về nước.

Một phát ngôn viên Bộ Thống nhất nói rằng bất kỳ gợi ý nào cho rằng những người Nam Triều Tiên đó ở lại miền bắc trái với ý nguyện của họ đều không chính xác.

Người phát ngôn nói thêm rằng Seoul “không phản đối” việc những người đó ở lại Bắc Triều Tiên trong một thời gian ngắn để xử lý những đòi hỏi của Bình Nhưỡng về những khoản tiền lương, tiền thuế doanh nghiệp và tiền dịch vụ viễn thông chưa trả.

Truyền thông địa phương nói rằng Bắc Triều Tiên đang đòi khoảng 80 triệu đô la.

53.000 công nhân Bắc Triều Tiên đã rời khỏi khu công nghiệp này hôm mồng 9 tháng tư. Lúc đó, chính phủ ở Bình Nhưỡng tố cáo Nam Triều Tiên xúc phạm điều mà họ gọi là “phẩm giá tối cao” của Bắc Triều Tiên.

Tuần trước, Nam Triều Tiên hối thúc tất cả công dân của họ, chủ yếu là các viên quản đốc của những doanh nghiệp dệt may cỡ nhỏ và trung bình, hãy về nước trong lúc Bắc Triều Tiên cấm không cho đưa lương thực và tiếp liệu vào khu phức hợp này.

Bộ trưởng Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên, người phụ trách các mối quan hệ Liên Triều trong lúc đôi bên không có quan hệ ngoại giao, bày tỏ hy vọng là Bình Nhưỡng sẽ thay đổi ý kiến và chấp nhận đề nghị đối thoại của Seoul.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Ryoo Kihl Jae nói rằng mọi người sẽ nhớ mãi việc Bắc Triều Tiên rút công nhân của họ ra khỏi khu công nghiệp liên doanh, và ngay cả trong trường hợp các hoạt động ở đây có thể được phục hồi thì Bình Nhưỡng “sẽ phải cố gắng rất nhiều để phục hồi sự tin tưởng đã tiêu tan vì tình hình hiện nay.”

Hôm nay, tờ Minju Joson của Bắc Triều Tiên cho đăng một bài bình luận nói rằng Bình Nhưỡng không quan tâm gì tới việc Nam Triều Tiên rút nhân viên ra khỏi Kaesong; và khu công nghiệp này hoàn toàn sụp đổ thì miền Bắc “sẽ không bao giờ thứ lỗi” cho miền Nam.

Cựu Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell nói với báo chí ở Nam Triều Tiên rằng vụ đóng cửa khu công nghiệp Kaesong là một phần của những hành động đáng lo ngại mà Bình Nhưỡng đã thực hiện trong thời gian gần đây.

Ông Campbell nói: "Tôi không nghĩ rằng những gì xảy ra ở Kaesong đánh dấu một sự thay đổi lớn như vụ pháo kích vào các hòn đảo hay vụ đánh chìm chiến hạm Cheon-An trong quá khứ. Tuy nhiên, đây là sự tích tụ của những hành vi trên cơ bản là những hành vi gây hấn, mà theo tôi, đã tạo ra một sự suy nghĩ lại tại nhiều thủ đô về sự khó khăn của việc xây dựng một chiến lược giao tiếp có thể mang lại thành quả với Bắc Triều Tiên."

Ông Campbell nói rằng Washington, Seoul và các thủ đô khác nên “tiếp tục thúc giục Trung Quốc gây sức ép” để Bắc Triều Tiên thay đổi cách hành xử của họ.

Bắc Triều Tiên đổ lỗi cho Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên về việc căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên. Họ nói rằng hai nước đồng minh này đang cuanb để xâm lăng Bắc Triều Tiên.

Trong vài tháng qua, Bắc Triều Tiên đã vi phạm các nghị quyết của Liên hiệp quốc qua việc thực hiện một vụ phóng hỏa tiễn tầm xa và một vụ thử nghiệm hạt nhân.

Họ cũng đơn phương tuyên bố rút khỏi hiệp định đình chiến năm 1953, tuyên bố hai miền Triều Tiên đang ở trong tình trạng chiến tranh và dọa thực hiện một vụ tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân nhắm vào các căn cứ của Mỹ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG