Cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia bước vào tuần lễ cuối cùng, khi Đô trưởng Jakarta Joko Widodo đối mặt với ông Prabowo Subianto, một cựu chỉ huy trưởng lực lượng Đặc biệt. Theo tường trình của Thông tín viên Kate Lamb từ Jakarta, cuộc tranh cử xít xao này không phải là không gây tranh cãi.
Vào lúc 187 triệu cử tri của nền dân chủ lớn hàng thứ ba trên thế giới chuẩn bị đi bầu vào ngày 9 tháng 7, cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên có hy vọng đắc cử Tổng thống đang trở nên sôi động.
Trong những tháng gần đây, Đô trưởng Jakarta được lòng dân, ông Joko Widodo hay còn được gọi là Jokowi, đã thấy thế dẫn đầu chắc chắn hơn 25% phiếu sụt xuống mức dưới 10%.
Hầu hết các cuộc thăm dò vẫn đặt ông lên hàng đầu, nhưng với khoảng cách biệt rất nhỏ. Đối thủ của ông là Prabowo Subianto, đã tiến hành một chiến dịch tranh cử cực kỳ mạnh mẽ và một số cuộc thăm dò cho thấy ông về sau có 3%.
Nhà phân tích chính trị Douglas Ramage thuộc Bower Group Asia, nói ông Prabowo đã chuẩn bị từ lâu cho thời điểm này.
Ông Ramage nói: “Hãy nhớ rằng đây là một ứng cử viên Tổng thống có thể là một trong những ứng cử viên Tổng thống nhiều kinh nghiệm tại châu Á. Ông ra tranh cử Tổng thống 3 lần tại Indonesia và ông có kinh nghiệm tốt trong những cuộc tranh cử này."
Chiến dịch vận động tranh cử khéo thi hành và những bài diễn văn ái quốc hùng hồn về việc đòi lại những nguồn tài nguyên đồi dào của Indonesia đang thu hút số cử tri ngày càng đông. Nhưng sự nổi lên của ông không phải không gây tranh cãi.
Vị cựu tướng lãnh này bị cáo buộc về những vụ vi phạm nhân quyền tại Đông Timor và về việc ra lệnh bắt cóc những nhà hoạt động đòi dân chủ vào năm 1998, trong thời gian ông chỉ huy lực lượng đặc biệt.
Giới chỉ trích lo ngại là ông Prabowo, chưa bao giờ bị đưa ra trước tòa án dân sự về các cáo buộc đó, có thể cắt giảm những quyền tự do dân chủ mà người dân Indonesia đã được hưởng kể từ khi cựu Tổng thống Suharto bị lật đổ.
Tuần trước, đại sứ Hoa Kỳ tại Indonesia, ông Robert O. Blake dường như cũng có góp ý về việc này. Ông nói với báo The Wall Street Journal rằng tuy không đứng về bên nào trong cuộc bầu cử, Hoa Kỳ đã hối thúc Indonesia điều tra về các vụ vi phạm nhân quyền theo như lời tố giác.
Các nhận định này đã gây phẫn nộ trong số các giới chức chính phủ ở Jakarta vì cho rằng việc Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ của Indonesia là điều không thể chấp nhận được. Hôm thứ hai, Bộ trưởng ngoại giao Marty Natalegawa mô tả những lời bình luận đó là “thiếu phán đoán và khó chấp nhận được.”
Những người khác như ông Aleksius Jemadu, một giáo sư khoa học chính trị tại trường đại học Pelita Harapan, nói Hoa Kỳ đang gián tiếp vận động cho một nhà lãnh đạo sẵn lòng hỗ trợ cho chính sách ngoại giao và những quyền lợi chiến lược của nước Mỹ.
Ông Jermadu nhận định: “Tôi nghĩ rõ ràng là chính quyền Prabowo sẽ bày tỏ một tinh thần hết sức yêu nước dân tộc và không dễ gì Hoa Kỳ có thể đưa Indonesia vào những tính toán chiến lược của Mỹ để đương đầu với sự trỗi dậy của Trung Quốc vào lúc này.”
Giữa lúc mức cách biệt của ông Prabowo thu hẹp dần, mức ủng hộ dành cho ông Jokowi đường như đang bị tổn hại vì một loạt những chiến dịch bôi nhọ, cáo buộc ông là người theo Cơ Đốc giáo hay là người Hoa.
Trong một quốc gia chủ yếu theo Hồi giáo, ông Jokowi buộc phải bỏ nhiều thời gian để bác bỏ những lời đồn đãi này – thời gian mà các nhà phân tích cho rằng đã khiến ông trở nên yếu thế.
Nhưng thanh danh mà ông Jokowi tạo dựng được qua công tác quản trị trong sạch và cung cách lãnh đạo được lòng dân vẫn còn thu hút nhiều cử tri.
Người ủng hộ và nhà hoạt động xã hội Christine Naomi nói tập tục minh bạch của ông Jokowi sẽ gây tiếng vang khắp Quốc hội nếu ông được bầu.
Bà Naomi nói bên lề một cuộc tập họp của ông Jakowi tại Jakarta:
Bà Naomi nói: “Một nhà lãnh đạo tốt sẽ bảo đảm là các nhà lập pháp sợ làm việc sai trái. Indonesia không cần một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hay một tướng lãnh khác nhưng là một người có thể tạo ra được sự khác biệt.”
Cuộc bầu cử năm nay là một cột mốc quan trọng trong tiến bộ dân chủ của Indonesia vào lúc lần đầu tiên quyền hành được trao từ một nhà lãnh đạo dân cử nọ qua một nhà lãnh đạo dân cử kia.
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono đã phục vụ tối đa hai nhiệm kỳ 5 năm và không thể ra tranh cử được nữa.