Tại thành phố Houston, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, cuộc bầu cử ngày 4 tháng 11 vừa qua có một nét đặc biệt: tại đơn vị 149 chỉ có hai ứng cử viên người Mỹ gốc Việt cùng ra tranh ghế dân biểu Quốc hội Tiểu bang Texas. Một là đương kim Dân biểu Hubert Võ (Đảng Dân Chủ) và hai là cựu Nghị viên Thành phố Houston Al Hoàng (Đảng Cộng Hòa), tức luật sư Hoàng Duy Hùng, với kết quả bầu cử chung cuộc Hubert Võ đã thắng cử nhiệm kỳ thứ sáu với phiếu bầu 11,711, đạt tỷ lệ khoảng 54,61% so với ứng viên Al Hoàng thất cử với số phiếu bầu 9,730, đạt tỷ lệ 45,39%.
Theo công luận trong giới người Việt tỵ nạn cộng sản tại địa phương, thì kết quả chung cuộc trên không phải là chuyện bất ngờ, không làm nhiều người ngạc nhiên như kết quả tranh cử vào chức vụ nghị viên Thành phố Houston, đơn vị F, khoàng một năm trước đây, giữa đương kim Nghị viên Al Hoàng lúc đó với ứng cử viên Richard Nguyễn.
Bất ngờ là vì trong cuộc tranh cử chức vụ nghị viên Thành phố Houston, ai cũng đinh ninh rằng, ứng cử viên Al Hoàng sẽ tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba, do ưu thế của một đương kim nghị viên, khả năng, kinh nghiệm hoạt động chính trị cá nhân được nhiều người biết đến, hơn hẳn ứng cử viên Richard Nguyễn, một người ít được ai biết đến tên tuổi. Thành ra kết quả gọi là “ngựa về ngược” này đã gây ngạc nhiên cho chính hai ứng cử viên và cho mọi người Việt quan tâm.
Thế nhưng, kết quả bầu cử dân biểu Quốc hội Tiểu bang Texas, đơn vị 149 Thành phố Houston lần này không làm ai ngạc nhiên vì đã nằm trong tiên liệu của số đông là ứng cử viên Hubert Võ sẽ thắng ứng cử viên Al Hoàng. Ngay cả những người cùng Đảng Cộng Hòa hay những người ủng hộ Al Hoàng cũng chỉ tiên liệu dè dặt Al Hoàng chỉ có thể thắng cử sít sao 50 trên 50 nếu đa số cử trị Cộng Hòa bầu theo Đảng chứ không bầu cho cá nhân ứng viên. Sự tiên liệu này dựa trên một số ưu thế sẵn có của ứng viên Hubert Võ, như ưu thế của một đương kim dân biểu đã thắng cử liên tục 5 nhiệm kỳ qua, trong một đơn vị bầu cử mà cử tri đảng Dân Chủ của ông chiếm số đông, cộng với ưu thế về tài chánh của một nhà kinh doanh thành đạt đã đành, song yếu tố quyết định thắng cử kỳ này còn là rút ra kinh nghiệm thất cử của nghị viên Al Hoàng trong việc tái tranh cử nghị viên Thành phố Houston, Đơn vì F. Sự thất cử lần trước cũng như lần này chủ yếu đều do lập trường và quan điểm chính trị, phương cách chống cộng của ứng cử viên Al Hoàng đã đi ngược với số đông người Việt tỵ nạn cộng sản ở đây. Lập trường, quan điểm và phương cách chống cộng bao lâu nay của số đông này vẫn là “không đối thoại, không hòa giải và hợp với cộng sản Việt Nam”. Trong khi ứng cử viên Al Hoàng thì chủ trương và công khai thực hiện “tiếp cận và đối thoại với Việt cộng” và ông đã viết cả một cuốn sách để biện giải cho cái gọi là “Cách mạng trắng”, công khai tiếp xúc với phái đoàn Thứ trường Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, người đặc trách công tác về người Việt ở nước ngoài, khi đến công tác tại Thành phố Houston, khi Al Hoàng còn tại chức nghị viên Thành phố. Sau đó nghị viên Al Hoàng đã cùng vợ và vài người tùy tùng khác về Việt Nam tiếp xúc với giới chức chính quyền Đà Nẵng, nói là làm nhiệm vụ ngoại giao để nối kết làm ăn kinh tế giữ hai thành phố Houston và Đà Nẵng.Nhân chuyến đi này nghị viên Al Hoàng đã có những hoạt động ngoại giao cá nhân khác như đến thăm tư gia và ăn trưa với cựu Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thăm tại gia Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, chụp hình lưu niệm bên hình tượng Hồ Chí Minh và cờ đỏ sao vàng, vốn gây dị ứng đối với người Việt tỵ nạn cộng sản tại Houston nói riêng và ở hải ngoại nói chung. Vì vậy, những người ủng hộ ứng cử viên Nghị viên Thành phố Richard Nguyễn trước đây cũng như ủng hộ ứng cử viên Dân biểu Hubert Võ hiện nay đã sử dụng, khai thác triệt để các hình ảnh này trong cả hai cuộc tranh cử như một trong những vũ khí để đánh bại ứng cử viên Al Hoàng và họ đã thành công.
Thất bại của một trong hai ứng cử viên người Mỹ gốc Việt khi tranh cử dân biểu Quốc hội Tiểu bang Texas cùng trong đơn vị bầu cử 149 Thành phố Houston có ý nghĩa gì?
Theo chúng tôi, sự kiện này đã nói lên một vài ý nghĩa sau đây:
1.- Lập trường, quan điểm và phương thức chống cộng vì mục tiêu dân chủ hóa Việt Nam, cho đến lúc này vẫn không thay đổi trong đa số người Việt tỵ nạn cộng sản ở Houston nói riêng, hải ngoại nói chung.
Theo đó, họ vẫn không chấp nhận đối thoại, không nói chuyện hòa giải hòa hợp với đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Vì thực tế, theo họ, đảng và nhà cầm quyền Việt Nam hiện nay, từ quá khứ đến hiện tại, chưa bao giờ chính thức đưa ra chủ trương đối thoại để hóa giải những mâu thuẫn Quốc - Cộng về những vấn đề căn bản của Đất nước (như chế độ chính trị, kinh tế, xã hội…) một cách hòa bình, để đi đến hòa hợp dân tộc thực sự. Trước sau, Đảng và nhà cầm quyền Việt Nam chỉ dựa trên thế mạnh, không muốn hòa giải mà chỉ muốn có hòa hợp với nhà cầm quyền để cùng xây dựng đất nước trong khung cảnh chế độ độc tài toàn trị cộng sản, vốn là mục tiêu tối hậu của công cuộc chống cộng vì dân chủ của người Việt Quốc gia trong nhiều thập niên qua. Vì vậy, chủ trương “Đối thoại” thực hiện “Cách mạng trắng” của ứng cử viên Al Hoàng đã bị chống đối quyết liệt, lên án là “Việt gian, tay sai cộng sản”, tuy có hơi quá đáng song là điều dễ hiểu. Sự thất cử chức vụ Nghị viên Thành phố Houston trước đây cũng như chức vụ Dân biểu Tiều bang Texas mới đây đã được số đông cử tri người Mỹ gốc Việt thể hiện qua lá phiếu bầu đã nói lên cụ thể ý nghĩa thứ nhất này.
2.- Mặc dầu là một sắc dân thiểu số trong lòng quốc gia Hoa Kỳ, nhưng đã tạo được yếu tố quyết định trong các cuộc bầu cử ở những địa phương tập trung đông người Việt tỵ nạn cộng sản như Houston, Dallas (Texas) hay Miền Bắc và Miền Nam California.
Điển hình là ứng cử viên Hubert Võ đã thắng cử nhiệm kỳ thứ 6 trong đơn vị bầu cử 149 Thành phố Houston, nơi có khoảng 20% cử tri người Mỹ gốc Việt với 53% phiếu tín nhiệm. Và tại California, ứng cử viên Janet Nguyễn đã được 62.6% phiếu bầu vào chức vụ Nghị sĩ Tiểu bang California, để trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên tại cơ quan lập pháp cao nhất của tiểu bang này, là nhờ số phiếu không nhỏ ở những nơi bầu cử có đông cử tri người Mỹ gốc Việt.
Cả hai ý nghĩa trên, trong tương lai, chắc chắn cũng sẽ được các ứng cử viên vào các chức vụ dân cử Hoa Kỳ từ trung ương (Liên bang) đến địa phương (Tiểu bang, thành phố…), dù ứng cử viên là người bản xứ, người Mỹ gốc Việt hay thuộc các sắc dân khác, phải quan tâm tranh thủ, không dám coi thường trong các cuộc bầu cử. Đồng thời, những cử tri người Mỹ gốc Việt cũng sẽ biết phải làm gì, cách nào, khi sử dụng lá phiếu của mình để phát huy ảnh hưởng đối với các ứng cử viên dân cử trong việc bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cá nhân cũng như các Cộng đồng người Việt trong lòng quốc gia Hoa Kỳ.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.