Lo lắng về kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ, thế giới đang theo dõi sát tình hình giữa lúc ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton và đối thủ bên Đảng Cộng hoà Donald Trump trình bày kế sách của họ để đối phó với chủ nghĩa khủng bố và giải quyết các vấn đề toàn cầu khác. Quan điểm của hai ứng viên tổng thống Mỹ về thế giới ra sao? Lập trường của họ về các vấn đề chính sách đối ngoại, từ những liên minh quốc tế cho tới việc đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo là gì?
NATO, Liên minh Bắc Đại Tây Dương đã ra đời cách đây 67 năm về trước, đã bị đẩy vào chiến dịch vận động tranh cử đầy cay đắng tại Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton, ứng cử viên của Đảng Dân chủ phát biểu:
“Chúng ta phải hợp tác chặt chẽ hơn với các đồng minh của chúng ta, nhưng đó là một vấn đề mà trong thời gian qua, Donald (Trump) tỏ ra không mấy quan tâm.”
Ứng cử viên Đảng Cộng hoà Donald Trump:
“Chúng ta đã làm việc với họ trong rất nhiều năm rồi, giờ chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy.”
Quan điểm khác biệt về mức độ cam kết của Mỹ đối với NATO nêu bật thế giới quan của hai ứng cử viên tổng thống Mỹ, theo nhà khoa học chính trị Jeremy Mayer. Ông nhận xét.
“Tôi tin rằng ông Trump là một người theo chủ nghĩa dân tộc, một người muốn lấy lòng dân, trong khi bà Hillary Clinton là một người theo chủ nghĩa quốc tế, ủng hộ một chính sách đa phương.”
Ông Trump ủng hộ một lực lượng quân đội hùng mạnh và hứa hẹn một chính sách đối ngoại dựa trên các lợi ích của nước Mỹ. Về phần bà Clinton, bà hứa sẽ dùng tất cả mọi công cụ quyền lực, từ ngoại giao cho tới phát triển, để đẩy mạnh chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.
Hai viễn kiến tương phản nhau đã dẫn tới những khác biệt lớn về chính sách đối với các nước đối nghịch chẳng hạn như Nga. Ông Trump nói về nước này như sau:
“Tôi không biết ông Putin, tôi nghĩ nếu chúng ta hoà hoãn với nước Nga thì rất tốt, bởi vì hai nước chúng ta có thể cùng sát cánh chống lại Nhà nước Hồi giáo.”
Bà Hillary Clinton có lập trường diều hâu hơn. Bà tuyên bố:
“Tôi sẽ đứng lên trực diện nước Nga. Tôi đã từng đối mặt với ông Putin và nhiều người khác, và trong cương vị Tổng thống, tôi cũng sẽ làm như vậy.”
Hai ứng cử viên tổng thống cũng bất đồng quan điểm mạnh mẽ với nhau về thoả thuận hạt nhân với Iran. Ông Trump miêu tả đây là một thoả thuận xấu, không có lợi cho Hoa Kỳ. Bà Hillary Clinton thì cho rằng thoả thuận này đã giúp kiềm chế chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân của Tehran.
Về vấn đề đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, vấn đề đối ngoại mà người dân Mỹ quan tâm nhất, những khác biệt về chính sách giữa hai ứng cử viên còn sâu rộng và rõ nét hơn nữa. Ông Donald Trump nói:
“Tôi không thích ông Bashar al-Assad một chút nào, nhưng ông ta đang tiêu diệt quân Nhà nước Hồi giáo. Nga cũng thế, và Iran cũng vậy, và các nước này dàn hàng với nhau bởi vì chính sách đối ngoại của ta quá yếu.”
Bà Hillary Clinton đề cập tới vấn đề này trong cuộc tranh luận thứ nhì giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ:
“Nga không hề quan tâm tới Nhà nước Hồi giáo. Họ chỉ muốn giữ ông Assad ở vị thế cầm quyền. Cho nên thời tôi còn giữ chức Ngoại trưởng, tôi đã cổ vũ và bây giờ vẫn tiếp tục cổ vũ việc thiết lập các khu vực cấm bay, an toàn.”
Nhưng cũng như trong các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ trong quá khứ, giới cử tri Mỹ chú trọng nhiều hơn tới các vấn đề khác: đó là vấn đề kinh tế và công việc làm ăn của họ, chứ không mấy quan tâm tới chính sách đối ngoại.