Bùi Văn Phú
Hôm đầu tuần tôi đã nhận được những phiếu bầu từ văn phòng tổ chức bầu cử ở California gửi đến nhà bằng đường bưu điện. Lá phiếu bằng ba ngôn ngữ Anh, Tây Ban Nha và Hoa, với tên của cả gần trăm ứng viên cho nhiều chức vụ. Cùng lúc cũng nhận được tờ quảng cáo vận động của nhiều ứng cử viên.
Từ nhiều năm qua tôi đã chọn cách bỏ phiếu bằng thư, vì thế mỗi kỳ bầu cử, trước ngày chính thức bầu chọn một tháng, tôi nhận được phiếu bầu và có thời gian để theo dõi, tìm hiểu về những ứng cử viên.
Sinh hoạt dân chủ ở Mỹ cho công dân quyền lựa chọn người đại diện qua lá phiếu, dù ở cấp rất thấp, như đại diện tổ trong công đoàn hay bầu chọn trưởng khoa tại trường đại học.
Ra đến các cơ quan công quyền, là những nơi xử dụng tiền thuế của dân thì các chức vụ đều do dân bầu chọn.
Tiến trình thực thi dân chủ cũng theo thời gian và nguyện vọng của dân mà thay đổi.
Ở tiểu bang California, kỳ bầu cử sơ bộ vào ngày thứ Ba 5/6 tới đây có thay đổi quan trọng.
Các chức vụ thống đốc cũng như dân cử trong quốc hội liên bang và tiểu bang sẽ không còn theo thể thức bầu chọn nội bộ từng đảng. Trước đây, mỗi kỳ bầu sơ bộ vào tháng Sáu chỉ có cử tri cùng một đảng – như đã xác minh theo đảng nào khi ghi danh tham gia bầu cử – mới nhận phiếu bầu có tên các ứng viên đảng của mình để chọn.
Bây giờ không còn tách biệt các đảng. Mọi ứng viên đều có tên trong phiếu bầu và tất cả cử tri đều có thể bầu chọn ứng viên thuộc bất cứ đảng nào. Ai được trên 50% số phiếu là thắng cử ngay vòng đầu. Nếu không ứng viên nào đạt 50% + 1 phiếu, hai người được nhiều phiếu nhất, có thể là người cùng đảng hay khác đảng, sẽ vào chung kết vào tháng 11.
Vì thế chức vụ dân cử cao nhất của tiểu bang California được bầu chọn năm nay là thống đốc với danh sách ứng cử viên lên đến 27 người.
Điều kiện ra tranh cử thống đốc không có gì khó. Tuổi 18 trở lên, là công dân Mỹ, sống ở California và chỉ cần thu thập được từ 65 đến 100 chữ ký giới thiệu hợp lệ của cử tri là sẽ có tên trên phiếu bầu.
Danh sách ứng viên thống đốc gồm đủ mọi thành phần. Ngoài những chính trị gia được biết đến nhiều là đương kim Phó Thống đốc Gavin Newsom, Bộ trưởng Tài chánh Tiểu bang John Chiang, cựu Bộ trưởng Giáo dục Tiểu bang Delaine Eastin, Dân biểu Tiểu bang Travis Allen, cựu Thị trưởng Los Angeles là Antonio Villaraigosa. Ngoài ra có kỹ sư công nghệ thông tin Desmond Silveira, nhà văn Josh Jones, nhà giáo Albert Caesar Mezzetti, các doanh nhân John H. Cox, Hakan “Hawk” Mikado, Johnny Wattenburg, nhà toán học Akinyemi Agbede, nghệ sĩ thu âm Nickolas Wildstar. Có ứng viên gốc Á Peter Y Liu không ghi có nghề nghiệp gì.
Đông nhất là các ứng viên cộng hòa và dân chủ. Ngoài ra còn đảng Green, đảng Peace and Freedom, đảng Libertarian. Cũng có những ứng viên không ghi đảng nào.
Đây là lần bầu chọn thống đốc với số ứng viên đông nhất trong mấy kỳ bầu chọn vừa qua. Cách đây hơn 20 năm, khi cử tri bầu điền khuyết để thay thế Thống đốc Gray Davis bị truất nhiệm trong một kỳ bầu cử đặc biệt và đã có hơn một trăm người ra tranh cử.
Thời gian qua, với những vận động, tranh luận cùng gặp gỡ cử tri, các ứng cử viên nổi bật nhất hiện nay là Gavin Newsom, John Chiang, Delaine Eastin của đảng dân chủ và John Cox, Travis Allen của đảng cộng hòa.
Những đề tài được cử tri chú ý là công việc và nhà ở vì mức lương không bắt kịp giá sinh hoạt và giá nhà tăng nhanh. Vấn đề di dân cũng làm cử tri quan tâm. Người dân cũng lo lắng đến việc thông tin cá nhân mà các công ti công nghệ thông tin, các mạng xã hội có trụ sở ở California đang bán cho các công ti quảng cáo thương mại.
Trong không khí chính trị hiện nay của nước Mỹ, đảng dân chủ chắc sẽ vẫn giữ được ghế thống đốc California vào tháng 11 tới đây.
Ngoài chức thống đốc, kỳ này cử tri California còn bầu chọn một thượng nghị sĩ liên bang, với 32 ứng viên, trong đó có thượng nghị sĩ đương nhiệm Dianne Feistein tái tranh cử ở tuổi 84 tuổi.
Bầu chọn phó thống đốc có 11 ứng viên. Bộ trưởng tiểu bang có 8 ứng viên. Bộ trưởng ngân khố có 5 ứng viên, trong đó có bà Fiona Ma là người bạn thân thương của cộng đồng Việt ở vùng Vịnh San Francisco từ nhiều năm qua. Bộ trưởng tư pháp có 4 ứng cử viên.
Các chức vụ bầu theo khu vực cũng tràn ngập các ứng cử viên.
Tranh chức dân biểu liên bang, Địa hạt 39, thuộc Quận Cam có bác sĩ Mai-Khanh Trần cùng với 16 ứng viên khác. Bà theo đảng dân chủ và có quỹ vận động tranh cử khoảng 1 triệu 200 nghìn đôla, trong đó 480 nghìn đôla là tiền riêng của bà bỏ vào.
Hai ứng viên dân chủ khác có quỹ vận động cao hơn là doanh nhân Andy Thorburn và Gil Cisneros, mỗi người 2 triệu 500 nghìn đôla, hầu hết là tiền túi của các ứng viên này bỏ ra.
Phía đảng cộng hòa, hai ứng viên sáng giá nhất là Shawn Nelson, hiện là thành viên hội đồng giám sát Quận Cam và Nghị viên thành phố Brea là Steven C. Vargas.
Địa hạt 39 thuộc Quận Cam, có truyền thống ủng hộ cộng hòa với Dân biểu Ed Royce phục vụ cư dân hơn 2 thập niên qua. Năm nay ông quyết định không tái tranh cử.
Gần đây cử tri địa hạt này có khuynh hướng ngả theo đảng dân chủ. Trong kỳ bầu cử tổng thống năm 2016, ứng viên Hillary Clinton đã chiếm được 51.5% số phiếu của khu vực.
Bác sĩ Mai-Khanh Trần không có kinh nghiệm chính trường – cũng như hai ứng viên khác của đảng dân chủ là Andy Thorburn và Gil Cisneros – nhưng vì bất bình với những chính sách của Tổng thống Donald Trump và với đảng cộng hòa muốn bỏ chính sách bảo hiểm y tế Obamacare nên bà quyết định tranh cử. Là một bác sĩ hành nghề lâu năm, bà muốn có tiếng nói trong quốc hội để bảo vệ quyền lợi cho bệnh nhân, cho người dân nghèo được chăm sóc y tế tốt.
Bà Trần được sự ủng hộ của hơn chục dân cử địa phương trong đó có nghị viên Thu-Hà Nguyễn của thành phố Garden Grove, các dân biểu tiểu bang Kansen Chu và Ash Kalra trên vùng thung lũng hoa vàng San Jose. Nếu được sự ủng hộ của cử tri gốc Việt, bà Trần có hy vọng vào chung kết tháng 11 tới đây.
Tranh chức dân biểu tiểu bang địa hạt 72, là khu vực trung tâm Little Saigon, với 5 ứng viên, có hai gốc Việt là Tyler Diệp, Phó Thị trưởng thành phố Westminster và kỹ sư Long Phạm, nguyên ủy viên giáo dục quận. Nghị viên Diệp có nhiều hy vọng thắng cử vì được sự ủng hộ của rất đông dân cử địa phương và của hầu hết các dân cử gốc Việt trong vùng.
Kỳ bầu cử này ở Quận Cam còn có Thượng Nghị sĩ Janet Nguyễn tái tranh cử vào quốc hội tiểu bang và Hugh Nguyễn tái tranh cử chức chánh lục sự. Ngoài ra cũng có Ryan Tạ tranh chức dân biểu tiểu bang Địa hạt 74, Duke Nguyễn tranh chức cảnh sát trưởng Quận Cam và Matt Nguyễn ứng cử vào hội đồng giáo dục quận.
Ở San Jose sôi nổi nhất cũng vẫn là bầu chọn đại diện Khu vực 7 vào hội đồng thành phố, hiện do Nghị viên Nguyễn Tâm đảm nhận từ năm 2014. Có 7 ứng viên: Tâm Nguyễn tái tranh cử, cùng với Vân Lê, Chris Lê, Thomas Dương, Maya Esparza, Omar Vasquez và Jonathan Fleming.
Dân số khu vực 7 với gần một nửa là gốc Việt và gốc Mỹ Latinh chiếm khoảng 40%, vì thế cuộc tranh cử với 4 ứng viên gốc Việt, 2 gốc Mỹ Latinh rất sôi nổi.
Từ ngày hai nữ ứng viên gốc Việt là Madison Nguyễn và Linda Nguyễn tranh đua vào ghế nghị viên ở đơn vị này cách đây gần 20 năm, sau đó xảy ra vụ bà Madison không chọn đặt tên Little Saigon cho khu phố Việt trên đường Story, thì bầu cử Khu vực 7 lần nào cũng sôi động.
Bốn năm trước tuy không đông ứng viên bằng năm nay, với 5 ứng viên gồm 3 gốc Việt là Tâm Nguyễn, Vân Lê và Bửu Thái và hai gốc Mỹ Latinh. Qua vòng đầu thì Tâm Nguyễn và Maya Esparza, một ủy viên hội đồng giáo dục, được vào chung kết. Kết quả bầu chọn vòng hai vào tháng 11/2014 Tâm Nguyễn thắng cử, chỉ hơn Maya Esparza 209 phiếu trong tổng cộng 13,675 phiếu bầu.
Thông thường các dân cử đương nhiệm nếu không làm điều gì quá tệ trong việc phục vụ cư dân, khi tái tranh cử sẽ dễ dàng được trên 50% phiếu bầu để khỏi phải vào vòng thứ nhì.
Riêng Khu vực 7, kỳ này Nghị viên Tâm Nguyễn đang phải vất vả đối đầu với nhiều ứng viên gốc Việt khác và cũng gặp lại đối thủ lần trước là Maya Esparza.
Các ứng viên gốc Việt, ngoài ủy viên giáo dục Vân Lê có kinh nghiệm chính trường, còn lại đều là tay mơ. Bà Lê đã nhiều lần tranh cử vào hội đồng thành phố nhưng không thành.
Nhật báo San Jose Mercury News chính thức ủng hộ ứng viên Thomas Dương. Nhưng không có gì bảo đảm ông sẽ thắng. Năm 2014 báo này ủng hộ Vân Lê trong kỳ bầu sơ bộ và bà chỉ đạt số phiếu đứng hạng 3 trong 5 ứng viên. Khi bầu chung kết báo này ủng hộ Maya Esparza và bà đã thua Tâm Nguyễn.
Bốn năm qua Nghị viên Tâm Nguyễn đã khởi động lại việc xây dựng công viên văn hoá Việt, tạo dựng được trung tâm sinh hoạt cho người Việt, đưa ra nghị quyết cấm treo cờ đỏ sao vàng trên cột cờ thuộc về thành phổ, mau chóng vận động thành phố và các tổ chức giúp đỡ nạn nhân lụt lội.
Cử tri có tán đồng những việc này, có nghĩ rằng ông đã phục vụ và đem lại lợi ích cho cư dân hay không, những lá phiếu trong ngày 5/6 tới đây sẽ nói lên ý nguyện của dân.
San Jose, thủ phủ của Thung lũng Điện tử, có gần một triệu dân, người Việt chiếm 10%. Hội đồng thành phố với 10 nghị viên, có 2 gốc Việt. Những kỳ bầu cử gần đây luôn có ứng viên gốc Việt ra tranh cử cho thấy cử tri gốc Việt quan tâm đến sinh hoạt của thành phố và muốn có tiếng nói trong chính trường.