Tranh cử ở Mỹ có lẽ tốn nhiều tiền nhất thế giới; tranh cử tổng thống mỗi năm càng tốn hơn. Nếu tính tiền chi tiêu của ban vận động cho các ứng cử viên tổng thống, cộng với tiền do đảng và các nhóm hỗ trợ độc lập của họ góp thêm vào, cuộc chạy đua dành chức tổng thống chi đến $3 tỷ mỹ kim vào năm 2016; năm 2020 nâng lên $6.5 tỷ. Đó là những con số đã được bản tin VOX điều chỉnh để dễ so sánh, coi như đồng đô la không mất giá vì lạm phát từ năm 2000. Theo thời giá thì cuộc chạy đua năm 2020 giữa các ông Donald Trump và Joe Biden chi gần $7 tỷ mỹ kim. Nếu năm đó một nửa dân số Mỹ đi bầu, chi $40 đô la mới lôi được họ đến thùng phiếu.
Ứng cử viên tổng thống phải đặt văn phòng vận động ở khắp nơi và trả lương nhân viên, dù nhiều người tình nguyện, tổ chức các cuộc tập họp, đi gõ cửa nhắc cử tri đi bầu, vân vân. Các công việc này bắt đầu từ cả năm trước để giành lợi thế. Tốn kém nhất là tiền quảng cáo trên truyền hình, đài phát thanh, báo chí, các mạng lưới xã hội internet, biểu ngữ, bích chương, truyền đơn hay bảng quảng cáo. Các ứng cử viên phải thuê các chuyên viên nghiên cứu dư luận của chính họ, để đo lường chính xác hiệu quả các chương trình quảng cáo, phản ứng của cử tri khi có các biến cố, các cuộc tập họp, các lời tuyên bố hoặc tranh luận, vân vân. Từ năm 2010, Tối cao Pháp viện cho phép các ban vận động độc lập, PAC, có thể tự do đóng góp cho cuộc tranh cử, còn các cử tri bị hạn chế.
Năm nay cuộc vận động lâu ba tháng trời vì Phó Tổng thống Kamala Harris chỉ bắt đầu tranh cử với cựu Tổng thống Donald Trump khi ông Biden rút lui, chắc họ sẽ chỉ xài đến một tỷ mỹ kim. Dù nhập cuộc quá trễ, bà Harris chạy nước rút, trong hơn hai tuần đầu đã được ủng hộ $310 triệu đô la, theo bản tin VOX. Trong tháng Tám, bà thâu $361 triệu còn ông Trump chỉ thâu được thêm $130 triệu vì ai muốn ủng hộ ông đã đóng góp cả năm trước. Dân Mỹ biết tên tuổi ông Trump từ lâu; bà Harris phải chi gấp bội mới hy vọng đuổi kịp. Riêng tháng đầu, bà tuyển 1,200 nhân viên, trả lương gần $5 triệu, tiền vé máy bay không thôi đã tốn $6 triệu, theo báo Economist. Đến tuần đầu tháng 10, bà Harris có sẵn $404 triệu, còn ông Trump vẫn còn dư $295 triệu tiền mặt.
Liệu chi tiền vận động tranh cử nhiều hơn có dễ đắc cử tổng thống hơn không? Hầu như không có gì bảo đảm, không phải cứ được quảng cáo nhiều thì dễ được cử tri chọn. Bà Harris cần quảng cáo nhiều hơn ông Trump vì dân chưa biết đến bà nhiều, tên tuổi chưa nghe quen bằng.
Năm 2016 ban tranh cử của bà Hillary Clinton chi $564 triệu đô la, còn ông Trump chi $333 triệu, nhưng bà cựu bộ trưởng ngoại giao vẫn thua. Tuy vậy, năm 2012 ông Obama chi $738 triệu đã đánh bại ông Romney, $483 triệu. Năm 2020 ông Biden thắng ông Trump chắc cũng không phải vì chi phí tranh cử cao hơn, $1 tỷ so với $774 triệu; những số tiền tính sau khi điều chỉnh về lạm phát, do VOX cung cấp. Chi nhiều tiền không gây được hiệu quả nếu chi không đúng cách, không đúng nhu cầu kiếm phiếu ở từng địa phương.
Vì dân Mỹ không trực tiếp bầu tổng thống; mỗi tiểu bang được dành một số phiếu bầu tổng thống trong “Đại cử tri đoàn” (Electoral College); không cần biết tổng số phiếu trên toàn quốc ai hơn ai. Vì thế, điều quan trọng nhất là chiếm đủ số tiểu bang cộng lại được 270 “Đại cử tri” trở lên.
Năm 2016 bà Hillary Clinton vận động tốn rất nhiều tại một số tiểu bang thực ra không cần thiết, như Ohio, Florida, Arizona, và North Carolina vì biết trước họ thường vẫn thích các tổng thống Cộng Hòa (trừ một lần Arizona chọn ông chồng bà, Tổng thống Bill Clinton năm 1996). Ngược lại, bà chi tiêu tiền và trực tiếp vận động không đủ ở những tiểu bang miền Trung, như Michigan, Wisconsin, Iowa. Cuối cùng, bà Clinton chỉ thua dưới 80,000 phiếu (dưới 1%) tổng số người đi bầu, tại 6 tiểu bang thuộc “Vành đai Công Nghiệp” (Rust Belt). Ông Trump đánh bại bà vì được thêm 46 phiếu Đại cử tri ở Michigan (16), Pennsylvania (20), Wisconsin (10)!
Năm 2020 Tổng thống Trump thất cử chỉ vì thua Tổng thống Biden tổng cộng 44,000 phiếu tại ba tiểu bang Arizona, Georgia và Wisconsin, theo Domenico Montanaro đài NPR. Arizona, Georgia lâu nay thường ủng hộ các ứng cử viên Cộng Hòa. Khi giúp ông Joe Biden bất ngờ thắng ông Donald Trump tại Georgia nhiều công dân Mỹ trong số hơn 7 triệu cử tri ghi danh ở đó có thể tự hào mình chính là người bỏ một trong gần 12 ngàn lá phiếu quyết định!
Năm nay, cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ đều biết tầm quan trọng của các tiểu bang “ngang ngửa.” Ở đó những tổng thống đắc chiến thường chỉ qua mặt đối thủ dưới 3% số phiếu. Các tiểu bang Arizona, Georgia, Michigan, Pennsylvania, và Wisconsin đều vẫn là “ngang ngửa.” Năm nay hai tiểu bang nữa, North Carolina và Nevada cũng được xếp vào loại này.
Từ đầu nhập cuộc, bà Harris đã chi tiền quảng cáo trên cả nước nhiều hơn ông Trump $225 triệu, gấp gần hai lần (1.8), theo bản tin AdImpact. Bây giờ cả hai ban vận động tranh cử đều nhắm vào các tiểu bang “ngang ngửa” và bà Harris bước vào cuộc chạy đua trễ hơn nên cũng chi rất mạnh trong bảy tiểu bang này.
Ban vận động của bà đã chi $930 triệu tiền quảng cáo tại Pennsylvania, Michigan, Georgia, Wisconsin, Arizona, North Carolina và Nevada – trong tổng số $1.1 tỷ đô la trên toàn quốc kể từ 22 tháng Bảy khi bà ra thay thế ông Biden, theo đài CNN. Cử tri Pennsylvania được o bế nhất, đã được bà chi hơn $250 triệu để quảng cáo, từ 22 tháng Bảy đến 30 tháng Chín. Ban vận động của Tổng thống Trump cũng chi $105 triệu tại đây, trong cùng thời gian đó. Bên nào cũng muốn chiếm được 19 lá phiếu Đại cử tri dành cho Pennsylvania! Được chi tiền quảng cáo nhiều hàng thứ nhì là Michigan, 15 phiếu. Đảng Dân Chủ đã bỏ vào đó $115 triệu, đảng Cộng Hòa, $71 triệu. Georgia là tiểu bang được chú ý hàng thứ ba, nhận được $132 triệu đô la quảng cáo tranh cử. Đảng Dân Chủ đã chi hơn $66 triệu, Cộng Hòa $65 triệu.
Hiện tượng này phải coi là kỳ lạ, nếu không phải là “bất thường”! Các ứng cử viên chi thêm hàng trăm triệu đô la chỉ để giành hơn nhau mấy trăm hay mấy ngàn ngàn lá phiếu, đủ để thắng ở một vài tiểu bang ngang ngửa! Có thể nói năm 2000 cựu Tổng thống George W. Bush đã đắc cử là nhờ được hơn 500 cử tri ở Florida, ông ôm trọn gói 25 phiếu “Đại cử tri” thắng ông Al Gore với tỷ số sít sao 271/266 phiếu sau khi Tối cao Pháp viện Mỹ đồng ý cho Florida ngưng không đếm lại phiếu nữa! Lá phiếu của dân chúng các tiểu bang ngang ngửa “đắt giá” hơn ở Montana, California, New York hay Texas gấp bội vì ở các nơi đó mỗi đảng có thể biết trước mình sẽ thắng hay bại!
Đây là hậu quả của thể thức bầu tổng thống của nước Mỹ, kề từ thời lập quốc. Không ai thay đổi được vì khó lòng tu chính bản hiến pháp nước Mỹ! Dân Mỹ cũng như các chính trị gia phải chấp nhận, tuân thủ, giao đấu theo các “luật chơi” đặc biệt này.
Diễn đàn