Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng một loạt những bài xã luận và bài nêu quan điểm trong những ngày gần đây, đưa ra những bình luận thẳng thừng hơn thường lệ về việc kiểm duyệt và việc chính phủ kiểm soát chặt tin tức.
Đầu tuần này, khi giới chức Trung Quốc xác nhận một binh sĩ Bắc Triều Tiên đã vượt qua biên giới và giết chết bốn thường dân ở phía đông bắc của Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời Báo, tờ báo thuộc sở hữu của Nhân Dân Nhật Báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tỏ ra không hài lòng.
Trong một bài xã luận, tờ báo thường mạnh mẽ ủng hộ lập trường của chính phủ cáo buộc nhà chức trách khiến truyền thông trong nước bẽ mặt vì công bố thông tin chậm chạp.
"Thật thiếu thỏa đáng khi không có tiếng nói nào trong vụ việc, liên quan đến cái chết của bốn công dân Trung Quốc, được nghe thấy từ phía Trung Quốc suốt hơn một tuần, mãi cho đến khi một hãng thông tấn của Hàn Quốc lần đầu tiên loan tin," bài xã luận viết.
Bài viết tiếp tục lưu ý rằng mỗi khi có sự cố ngoại giao nào xảy ra ở Trung Quốc thì công chúng thường biết những gì xảy ra từ truyền thông nước ngoài hay từ bên thứ ba.
"Nhà chức trách Trung Quốc và truyền thông chính thống không có lý do gì để duy trì hiện trạng này," bài xã luận nói.
Chỉ trích không chỉ một lần
Đó không phải là lần đầu tiên trong tuần này Hoàn Cầu Thời Báo chỉ trích chính quyền về việc thông tin kém cỏi giữa công chúng và truyền thông.
Tờ báo cũng đưa ra ý kiến về quyết định tạm ngưng phát sóng loạt phim truyền hình cổ trang nói về Võ Tắc Thiên được nhiều người theo dõi. Loạt phim bị tạm ngưng để cơ quan kiểm duyệt có thể biên tập những cảnh mà diễn viên chính của phim để lộ quá nhiều phần ngực.
Bài xã luận không phản đối sự cần thiết phải có một hệ thống kiểm duyệt, nhưng nói rằng việc kiểm duyệt "thiếu thẩm quyền."
Thêm vào đó, khi cơ quan chức năng sử dụng kiểm duyệt, "cần cân nhắc dư luận nhiều hơn để có được sự ủng hộ."
Một bài xã luận mà tờ báo cũng đăng trong tuần này góp tiếng vào cuộc tranh luận khác về việc phát trực tiếp một chương trình đố vui trên truyền hình ở thành phố Vũ Hán mà người chơi là những quan chức trả lời câu hỏi của công chúng.
Cuộc tranh luận bùng lên khi một quan chức trong chương trình vất vả khi liệt kê một danh sách các từ thể hiện những giá trị cốt lõi của chủ nghĩa xã hội Trung Quốc.
Bài xã luận nói rằng đưa các quan chức tiếp xúc trực diện với công chúng và truyền thông nhiều hơn có thể giúp cải thiện sự giao tiếp.
"Bắt các quan chức đối mặt với những câu hỏi trên truyền hình là nhằm mục đích giải quyết những vấn đề thực sự cho công chúng. Nó kiểm tra sự chân thành của chính phủ để đạt được sự ủng hộ của công chúng đối với mọi quyết định mà chính phủ đưa ra," bài báo nói.
Mục tiêu ‘an toàn’ để chỉ trích
Tuy nhiên, Jeremy Goldkorn, giám đốc và người sáng lập Danwei.org, website chuyên theo dõi truyền thông và Internet Trung Quốc, nói không nên quá chú trọng vào những bài xã luận thường tập trung vào những chủ đề không mấy nhạy cảm.
Hoàn Cầu Thời Báo là vừa là tờ báo tuyên truyền vừa là một doanh nghiệp thương mại mắc chứng rối loạn đa nhân cách, ông nói thêm.
"Tờ báo phải kiếm tiền, vì vậy họ chịu áp lực đăng những bài báo thú vị mà đôi khi mâu thuẫn với kiểm duyệt," ông Goldkorn nói.
Ông nói rằng khó có khả năng sẽ có bất kỳ sự nới lỏng kiểm soát nào đối với truyền thông ở Trung Quốc trong những năm tới.
Các nhà hoạt động nhân quyền cảnh báo rằng không gian nhỏ bé cho tự do ngôn luận ở Trung Quốc tiếp tục thu hẹp. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nhậm chức, ông đã trấn áp xã hội dân sự, tăng cường luật hình sự hóa ngôn luận trên các nền tảng mạng xã hội và thắt chặt các hạn chế đối với các nhà báo.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1