Thoạt đầu bạo hành gia đình chỉ đề cập đến việc bạo hành về thể chất như bị đánh đập, bạc đãi. Nhưng hiện nay bạo hành gia đình được định nghĩa rộng rãi hơn bao gồm không những bạo hành về thể chất nhưng còn liên hệ đến tâm lý, tình dục, và cả kinh tế nữa.
Khi nói đến bạo hành gia đình, nhiều người nghĩ ngay đến người vợ là nạn nhân nhưng thực tế ngoài người vợ, các thân nhân khác trong gia đình cũng có thể là nạn nhân của bạo hành, như lời Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng Giám đốc Ủy ban Cứu Người Vượt Biển BPSOS:
“Bạo hành gia đình đủ các dạng thái nhưng phần lớn là người vợ, phái nữ bị đàn áp nhưng cũng có những trường hợp, số ít, số nhỏ, có vài ba phần trăm người chồng bị, và càng ngày càng thấy tình trạng là những người cao niên, bố mẹ già, còn một người thôi, thường là còn mẹ thì người mẹ đó lại bị chính con cái mình bạo hành đánh đập, xua đuổi, đẩy ra khỏi nhà. Cũng có một số trường hợp con cái bị bạo hành, thậm chí bị sách nhiễu về tình dục bởi người thân ở trong nhà. Những chuyện đó là có thật nhưng người Việt mình không để ý đến.”
Kể từ năm 1999 BPSOS đã mở những dịch vụ giúp các nạn nhân bạo hành gia đình và hiện nay đã có văn phòng lo việc này tại các thành phố Falls Church, Virginia, Houston, Texas và Biloxi, Mississippi. Tiến sĩ Thắng nói vì truyền thống, văn hóa Việt Nam hay vì xấu hổ, nhiều nạn nhân bạo hành gia đình phải cắn răng chịu đựng không muốn được giúp đỡ:
“Khó khăn cho những nạn nhân là họ rất xấu hổ bởi vì truyền thống, văn hóa của mình vẫn xem như chuyện đó chấp nhận được và người vợ nếu bị chồng đánh đập có nghĩa là người vợ có vấn đề gì đó, mất hạnh kiểm nên chồng phải sửa trị. Nhiều khi chính nạn nhân than với Bố Mẹ hoặc anh chị em thì lại được khuyên là ‘Thôi chấp nhận đi, thôi con phải thay đổi đi, về sống làm sao chiều được chồng chứ bị đuổi ra khỏi nhà hoặc bỏ chồng thì thật là hổ thẹn.’”
Ngoài lý do truyền thống văn hóa vừa kể, một lý do nữa rất phổ biến có liên hệ đến tình trạng di trú của các nạn nhân. Tiến sĩ Thắng giải thích:
“Nhiều nạn nhân bạo hành thường là những người vợ ở Việt Nam lấy chồng được đưa qua Mỹ, qui chế di trú tùy thuộc vào người chồng. Nhiều khi ra đi không biết tìm qui chế ở đâu và sợ mất con, hoặc bị đuổi ra khỏi nước Mỹ thì không bao giờ thấy mặt con được nữa. Họ rất sợ hãi, họ không biết luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ những chuyện đó. Tức là nếu người chồng không tiếp tục bảo trợ cho mình thì tự mình bảo trợ cho mình nếu mình là nạn nhân của bạo hành gia đình.”
Cô Michelle Trần, điều hợp viên Phòng chống Bạo hành Gia đình thuộc văn phòng BPSOS tại Houston, Texas, cho biết để giúp các nạn nhân bạo hành mạnh dạn tìm sự giúp đỡ của luật pháp, cách hay nhất là thông qua truyền thông đại chúng:
“Văn phòng Houston có đăng quảng cáo trên báo, cho biết hotline để trường hợp quý vị bị bạo hành có thể gọi số này, số này. Có rất nhiều người coi báo rồi họ giấu chồng hay giấu vợ, họ gọi số hotline và chúng tôi cũng làm những vở kịch đưa lên TV về bạo hành như con cái bạc đãi cha mẹ. Trên màn ảnh có số điện thoại và có dòng chữ nếu bạn biết ai ở vào hoàn cảnh này xin liên lạc với số điện thoại …”
Cô Michelle đưa ra một số ví dụ cụ thể:
“Thường thường nếu họ bị bạo hành về thể chất hay bị những việc gì làm họ sợ hãi quá thì Michelle chở họ lên District Attorney (DA Office) để xin một lệnh bảo vệ cho họ trong vòng hai năm để cho người chồng hay người bạo hành không được đến gần họ trong vòng 200 feet, không được gọi điện thoại. Bảo vệ cho họ trước, xong rồi nếu họ cần ly dị, giành con thì văn phòng BPSOS sẽ giới thiệu luật sư giúp họ ly dị. Nhiều người mới qua đây chồng nhốt trong nhà, không làm giấy tờ thẻ xanh, luật sư sẽ giúp họ có thẻ xanh ở lại đây mà không cần có người chồng hay người vợ bảo lãnh theo luật VAWA-Violent Abuse Women Act nếu họ có bằng chứng rõ ràng bị bạo hành.”
Cô Nguyễn Thiên Thơ thuộc văn phòng BPSOS tại Falls Church, bang Virginia, đề cập đến một trường hợp cô giúp giải quyết:
“Ở Virginia này tôi thấy có một ca quan trọng vì người phụ nữ tới 5 đứa con và không muốn sống chung với chồng nữa, tôi giới thiệu qua Texas tại vì có người bác của cô ở Houston, Texas. Nếu cổ quyết định không sống chung nữa thì ổng mua vé cho mấy mẹ con qua sống với ổng. Tôi liên lạc với văn phòng BPSOS ở Texas kiếm được một chỗ housing cho cổ. Khi đón cổ qua bên đó, chỉ sống nhà người bác có một đêm thì sáng hôm sau vào được housing. Housing cho ăn ở rồi kiếm trường học cho các con, kiếm chỗ cho cổ đi làm.”
Tuy nhiên, theo như Luật sư Shandon Cường Phan ở Houston thì có những trường hợp người bị bạo hành tố cáo không đúng sự thật gây tác hại nghiêm trọng cho phía bên kia.
“Đôi khi có những sự rất vô tình lại biến thành một vụ truy tố hình sự rất nghiêm trọng và đôi khi có những vụ rất oan ức làm hại cho gia đình người ta cả mấy chục năm sau bởi vì thiếu hiểu biết về luật pháp, về giá trị xã hội của Hoa Kỳ dòng chính. Thành ra người Việt Nam mình vướng vào những vụ đó rất thường xuyên, đôi khi nó ảnh hưởng đối với những người rất thành công nhưng bị tổn thất rất nặng. Hệ thống ở đây rất nghiêm, trừng phạt rất nặng không cần biết có tội hay không có tội.”
Luật sư Shandon Cường giải thích thêm:
“Người bình thường mình nghĩ rằng phải chứng minh có tội thì mới là có tội nhưng khi bị dính vào những vụ bạo hành thì phần lớn dư luận xã hội nghĩ rằng anh có tội rồi. Thành ra vô phúc cho những ai bị vu khống, dựa trên những sự nói láo nhưng bị bắt thì coi như phải trả một cái giá rất nặng. Nếu họ chứng minh được bằng chứng và có luật sư giỏi thì họ cũng thoát được. Nhưng có tổn thất lớn về đời sống gia đình, vợ chồng không còn tin tưởng lẫn nhau đưa đến ly dị. Một người đang là bác sĩ nhưng có thể bị mất bằng, mất luôn mức lương ba bốn trăm ngàn một năm, trở thành thất nghiệp.”
Với kinh nghiệm biện hộ cho những trường hợp bạo hành gia đình, Luật sư Shandon Cường nói không phải tất cả các vụ bạo hành đều là sự thật, cũng có nhiều trường hợp là gian dối:
“Phụ nữ khi họ giận lên, họ nghĩ là gọi cảnh sát để dạy cho chồng mình một bài học hay là gọi cảnh sát để chồng mình ra khỏi nhà vì không muốn gặp mặt chồng. Cảnh sát đến, đôi khi cảnh sát nói nếu không nói đúng thì một bên sẽ bị bắt. Thế nên, nhiều khi có những lời nói dối hay nói quá đáng, quá sự thật lúc đầu vì lúc đó người đó đang tức giận, chỉ muốn dạy cho người kia một bài học, nhưng khi họ biết họ phải chịu trách nhiệm về lời nói của họ nên đôi khi họ phải nói láo. Lỡ nói láo thì nói láo luôn. Khi bắt, cảnh sát không điều tra rõ ràng tại vì một ngày họ nhận được cả chục, cả trăm cú gọi, họ không phân biệt được vụ nào là thật, vụ nào là giả, vụ nào bị đánh thật sự hay chỉ là những lời vu khống. Cảnh sát đến thấy một người phụ nữ nước mắt đầm đìa thì tự động họ bắt người đàn ông cho dù không hề có thương tích trên người phụ nữ đó. Đôi khi thương tích cũng do người đó tự tạo ra, tự vã vào mặt mình hay tự làm một vết đỏ trên mặt để vu khống cho người kia.”
Một cuộc nghiên cứu có tên là “The Minneapolis Domestic Violence Experiment” được tiến hành trong hai năm 1981-1982 tại thành phố Minneapolis, tiểu bang Minnesotas, do ông Lawrence W. Sherman chỉ đạo cho thấy việc cảnh sát bắt giữ những thủ phạm bạo hành gia đình là biện pháp hữu hiệu nhất giúp giảm bớt các vụ bạo hành. Tuy nhiên, cùng với việc bảo vệ các nạn nhân, cảnh sát cũng phải đảm bảo là quyền của những người bạo hành không bị vi phạm. Do đó, tại một số sở cảnh sát, cả nạn nhân và người bạo hành đều bị bắt và Tòa án sau đó sẽ quyết định ai phải, ai trái. Tuy nhiên, những cuộc nghiên cứu sau đó cho thấy nếu cả hai đều bị bắt thì sẽ có ảnh hưởng ngược đối với nạn nhân. Có nghĩa là những vụ bạo hành gia đình sau đó xảy ra nữa thì nạn nhân không gọi cảnh sát nữa vì không còn tin tưởng vào cơ quan thi hành công lực.
Thế nên, cộng đồng cần phải nêu cao nhận thức và hiểu biết về pháp luật để giúp các nạn nhân bạo hành gia đình và ngăn ngừa cũng như giảm bớt những trường hợp bạo hành gia đình.