Đường dẫn truy cập

Bao giờ kinh tế Trung Quốc vượt Hoa Kỳ? Hay không bao giờ?


Hình minh họa.
Hình minh họa.

Từ nay đến năm 2030, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến đến gần nước Mỹ hơn; nhưng sau đó tốc độ sẽ giảm dần vì chủ trương chỉ huy, kiểm soát của chế độ độc tài sẽ “đụng trần.” Trung Quốc có thể sẽ không bao giờ lớn hơn kinh tế Mỹ.

Đối với ông Tập Cận Bình, 2022 làmột năm “tiền cát hậu hung.” Đầu năm, ông được phong nhậm thành vị hoàng đế mới của nước Trung Hoa cộng sản. Ông đã thành công trị được bệnh dịch Covid, số dân bị nhiễm bệnh và số người chết thấp nhất thế giới. Ông có thể khoe khoang rằng chế độ chính trị độc đảng, độc quyền của ông có hiệu quả tốt hơn các nước dân chủ tự do. Ông kêu gọi cả loài người hãy noi gương sống theo lối của người Trung Quốc.

Cuối năm, ông Tập Cận Bình bắt buộc phải “quẹo chữ U,” đổi chiều 180 độ. Chế độ công an có thể bắt giam bất cứ một người nào không tuân phục bọn nắm quyền, với hệ thống kiểm soát tối tân bằng trí khôn nhân tạo, có thể nhận mặt, gọi tên hàng tỉ người dân, biết rõ ai đã làm gì, ở đâu, ngày giờ nào. Nhưng công an không nhận diện được và không bắt được mấy con virus!

Chưa đầy một tháng, số người mắc bệnh vọt lên gần một nửa dân số 1.4 tỷ, và đang tiếp tục tăng thêm. Nhiều tổ chức nghiên cứu tiên đoán số người chết trong năm 2023 sẽ lên một đến hai triệu. Nguyên nhân chủ yếu là do chính sách sai lầm ngay từ những ngày đầu.

Chính quyền cộng sản chỉ lo kiểm soát và cấm đoán dân, nhưng không lo việc chủng ngừa đầy đủ; bây giờ nước đến chân mới nhẩy. Hệ thống y tế không đủ nhân lực và phương tiện chống bệnh dịch vì ngay từ khi bệnh dịch bắt đầu nhà nước quá tự tin, không lo xây dựng thêm bệnh viện, không huấn luyện thêm nhân viên. Người Trung Hoa trong lục địa ít mắc bệnh nhờ các lệnh cấm đoán, lại ít chịu chủng vaccine, cho nên bây giờ khó đạt được tình trạng “miễn nhiễm tập thể” như ở các nước khác.

Ngoài bệnh dịch Covid, Tập Cận Bình còn một mối lo lớn khác: Kinh tế sẽ giảm tốc độ trong vài năm tới và trong tương lai khó lòng trở lại “thời vàng son” trước đây. Trong cuộc chạy đua kinh tế với Mỹ, Trung Quốc khó vượt lên như nhiều người đã nghĩ.

Vài chục năm trước, Ngân hàng Đầu tư Goldman Sachs đoán kinh tế Trung Quốc sẽ qua mặt nước Mỹ vào khoảng năm 2025, tức là chỉ còn ba năm nữa thôi. Sau đó, Goldman Sachs dè dặt đẩy xa thêm 10 năm, đoán đến năm 2035. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (Center for Economic Research) từng tiên đoán vào năm 2028 Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, sau cũng đẩy lùi tới năm 2033. Nhưng gần đây nhất, chính trung tâm này thấy phải hoãn vài chục năm nữa. Hiện nay, nhiều nhà kinh tế thấy câu trả lời là “Kinh tế Trung Quốc không bao giờ lớn hơn Mỹ!”

Trung Quốc vẫn còn trên đà phát triển nhanh, với tỷ lệ tăng trưởng của Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) từ 4% đến 5% như họ ước tính, so với tỷ lệ trên dưới 2% của Mỹ. Hiện GDP Trung Quốc bằng 70% của Mỹ, nếu tính trị giá số sản xuất bằng đô la. Nhưng nếu tính bằng “khả năng tiêu thụ” (purchasing power parity) thì nước Trung Quốc giàu hơn nước Mỹ từ năm 2016, vì giá các hàng hóa, dịch vụ ở đó rẻ hơn.

Tuy nhiên, một nước giàu hơn không có nghĩa là mọi người dân đều giàu hơn. Đem chia lợi tức quốc gia (GDP) cho dân số, lợi tức bình quân của người Trung Quốc trị giá khoảng $10,000 đô la, người Mỹ được hưởng gấp sáu lần. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4.75% (từ nay sẽ rất khó) so với 2% ở Mỹ, thì Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ trong 15 năm nữa; nhưng lúc đó lợi tức bình quân mỗi người Trung Quốc cũng chỉ bằng một phần tư người Mỹ. Một quốc gia giàu gấp bốn lần nước đối thủ sẽ sẵn vốn đầu tư vào các công trình nghiên cứu khoa học, kỹ thuật để tiến nhanh thêm, và tăng sức mạnh quân sự dễ dàng hơn.

Chướng ngại lớn nhất khiến kinh tế Trung Quốc không tiến lên hơn Mỹ được là chế độ cộng sản. Đảng quen đường lối chỉ lo kiểm soát và ngăn cấm, không chấp nhận các quyền tự do của người dân. Trở ngại thứ nhì, không thể nào tránh được dù có chấm dứt chế độ cộng sản, là dân số Trung Quốc bắt đầu giảm bớt; số người làm việc ngày càng ít hơn, số người già tăng lên.

Các chế độ độc tài thường nuôi ảo tưởng rằng chính sách chỉ huy có hiệu quả hơn kinh tế tự do. Loài người đã thí nghiệm hai lối làm kinh tế đó trong thế kỷ 20. Cộng sản độc tài ở Liên Xô đã gia tăng sản lượng công nghiệp nhanh chóng, nhưng cuối cùng phải “đụng trần.” Vì con người ta không ai muốn làm việc bằng hai chỉ để cho các vị thủ trưởng mua đài, mua xe. Trong thế kỷ 20, cuộc thí nghiệm kinh tế ở Trung Quốc cũng thành công từ thập niên 1980 nhờ áp dụng một số cách làm ăn của tư bản. Nhưng họ sẽ “đụng trần” lần nữa, vì không chấp nhận một yếu tố mạnh nhất trong kinh tế tư bản là quyền tự do suy nghĩ, sáng chế, phát triển, và chấp nhận thử thách trước các vụ đầu tư rủi ro, bất định.

Cộng sản Trung Quốc vẫn đề cao khu vực quốc doanh mặc dù họ làm ăn thiếu hiệu quả. Tài nguyên được dồn cho các xí nghiệp nhà nước, chắc chắn là phí phạm. Tập Cận Bình đã thi thố quyền sinh sát trên cả các ngành công nghiệp điện tử và tin học hàng đầu, như các công ty Alibaba hay Didi. Chính sách đó sẽ làm cho kinh tế Trung Quốc chậm phát triển vì thiếu sáng kiến, không canh tân, tai hại hơn cả những lệnh cấm vận về kỹ thuật tiên tiến của Joe Biden. Bản thân ông Tập Cận Bình là chướng ngại lớn nhất, vì trong các năm sắp tới ông ta sẽ chỉ tiếp tục lo củng cố quyền lực, càng nhiều trở ngại thì càng cứng rắn hơn.

Dân số Trung Quốc có dấu hiệu ngưng tăng trưởng từ năm 2020 và sẽ bắt đầu giảm bớt trong mấy năm tới. Tạp chí Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Cộng báo trước dân số sẽ bắt đầu xuống từ năm 2021 đến 2025, theo dự đoán của các quan chức, bản tin Reuters tường thuật vào tháng Bảy năm nay. Trong năm 2021, số trẻ em mới sinh ở nhiều tỉnh xuống thấp nhất so với 10 năm trước; trong cả nước chỉ sanh được 10,6 triệu em bé, giảm 1.4 triệu so với năm 2020. Tại tỉnh Hồ Nam, số trẻ sơ sinh chỉ có 500,000, thấp nhất trong 60 năm. Chỉ có tỉnh Quảng Đông có một triệu em bé ra đời.

Riêng lớp người trong tuổi làm việc ở Trung Quốc đã lên cao nhất vào năm 2015, rồi bắt đầu xuống, số người già tăng lên. Hiện nay, cứ 100 người trong tuổi làm việc nuôi 22 người về hưu; đến cuối thế kỷ này cứ 100 người còn đi làm phải nuôi 120 người đã nghỉ việc. Dân số Trung Quốc sẽ già hơn dân Mỹ. Đến năm 2040, người ở tuổi đứng giữa (median age) ở bên Trung Quốc là 46.3 tuổi, người Mỹ là 41.6 tuổi. Tình trạng dân chúng già hơn sẽ khiến kinh tế Trung Quốc phát triển chậm lại.

Người ta có thể giữ vững được tỷ lệ phát triển dù số nhân công giảm bớt, nếu gia tăng sản năng của những người làm việc, bằng máy móc, kỹ thuật, nhất là các tiến bộ trong tin học. Nhưng trên mặt này, chính sách của ông Tập Cận Bình sẽ khiến sản năng của người Trung Hoa không tiến nhanh được bằng các công nhân Mỹ.

Trong khi đó thì chính phủ Mỹ bắt đầu ngăn cản không cho kinh tế Trung Quốc qua mặt. Nước Mỹ sẽ đặt mua ở nơi khác và sản xuất lấy nhiều thiết bị trước đây vẫn mua ở bên Trung Quốc. Hơn nữa, sẽ cấm vận để không cho Trung Cộng mua các kỹ thuật tin học, vi tính để học hỏi.

Tháng 10 vừa qua, bộ Thương mại Mỹ đã đưa ra các luật lệ cấm bán các kỹ thuật chế tạo chất bán dẫn mới cho Trung Quốc. Theo kinh nghiệm, khi chính phủ Mỹ cấm không bán chất bán dẫn cho Huawei, công ty này đã bị tê liệt một thời gian dài. Tiếp theo, sẽ có các luật lệ hạn chế việc đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc. Quốc hội và chính phủ Mỹ còn quyết định giúp các công ty làm chất bán dẫn ở Mỹ, một điều trái ngược với nguyên tắc kinh tế tự do, chỉ vì muốn ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Cộng.

“Chúng ta thấy cả mặt biển thay đổi trong quan hệ Mỹ và Trung Quốc,… một bước nhảy xa chưa từng thấy,” như lời ông Clete Willems, người hoạch định chính sách với Trung Cộng trong chính phủ Donald Trump. “Chính quyền Mỹ coi sự phát minh, sáng chế của người Trung Quốc trong nước họ cũng là một mối đe dọa về an ninh đối với nước Mỹ!”

Từ nay đến năm 2030, kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục tiến đến gần nước Mỹ hơn; nhưng sau đó tốc độ sẽ giảm dần vì chủ trương chỉ huy, kiểm soát của chế độ độc tài sẽ “đụng trần.” Trung Quốc có thể sẽ không bao giờ lớn hơn kinh tế Mỹ.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG