Các tác động xấu về sức khỏe của việc hít thở chất liệu phân tử nhỏ li ti, còn gọi tắt là PM, bị giữ lại trong buồng phổi đã được biết đến từ lâu – chúng có liên hệ với rủi ro ngày càng tăng về các trường hợp đột quỵ, đau tim, các chứng bệnh đường hô hấp và ung thư phổi.
Một toán các nhà nghiên cứu y tế công cộng và kỹ thuật môi trường làm việc ở Hoa Kỳ đã chuẩn bị một mô thức toàn cầu mới để xác định mức độ con người có thể được hưởng lợi ích nếu như ô nhiễm không khí từ điều gọi là PM được cắt giảm xuống các mức giới hạn do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xác định.
Trợ lý giáo sư về kỹ thuật môi trường tại trường Đại học Texas ở Austin, ông Joshua Apte, là người dẫn đầu cuộc khảo cứu. Ông cho biết:
“Khoảng 75% tổng số những cái chết có thể ngăn tránh được nhờ không khí sạch hơn có thể xuất phát từ việc cải thiện không khí ở một số những nơi bị ô nhiễm nhất trên thế giới như Ấn Độ và Trung Quốc. Những lợi ích có thể to lớn ngang với những thứ khác về y tế công cộng mà chúng ta có thể làm trên toàn cầu như giải quyết những dịch bệnh chính như sốt rét và AIDS”.
Giảm tử vong
Cuộc khảo cứu ước tính việc cắt giảm ô nhiễm không khí ngoài trời có thể cứu 1,4 triệu sinh mạng ở những nơi như Ấn Độ và Trung Quốc.
Nhưng mục tiêu rất gay go. Cuộc khảo cứu nói ngay cả nếu cắt giảm mức tử vong xuống một nửa, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn cần phải giảm mức ô nhiễm xuống gần 70% nữa so với mức năm 2010.
Hai nước này là nơi có một số thành phố bị ô nhiễm nhiều nhất thế giới. Ấn Độ có 13 trong số 20 thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đứng đầu trong bảng này.
Cuộc khảo cứu cũng cảnh báo rằng cho dù mức ô nhiễm giữ nguyên, tỷ lệ tử vong vẫn sẽ tăng vọt trên 20% ở Ấn Độ và Trung Quốc. Ông Apte giải thích rằng đó là vì trắc diện dân số thay đổi với thời gian ở những nước này.
“Đối với các nước ngay bây giờ dân số khá trẻ, nhưng đang lớn tuổi hơn, mà Ấn Độ và Trung Quốc là điển hình của những nước như thế, trong khi dân số lớn tuổi hơn với thời gian thì tác động đầu người của ô nhiễm không khí gia tăng, bởi lẽ con số hay một phần của những người ở độ tuổi đủ lớn để mang rủi ro bị trụy tim hay đột quỵ cũng tăng lên”.
Cải thiện chất lượng không khí
Nhưng công tác làm sạch bầu trời là một thách thức to lớn đối với cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ, nơi than đá tiếp tục là nguồn chính phát điện và nơi đường sá ở các thành phố đang trở nên ngột ngạt vì xe cộ của giới trung lưu đang tăng lên.
Trong khi Trung Quốc đã tiến hành một số công tác làm sạch không khí, các chuyên gia lo ngại rằng ô nhiễm không khí có thể trở nên tệ hại hơn ở Ấn Độ, là nước muốn gia tăng con số các nhà máy chạy bằng than đá để nuôi sống nền kinh tế đang tăng trưởng.
Khoảng 100 nhà khoa học và viện sĩ họp mới đây tại một cuộc hội thảo do Hiệp Hội Kiểm soát Ô nhiễm Không khí Ấn Độ ở New Delhi tiếc rằng giới hữu trách Ấn Độ đã không có mấy biện pháp hạn chế ô nhiễm không khí bất chấp những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.
Chuyên gia về chất lượng không khí, P.K. Dave, kêu gọi mở một cuộc vận động công chúng lâu dài để giải quyết khói mù do công nghiệp và xe cộ giao thông gây ra.
“Một là để gây dựng nhận thức và vận động buộc chính phủ phải có hành động. Họ cần phải hành động ngay bây giờ và chỉ bây giờ thôi”.
Cuộc khảo cứu mới nhất cho thấy các vùng sạch hơn cũng có thể được hưởng lợi ích từ việc cải thiện phẩm chất không khí. Các nhà nghiên cứu ngạc nhiên nhận ra rằng thậm chí những nơi với không khí tương đối sạch hơn như Bắc Mỹ và châu Âu cũng có thể cứu được nửa triệu sinh mạng mỗi năm qua việc tuân thủ các hướng dẫn về chất lượng không khí của WHO.
Cuộc khảo cứu củng cố tuyên ngôn của WHO trong tháng trước nói rằng ô nhiễm không khí là mối rủi ro lớn nhất cho sức khỏe con người trong số những rủi ro do môi trường gây ra.