Đường dẫn truy cập

Kỳ án ấn và kiếm tại lễ thoái vị của Vua Bảo Đại (Kỳ 2 – Kỳ cuối)


“An Dân Bảo Kiếm” của vua Khải Định trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, 2014. (Hình: Phạm Cao Phong, đăng trên BBC)
“An Dân Bảo Kiếm” của vua Khải Định trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, 2014. (Hình: Phạm Cao Phong, đăng trên BBC)

Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ


Trong Con Rồng Việt Nam, Bảo Đại viết về việc trao ấn và kiếm cho Đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như sau: “Trong một bầu không khí bực dọc, tôi trao nhanh ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho Trần Huy Liệu, mà chính ông ta cũng có cảm tưởng như tự trên mây mà lại…Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn tôi phía sau”. Việc Cựu hoàng không mô tả ấn và kiếm là hoàn toàn dễ hiểu vì mối bận tâm của bậc quân vương là quyền bính quốc gia chứ không phải tài sản cụ thể. Thực vậy, nắm được vương quyền là có hết. Ngược lại, Phạm Khắc Hòe, Ngự tiền Văn phòng Đổng lý của Bảo Đại, người đã tham gia vận động ông thoái vị cũng như là người đã chuẩn bị ấn, kiếm cho lễ thoái vị và sau này phụ trách kiểm kê tài sản của hoàng gia để giao lại cho chính quyền mới, đi vào chi tiết của những quốc bảo ấy trong hồi ký Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc. Ông Hòe viết: “Tiếng súng lệnh chấm dứt. Bảo Đại hai tay đưa lên trao cho ông Trưởng đoàn Đại biểu chính phủ quốc ấn bằng vàng nặng gần mười ki lô gam và chiếc quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng nạm ngọc.” (1).

Về phía tiếp nhận thoái vị, Trưởng đoàn Trần Huy Liệu viết trong Hồi ký (2) như sau: ”Bảo Đại chít khăn vàng, mặc Hoàng bào đứng chực sẵn ở cửa. Phái đoàn bước lên Ngọ Môn, dân chúng hoan hô sôi nổi. Đến lượt Bảo Đại đọc chiếu thoái vị. Đọc xong, Bảo Đại hai tay dâng chiếc kiếm dài nạm ngọc và sau đó là chiếc ấn hình vuông. Tôi thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp nhận hai vật tượng trưng cho chế độ phong kiến… Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên thì không có gì đáng kể. Nhưng khi tiếp nhận chiếc ấn vàng, tôi đã phải chịu đựng sức nặng bất ngờ của chiếc ấn. Chiếc ấn nặng tới 7 ký-lô-gam vàng! Thú thật với các bạn, khi giơ hai tay đỡ chiếc ấn, tôi có ngờ đâu nó nặng đến thế nên không chuẩn bị tư thế từ trước. Tuy vậy, khi chiếc ấn nặng trĩu đã nằm trong tay tôi, tôi phải cố gắng vận dụng hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là đừng để người tôi khỏi nghiêng ngả, vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử. Cũng may là tôi đã làm tròn trách nhiệm ‘nặng nề' ấy”.

Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Trần Huy Liệu (phải) nhận kiếm từ vua Bảo Đại tại lễ thoái vị, chiều 30.8.1945. Nguồn: Lưu trữ Cộng hòa Pháp.
Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Trần Huy Liệu (phải) nhận kiếm từ vua Bảo Đại tại lễ thoái vị, chiều 30.8.1945. Nguồn: Lưu trữ Cộng hòa Pháp.

Về phần mình, trong Hồi ký Song Đôi, Huy Cận nhớ lại: “Bảo Đại trao quốc ấn bằng vàng, đúc từ đời Minh Mạng, nặng gần 10kg và quốc kiếm, vỏ bằng vàng nạm ngọc nhưng lưỡi đã gỉ. Anh Liệu chuyển lại cho tôi và các đồng chí trong Uỷ ban nhân dân cách mạng ấn và kiếm rồi đọc bản tuyên bố của đoàn đại biểu của Chính phủ lâm thời” (3).

Trong một dịp khác, Huy Cận thuật tỷ mỷ hơn về hai vật biểu trưng cho vương quyền ấy: “Sau khi Bảo Đại đọc lời tuyên bố thoái vị, tới nghi thức trao ấn kiếm. Chiếc kim ấn truyền quốc làm bằng vàng ròng, nặng dễ đến ngót 10 kilôgam, anh Trần Huy Liệu vốn sức yếu phải gồng lên mới cầm nổi, còn tôi dĩ nhiên với cái tuổi 26 thì mươi cân cũng nhẹ nhàng thôi. Thú vị nhất là khi cầm cây kiếm, thấy vỏ ngoài dát vàng nạm ngọc rất đẹp, tôi thuận tay rút kiếm ra xem, ai dè bên trong lưỡi kiếm đã bị rỉ, tôi hồn nhiên nói ngay vào micro: “Thưa đồng bào, kiếm nhà vua rỉ hết rồi !…” Mọi người cười ồ. Bảo Đại cũng cười. Ông ta nói: “Thưa phái đoàn, từ nay tôi là một người dân bình thường của nước độc lập, xin phái đoàn cho tôi một vật gì để kỷ niệm cái ngày này”. Ý kiến bất ngờ. Chúng tôi hội ý và tôi nhanh tay rút chiếc huy hiệu cờ đỏ sao vàng mà Ủy ban Nhân dân Cách mạng Thừa Thiên Huế tặng các thành viên của phái đoàn và cài lên ngực Bảo Đại, đoạn nói to: “Xin đồng bào hoan nghênh công dân Vĩnh Thụy”. Nhiều tiếng vỗ tay vang lên. Bảo Đại thực sự cảm động và lặng lẽ rút lui” (4).

Vẫn theo Huy Cận, tại buổi hội kiến với ông Trần Huy Liệu và ông tại điện Kiến Trung chiều 29/8/1945 Hoàng đế Bảo Đại không chỉ đồng ý tổ chức lễ thoái vị vào ngày 30/8 mà còn thống nhất chuyển giao toàn bộ tài sản quý giá của vương triều cho chính quyền cách mạng, chỉ yêu cầu được giữ lại cung An Định (là cung điện riêng do vua Khải Định xây dựng bên bờ sông An Cựu) và các lăng tẩm của tổ tiên. Chính vì vậy sau lễ thoái vị, phái đoàn của Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cho chuyển gần 3.000 món bảo vật (ấn tín bằng vàng, bạc, ngọc ngà, cổ vật quý giá, tặng phẩm ngoại giao…) ra miền Bắc (5).

Nhà thơ Huy Cận (đứng) kể chuyện nhận thoái vị của vua Bảo Đại, Hoàng thành Huế, năm 2000. (Hình: Trên VnExpress, do TS sử học Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố Đô Huế, cung cấp)
Nhà thơ Huy Cận (đứng) kể chuyện nhận thoái vị của vua Bảo Đại, Hoàng thành Huế, năm 2000. (Hình: Trên VnExpress, do TS sử học Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố Đô Huế, cung cấp)

Nguyễn Hữu Đang là một nhân chứng quan trọng khác của cặp ấn, kiếm lịch sử ấy. Ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao làm Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập 2/9/1945 trong đó có việc dựng Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Trong hồi ký Ấn kiếm vương quyền nhà Nguyễn trên lễ đài ngày Độc lập (6), Nguyễn Hữu Đang kể: "Trở về phòng thường trực Ban Tổ chức, tôi yêu cầu Trần Lê Nghĩa, cũng là Phó Ban Tổ chức sửa soạn ngay một chiếc bàn con kiểu trang nhã có kèm theo một khăn phủ bằng nỉ hay lụa màu xanh lá cây và dặn: "Ấn, kiếm sẽ để trên bàn ấy kê trước mặt Cụ Hồ”. Ông mô tả: “Lưỡi kiếm cũng bằng vàng như vỏ kiếm nhưng dày hơn, chỉ ngắn bằng hai phần ba vỏ kiếm, chỗ bản rộng nhất độ hai phân, vuốt nhọn như lá lúa. Vỏ kiếm chạm nổi tỉ mỉ…Còn ấn, theo một nhà nghiên cứu sử, nó được đúc vào quãng năm 1744, Đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trên ấn hình vuông (núm to cũng hình vuông) Nguyễn Phúc Khoát cho khắc bốn chữ Hán “Vương Quốc Chi Ấn"

Trưởng ban tổ chức Ngày Độc lập kể tiếp: "Đến lượt Trần Huy Liệu báo cáo. Tôi đứng sẵn trên chiếc bàn con để ấn, kiếm. Ông Liệu nói đến chỗ Bảo Đại trân trọng nộp ấn, kiếm, tôi sẽ bấm cánh tay ông để ông tạm ngừng lại. Rồi tôi, tay phải cầm lấy thanh kiếm, tay trái thản nhiên dùng năm đầu ngón tay nhón cái núm chiếc ấn, định cứ thế cùng một lúc giơ cả hai thứ lên cao để đồng bào thấy. Chẳng ngờ thanh kiếm tương đối nhẹ, một tay tôi thừa sức điều khiển, còn chiếc ấn bướng bỉnh cứ ỳ ra, không nhúc nhích – nó nhỏ thôi mà sao nặng quá thế! (sau này tôi mới biết nó nặng trên 5 kilôgam). Tôi vội buông thanh kiếm, dùng cả hai tay lấy hết sức lôi chiếc ấn lên cách mặt bàn độ ba mươi phân, luồn tay phải xuống phía dưới, lựa cho nó nằm trên cùi bàn tay để ngửa rồi cúi mình co cánh tay từ từ nâng thẳng nó lên như lực sĩ cử tạ. Trong khi tay trái với thanh kiếm giơ lên ngang chiếc ấn… Tôi cố đứng vững, hai tay dựng thẳng như thế bốn năm phút liền”.

Và đây là điều bất ngờ trong bài viết trên của Nguyễn Hữu Đang: “Trần Huy Liệu báo cáo xong, tôi vẫn đứng cạnh micrô để tiếp tục điều hành buổi lễ. Quay về phía Nguyễn Lương Bằng, đại diện Tổng bộ Việt Minh ngồi ở hàng ghế đầu, tôi sẽ cúi đầu, lùi lại một bước để nhường chỗ, tỏ ý mời ông đến phát biểu ý kiến như đã ghi trong chương trình. Bỗng Cụ Hồ đứng phắt dậy, nhanh nhẹn cầm lấy thanh kiếm, thong thả bước tới micrô, rút mạnh lưỡi kiếm ra khỏi vỏ rồi vừa giơ nó lên cao hết tầm tay, vừa thét lớn đến làm rung động không gian quảng trường, chậm rãi dằn từng tiếng: “Thanh kiếm này là để chặt đầu những tên phản quốc".

Từ những hồi ức và hồi ký trên của các nhân chứng hàng đầu, tôi rút ra những nhận định sau đây.

Một là, mô tả của Huy Cận theo đó “quốc ấn bằng vàng, đúc từ đời Minh Mạng” khớp với nguồn gốc của “Hoàng Đế Chi Bảo”. Cũng cần nói thêm rằng “Vương Quốc Chi Ấn", mà theo Nguyễn Hữu Đang được Chúa Nguyễn Phúc Khoát cho đúc vào quãng năm 1744, đương nhiên không phải là ấn của Triều Nguyễn (bắt đầu năm 1802 với việc Chúa Nguyễn Phúc Anh lên ngôi Hoàng đế, lấy Gia Long làm niên hiệu) và do đó không thể được Bảo Đại sử dụng để đóng lên các văn bản của bản thân trong tư cách Hoàng đế Đại Nam (1825 -1945) và tiếp đó Hoàng đế Đế quốc Việt Nam (1945).

Hai là, trọng lượng “gần 10 kg” của ấn theo ước lượng của Phạm Khắc Hòe và Cù Huy Cận (7) hầu như không sai lệch với trọng lượng 10,5345 kg của “Hoàng Đế Chi Bảo”.

Ba là, lưỡi kiếm rỉ theo mô tả của Huy Cận lý giải được vì sao lưỡi kiếm bị gẫy theo mô tả của thứ phi Mộng Điệp (kiếm rỉ thì dễ gãy). Lưỡi kiếm rỉ của “An Dân Bảo Kiếm” của vua Khải Định được Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris vào năm 2014 (8) cho thấy tính xác thực của các mô tả trên. Nhận định này cũng nhằm bác bỏ suy diễn theo đó người chôn giấu đã bẻ thanh kiếm làm đôi để dễ cho vừa thùng dầu hỏa. Thực vậy, nếu nhằm mục đích này thì người dấu cũng đã bẻ vỏ kiếm làm đôi trong khi trên thực tế vỏ kiếm vẫn còn nguyên vẹn.

“An Dân Bảo Kiếm” của vua Khải Định trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, 2014. (Hình: Phạm Cao Phong, đăng trên BBC)
“An Dân Bảo Kiếm” của vua Khải Định trưng bày tại Bảo tàng Guimet, Paris, 2014. (Hình: Phạm Cao Phong, đăng trên BBC)

Mặc dầu vậy, cũng cần lý giải tại sao “lưỡi kiếm rỉ” tại lễ thoái vị của Bảo Đại theo mô tả của Huy Cận lại thoắt biến thành “lưỡi kiếm bằng vàng” (không thể rỉ) tại Lễ Độc lập như mô tả của Nguyễn Hữu Đang. Trong một lần thăm Nguyễn Hữu Đang tại một căn hộ nghèo nàn trên tầng 2 một khu tập thể tại Nghĩa Đô, Hà Nôi vào tháng 4/2004, tôi đã hỏi nhiều chuyện về cuộc đời “bão táp” của ông, từ chuyện về Lễ Độc lập 2/9/1945 đến 15 năm tù mà ông đã trải sau khi bị quy đứng đầu nhóm “Nhân Văn Giai Phẩm phản Đảng” và bị xử về tội “làm gián điệp” vào năm 1958. Tôi nói: “Bác nói cái ấn nặng trên 5 kg còn bố cháu, nhà thơ Huy Cận nói cái ấn nặng gần 10 kg. Trên thực tế, ấn “Hoàng Đế Chi Bảo” mà Bảo Đại giữ tại Paris cũng nặng khoảng 10 kg. Về lưỡi kiếm, bác nói nó bằng vàng còn bố cháu khẳng định bị rỉ. Phải chăng bác nhớ nhầm?” Ông Đang chậm rãi: “Lưỡi kiếm đó làm bằng vàng mà. Làm thế nào tôi có thể nhìn sắt rỉ ra vàng được!” Tôi tin Nguyễn Hữu Đang là người trung thực, có thể ông ước lượng sai trọng lượng của ấn nhưng không thể bịa ra lưỡi kiếm bằng vàng, nhất là liên quan đến sự kiện quan trọng nhất của chế độ chính trị Việt Nam hiện hành. Như vậy, việc đánh tráo lưỡi kiếm chỉ có thể là một quyết định chính trị và người ra quyết định tày đình này không thể là ai khác ngoài Hồ Chí Minh. Thực vậy, nếu là ”lưỡi kiếm rỉ” thì “Cụ Hồ” không thể sử dụng để thể hiện cái uy, sự không nương tay của Cách mạng, của chính thể Cộng hòa lần đầu xuất hiện ở Việt Nam trước các phần tử đối địch - “để chặt đầu những tên phản quốc"!

Chân dung Nguyễn Hữu Đang do Cù Huy Hà Vũ ký họa ngày 18/4/2004. (Hình: Tác giả cung cấp)
Chân dung Nguyễn Hữu Đang do Cù Huy Hà Vũ ký họa ngày 18/4/2004. (Hình: Tác giả cung cấp)

Với những nhận định và lý giải trên, tôi kết luận rằng ấn “Hoàng Đế Chi Bảo” và kiếm mà người Pháp đã trao lại cho Bảo Đại trong tư cách Quốc trưởng Quốc gia Việt Nam chính là ấn và kiếm mà vị này trong tư cách hoàng đế cuối cùng của Việt Nam đã trao cho hai ông Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại lễ thoái vị của mình cách đây tròn ba phần tư thế kỷ.

Vấn đề còn lại là bao giờ “Châu về Hợp Phố”, hai “quốc bảo” có giá trị bậc nhất này trở về tay Nhà nước Việt Nam?!

Chú thích:

  1. Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Phạm Khắc Hoè, Nhà xuất bản Thuận Hóa 1987.
  2. Hồi ký Trần Huy Liệu, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 1991.
  3. Hồi ký Song Đôi, Huy Cận, Nhà xuất bản Hội nhà văn, 2005.
  4. Chuyện thoái vị của vua Bảo Đại qua lời kể của Huy Cận, Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, 14 Tháng 8 2012.
  5. Lễ thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại qua lời kể của nhà thơ Huy Cận, Vnexpress, 30/8/2015
  6. Ấn kiếm vương quyền nhà Nguyễn trên lễ đài ngày Độc lập, Xưa Và Nay số 31, 9/1996.
  7. Huy Cận cha tôi có sức khỏe và khả năng ước lượng trọng lượng các đồ vật rất tốt. Ông tự tay xách vali mỗi khi ra nước ngoài, kể cả khi tuổi đã ngoài 70. Trước khi ra sân bay, ông bao giờ cũng sắp xếp để vali không vượt quá 20 kg, giới hạn không phải trả phụ phí mà sân bay quy định cho đồ đạc mang theo. Tôi đã nhiều lần chứng kiến vali của ông được nhân viên sân bay cân vừa xoẳn 20 kg. Bản thân Huy Cận luôn tự hào về khả năng ước lượng chính xác trọng lượng này của ông.
  8. Bảo Đại trao kiếm giả cho 'cách mạng'? Phạm Cao Phong, BBC Tiếng Việt, 4/9/2015.

Tác giả là một luật gia, học giả và nhà bất đồng chính kiến, cựu tù nhân chính trị Việt Nam.

XS
SM
MD
LG