Tờ Đài Bắc Thời Báo hôm Chủ nhật 7/2 cho rằng chuyến đi thăm một hòn đảo ở Biển Đông của Tổng Thống Đài Loan sắp mãn nhiệm đã được diễn giải sai lệch so với ý định của Tổng Thống Mã Anh Cửu, và cho rằng ông đã vô tình làm cho tình hình thêm phức tạp.
Chuyến đi của Tổng Thống Đài Loan tới thăm đảo Ba Bình hôm 28/1 nhằm mục đích ủy lạo binh sĩ Đài Loan trú đóng tại nơi này nhân dịp Tết Âm Lịch. Trên đảo mà Đài Loan gọi là Thái Bình, Tổng Thống Mã lặp lại sáng kiến hoà bình cho Biển Đông của ông, nói rằng việc Đài Loan đòi chủ quyền không nhất thiết cản trở các dự án chung để phát triển khu vực.
Ông Mã nhấn mạnh đến một ‘lộ trình’ để xây dựng hòa bình và duy trì ổn định trong khu vực. Theo Sáng kiến hòa bình cho Biển Đông của Đài Loan, một cơ chế hợp tác và phát triển dựa trên nguyên tắc “chia sẻ đồng đều các tài nguyên giữa các bên, từ bỏ tranh chấp về chủ quyền và thương lượng hòa bình thay vì đối đầu quân sự”.
Những nhận định của ông Mã nhắc lại các nguyên tắc này phù hợp với những phát biểu trước đây của ông ủng hộ việc thiết lập một bộ Quy tắc Ứng xử trên biển. Quan trọng hơn nữa, đây là một sự khẳng định về vùng lãnh thổ hiện có theo Hiến Pháp Đài Loan, gián tiếp xác nhận khái niệm “Một Trung Quốc” được đề cập đến ở đây là một Trung Quốc của Đài Loan, chứ không phải là Cộng Hoà Nhân dân Trung Quốc, tức Hoa Lục.
Tuy nhiên hành động của ông Mã đã được diễn giải khác nhau tại Hà Nội, Washington và Bắc Kinh, cũng như Đảng Dân Tiến ở Đài Loan.
Trước tiên, Phòng Đại diện của Việt Nam ở Đài Bắc đã lên tiếng phản đối ý định của ông Mã một ngày trước chuyến đi, vì lâu nay Việt Nam vẫn chống đối tuyên bố chủ quyền của Đài Loan tại quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Tác giả bài viết đăng trên tờ Đài Bắc Thời Báo là một Giáo sư môn Khoa học Chính trị thuộc trường Đại học Quốc gia Đài Loan. Ông Thạch Chi Du cho rằng trong vấn đề Biển Đông, Hà Nội không phân biệt giữa Đài Loan và Bắc Kinh. Tờ báo nói trong bối cảnh tiến trình chuyển tiếp chính trị đang diễn ra ở Việt Nam trong đó phe thân Bắc Kinh đang giành thế thượng phong, và do đó đây không phải là một thời điểm tốt cho một cuộc xung đột giữa Đài Loan và Việt Nam.
Trong khi đó Viện nghiên cứu Mỹ tại Đài Loan cũng bày tỏ thất vọng về chuyến đi của ông Mã, giữa lúc ưu tiên của Mỹ hiện nay là tìm cách lôi kéo Việt Nam về phe chống lại Trung Quốc và đã dồn nỗ lực để bảo đảm việc hình thành một “liên minh chiến lược” giữa Đài Loan, Việt Nam và Philippines, để giúp ổn định phần nào tình hình tranh chấp trong Biển Đông.
Tờ báo cho rằng nếu yếu tố chiến lược này trở thành hiện thực, hoặc nếu Bắc Kinh tìm cách góp tiếng với Đài Loan đòi chủ quyền, thì tình huống này không có lợi cho Washington. Và tờ báo diễn giải rằng việc Washington bày tỏ thất vọng thể hiện một mức độ lo lắng về chiến lược và gián tiếp tăng sức ép đối với Tổng Thống tân cử Đài Loan, bà Thái Anh Văn, phải lật ngược tình hình sau khi lên nắm quyền.
Bằng cách gián tiếp tái khẳng định “lãnh thổ hiện hữu” của Đài Loan, ông Mã đã tăng sức ép đối với người kế nhiệm, vì khi đắc cử, bà Thái Anh Văn đã cam kết sẽ thực thi Hiến Pháp Đài Loan. Vào đêm bà đắc cử, bà Thái Anh Văn ra dấu hiệu cho thấy chính phủ Đài Loan quan tâm tới tất cả các đảo hiện đang chiếm đóng, nhưng không nhắc tới các vùng lãnh hải của Đài Loan.
Bắc Kinh có phần chắc sẽ đòi bà Thái phải xác định lập trường của bà về vấn đề này.
Giáo sư Thạch Chi Du nói rằng giữa lúc các đại diện Việt Nam và Mỹ lên tiếng chống đối động thái của ông Mã tới thăm đảo Ba Bình, thì trên thực tế hai nước này lo ngại hơn về Trung Quốc.
Do đó ông Mã tin rằng phản ứng tiêu cực của đại diện Việt Nam sẽ không ảnh hưởng tới các quan hệ giữa Hà nội và Đài Bắc, nhưng bà Thái Anh Văn tin rằng ông Mã đã phương hại tới sự tin cậy giữa Trung Quốc và Mỹ, cũng như sự tin cậy giữa Đài Loan và Việt Nam, và cùng lúc tác động tới chính sách ‘hướng Nam’ của Đài Loan.
Một bản tin khác của báo chí Đài Loan hôm qua nói bất chấp những sự chống đối từ tứ bề, Tổng Thống Mã Anh Cửu duy trì lập trường của ông, nói rằng chuyến đi thăm đảo Ba Bình của ông là cần thiết và có lý do.
Ba Bình là hòn đảo lớn nhất trong khu vực quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei, nhưng hiện do Đài Loan kiểm soát. Ông Mã là tổng thống thứ nhì của Đài Loan tới thăm hòn đảo này sau chuyến viếng thăm của Tổng thống Trần Thủy Biển vào năm 2008.
Theo Taipeitimes, Chinapost.