Trong kháng thư gửi cho Tòa Thượng thẩm ở Dhaka, ông Muhammad Yunus nói rằng sắc lệnh mới đây của chính phủ đòi bãi chức giám đốc điều hành của ông tại Grameen Bank là bất hợp pháp.
Ngân hàng Trung ương có 25% cổ phần trong Ngân hàng Grameen, đã bãi chức ông Yunus, 70 tuổi, viện cớ ông vi phạm các quy định về nghỉ hưu qua việc ở lại làm việc khi đã quá 60 tuổi.
Sắc lệnh này còn nói rằng các thủ tục đã không được tuân hành đúng đắn khi ông được bổ nhiệm làm giám đốc điều hành vào năm 1999.
Ông Yunus, một kinh tế gia lừng danh, đã đi tiên phong trong khái niệm về vi tín dụng, cấp cho người nghèo những khoản cho vay nhỏ tới mức chỉ có 27 đôla để khởi sự các dự án gây lợi tức.
Ông đã thành lập Ngân hàng Grameen cách đây 30 năm để cung cấp các khoản cho vay đó. Khi khái niệm vi tín dụng lan qua nhiều nước đang phát triển, thì ông được cả thế giới tán dương và đã được trao giải Nobel Hòa bình năm 2006 nhờ công trình này.
Những người ủng hộ ông Yunus nói rằng việc bãi chức ông mang động cơ chính trị. Họ cho rằng ông khiến tầng lớp chính trị ở Bangladesh nổi giận khi ông thoáng có mưu đồ thành lập một chính đảng riêng vào năm 2007 sau khi chỉ trích các chính trị gia trong nước.
Hồi tháng 12, Thủ tướng Sheikh Hasina cáo buộc ông Yunus là coi Ngân hàng như tài sản riêng của mình, và ăn cướp của người nghèo.
Nhưng ông Yunus được sự hậu thuẫn của nhiều người ở trong nước cũng như ở nước ngoài, kể cả đại sứ Hoa Kỳ tại Bangladesh, người đã chỉ trích quyết định bãi chức ông Yunus .
Ông Ataus Samad, một quan sát viên chính trị ở Dhaka, nói rằng có một cảm giác lan rộng rằng ông Yunus đáng được đối xử tốt hơn:
“Mọi người đều nghĩ rằng một người đã đoạt giải Nobel Hòa Bình, thì phải là một niềm vinh dự cho Bangladesh, và sự thực là ngân hàng Grameen đã giúp rất nhiều người sống sót, cho dù lời chỉ trích ra sao đi nữa.”
Tòa Thượng thẩm sẽ ra phán quyết về việc bãi chức ông Yunus vào Chủ nhật này. Ông từng nói ông muốn “một sự ra đi lịch sự,” và muốn cứu vãn tương lai cho cơ chế mà ông đã thành lập.
Các kinh tế gia địa phương đã bày tỏ quan ngại rằng quyết định của chính phủ có thể đưa đến sự sụp đổ lòng tin đặt vào khu vực vi tín dụng.
Các ủng hộ viên của ông Yunus nói ông đã giúp đưa gần 9 triệu gia đình ra khỏi tình trạng nghèo khó.
Những người chỉ trích ông thì nêu ra rằng hệ thống vi tín dụng mà ông khởi xướng đã bị nghi ngờ trong những năm gần đây ở nhiều nước, kể cả Ấn Độ, là đè một gánh nặng nở nần lên vai những người đi vay nghèo khó.
Một nhà tài chính nổi tiếng ở Bangladesh đang tranh đấu trong một cuộc chiến pháp lý chống lại một lệnh của chính phủ đòi bãi chức ông khỏi một ngân hàng mà ông đã sáng lập.