Hôm qua, lãnh tụ cấp cao của đảng đối lập Jamaat-e-Islami, ông Delawar Hossain Sayedee, trở thành người đầu tiên phải ra tòa về các tội ác đã phạm vào năm 1971. Một công tố viên cáo buộc ông này về các tội ác chống lại loài người, như diệt chủng, sát nhân và hãm hiếp.
Ông Sayedee nằm trong số 7 chính trị gia lão thành của Bangladesh bị cáo buộc các tội ác chiến tranh trong cuộc đấu tranh kéo dài 9 tháng dẫn tới việc Bangladesh được độc lập tách khỏi Pakistan.
Ngoài ông Sayedee, còn 4 nghi can khác trong hàng ngũ lãnh đạo của đảng Jamaat-e-Islami, là đảng Hồi giáo lớn nhất của Bangladesh. Hai người thuộc đảng Dân tộc Bangladesh đối lập. Họ bị cáo buộc là hợp tác với lực lượng Pakistan và phạm các tội ác trong vụ xung đột gây thiệt mạng khoảng 3 triệu người.
Tất cả các bị cáo đều cho là mình vô tội và cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina là thực hiện một cuộc trả thù chính trị nhắm vào họ.
Giáo sư chính trị học của trường Đại học Dhaka, ông Ataur Rahman, nói rằng có nhiều người thừa nhận rằng những kẻ phạm các tội ác chiến tranh phải bị đưa ra trước công lý. Nhưng ông nói có nhiều mối quan ngại về cách thức các vụ xử được tiến hành và tính khả tín của những người có liên quan đến công tác cầm cân nẩy mực.
Ông Rahman nói: “Họ đã mất tin tưởng phần nào vào tính công bằng của tòa án, khi nói về tiến trình xét xử và liệu tiến trình đó có theo đúng tiêu chuẩn quốc tế hay không. Tôi nghĩ chính phủ phải thận trọng hơn nhiều so với trước đây khi thảo ra một số luật lệ, và trong việc sử dụng một số công tố viên, nhất là trong việc sử dụng các thẩm phán và vị chánh án của phiên tòa.”
Tòa án được thành lập năm ngoái mà không có sự can dự của Liên Hiệp Quốc. Tổ chức Human Rights Watch từng cho rằng các thủ tục pháp lý không hội đủ tiêu chuẩn quốc tế. Đã có những báo cáo rằng các luật sư biện hộ và các nhân chứng bị sách nhiễu. Giới chỉ trích còn nói các luật lệ về bằng cớ nào được cho phép cũng không theo đúng luật quốc tế.
Luật sư John Cammegh, người Anh, được toán luật sư biện hộ cho ông Sayedee tham khảo, đã nói ông không được phép tham gia vụ án hay nhập cảnh trong khi đang tiến hành vụ xử.
Công tố viên nói rằng các phiên tòa sẽ công bằng và không nhắm mục đích “trả thù chính trị”. Chính phủ cũng nói cơ cấu pháp lý của phiên tòa có đủ khả năng để xử lý các vụ xử.
Các chuyên gia phân tích chính trị nói trừ phi được coi là hết sức công bằng, thì các vụ xử có thể làm tăng thêm căng thẳng trong một quốc gia đã sẵn có một nền văn hóa chính trị mang đầy tính chia rẽ.
Bốn thập niên sau cuộc đấu tranh giành độc lập từ Pakistan, Bangladesh bắt đầu phiên tòa đầu tiên xét xử những người bị cáo buộc phạm các tội ác chiến tranh. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Anjana Pasricha từ New Delhi, các quan sát viên lâu nay đã nêu lên các mối quan ngại về cách thức nhà chức trách tiến hành phiên xử và liệu các vụ truy tố có bị chính trị hóa hay không.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1