Ông John Kapito, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Malawi, đã từng theo dõi sự nghiệp của bà Joyce Banda nhiều năm nay. Ông đã chứng kiến vào năm 1990 việc bà Banda sáng lập Hiệp hội toàn quốc các nữ doanh gia cung cấp các khoản tiền cho vay và đào tạo cho các phụ nữ muốn khởi sự các doanh nghiệp cỡ nhỏ.
Ông cũng theo dõi việc sáng lập Quỹ Joyce Banda, một tổ chức từ thiện giúp các trẻ mồ côi và con em các gia đình có thu nhập thấp ở Malawi được đi học. Năm 1997, bà Banda được trao giải thưởng Phi châu dành cho “Lãnh đạo chấm dứt vĩnh viễn nạn đói” của tổ chức Hunger Project có cơ sở ở Hoa Kỳ.
Nhưng bước đường tiến thân đến tột đỉnh một cách chậm chạp và vững chãi của bà Banda không phải là dễ dàng. Bà đã thoát ra khỏi một cuộc hôn nhân tàn nhẫn vào năm 1981 vào một lúc mà phần lớn phụ nữ cam chịu. Sau đó, trong tư cách là phó tổng thống Malawi kiêm phó chủ tịch đảng cầm quyền, bà đã mất chức trong đảng sau khi từ chối không ủng hộ tổng thống lúc đó là ông Bungu wa Mutharika khi ông tìm cách đưa người anh em trai lên nắm quyền.
Do đó, sau khi ông Mutharika đột ngột qua đời vào đầu tháng 4, phó Tổng thống Joyce Banda đã trở thành Tổng thống Joyce Banda.
Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Malawi Kapito nói bà Banda là một gương sáng cho phụ nữ và cho cả nước nói chung, với đầy đủ khả năng rằng bảo đảm quyền lợi cho người nghèo, nhất là phụ nữ ở nông thôn, phải được tôn trọng.
Bà Kapito nói: “Với tư cách một phụ nữ, tôi nghĩ bà đã chứng tỏ rằng, thứ nhất, tiếng nói của bà được lắng nghe. Người ta không thể thao túng bà một cách nhanh chóng. Phần lớn các doanh nghiệp ở Malawi nằm dưới sự điều hành của nam giới. Và tôi nghĩ rằng điều đó sẽ là một trắc nghiệm khi bà kiên quyết nói rằng, bà muốn chuyển giao tất cả các nguồn lực này cho dân chúng ở nông thôn, cho những người nghèo khó ở nông thôn.”
Ở phía bên kia châu lục, nơi bà Ellen Johnson Sirleaf đang tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai tại nước Liberia từng bị chiến tranh xâu xé.
Ông Ebrahim Faqir là giám đốc về quản trị tại Viện Bầu cử Dân chủ Bền vững ở châu Phi có trụ sở tại Nam Phi. Ông nêu ra rằng cả hai vị Tổng thống Banda và Sirleaf đều có các thành tích vững mạnh trong việc thăng tiến quyền lợi của phụ nữ cũng như đã nắm giữ các chức vụ trong khu vực công ty và tư nhân – các kỹ năng, kiến thức và kinh nghiệm mà họ đưa vào chức vụ tổng thống.
Cũng như bà Joyce Banda, bà Sirleaf đã bị công kích vì một số chủ trương không được lòng công chúng, trong đó có việc diệt trừ tham nhũng, các biện pháp gay gắt để giảm nợ, và điều mà một số người coi là dựa vào ngoại viện quá nhiều.
Ông Faqir nói ông nghĩ rằng bà Sirleaf chủ yếu đã đáp lại được niềm hy vọng lớn lao vây quanh việc bà đắc cử vào năm 2005.
Ông Faqir cho biết: “Bà đã thành lập một ủy ban sự thực và hòa giải. Bà đã loan báo những thay đổi chính sách sâu rộng – quan trọng nhất là giáo dục miễn phí ít nhất cho trẻ em tới một độ tuổi nào đó. Bà đã đề xuất một sự thay đổi chính sách đem lại sinh khí cho khu vực y tế và kinh tế, và tìm cách ngăn chặn làn sóng tham nhũng.”
Ông Faqir nói các thành quả của bà Sirleaf và bà Banda diễn ra vào một thời điểm khi việc nuôi dậy con trẻ và các việc vặt trong nhà vẫn hạn chế nhiều phụ nữ trong việc theo đuổi các vị trí cấp cao trong lãnh vực công cử – và sự thiếu hỗ trợ dành cho phụ nữ trong các lãnh vực này là một hiện tượng trên toàn thế giới. Ông nói ở nhiều nơi tại châu Phi, vẫn còn một sự xung đột giữa các quan điểm cổ xưa và tân thời về vai trò của phụ nữ trong đời sống công cộng – nhưng sự kiện đó đang mau chóng thay đổi.
Ông Faqir cho biết thêm: “Có những biến chuyển lớn đang diễn ra khắp đại lục Phi châu. Có một sự đi lên trong xã hội dân sự, một sự đi lên trong hành động trực tiếp của công dân. Và tôi cho rằng phần lớn sự kiện này đã làm bằng chứng cho vai trò ngày càng tăng của phụ nữ, không chỉ góp phần trong các lãnh vực dân sự và chính trị, mà còn trong nền kinh tế nữa.”
Theo ý kiến của ông Elisha Attai, người sáng lập tổ chức Phụ nữ Phi châu trong vai trò lãnh đạo, sự kiện hai bà Sirleaf và Banda lên làm tổng thống nêu bật các tính chất cố hữu của phụ nữ dường như gợi ý rằng họ có thể là các nhà lãnh đạo tốt hơn ở những nước như quê nhà của ông là Nigeria.
Ông Attai nhận xét: “Phần lớn những chức vụ này đã đạt được thành công tốt đẹp – cho dù là trong chính phủ, trong nền công nghiệp quốc gia – đều do phụ nữ đảm trách; và ta không thấy có vấn đề gì. Nhưng phần lớn những chức vụ tham nhũng mà chúng ta có vấn đề, đều là do nam giới xử lý. Do đó, tôi chỉ có cảm tưởng tự nhiên là một phụ nữ mạnh, có học vấn cao, thực sự không tham nhũng.”
Ngoài sự kiện có thể ít tham nhũng hơn, ông nói ông nghĩ rằng phụ nữ có phần chắc ít gây chiến hơn hoặc ít dính dáng vào những vụ giằng co vì động cơ chính trị hơn.