Đường dẫn truy cập

Bãi Tư Chính: Trung Quốc muốn ‘quốc gia liên quan’ tôn trọng chủ quyền


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với phóng viên hôm 19/8 rằng "quốc gia có liên quan" nên
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói với phóng viên hôm 19/8 rằng "quốc gia có liên quan" nên

Một người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh hôm 19/8 nói rằng Trung Quốc muốn “quốc gia có liên quan” tôn trọng quyền chủ quyền của họ khi trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên về thông tin tàu Hải Dương 8 quay trở lại hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Người phát ngôn Cảnh Sảng không nêu tên Việt Nam nhưng nói rằng Bắc Kinh hy vọng “quốc gia có liên quan sẽ tôn trọng một cách nghiêm túc các quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc.”

Các tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc trong hơn 1 tháng qua đã "đối đầu" nhau tại Bãi Tư Chính trên Biển Đông sau khi Trung Quốc đưa tàu Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Hôm 16/8, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam và tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam sau 3 lần cáo buộc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền của mình từ đầu tháng 7.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng hôm 16/8 nói rằng các lực lượng chức năng của Việt Nam tiếp tục triển khai các biện pháp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán theo đúng pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Trả lời yêu cầu bình luận của phóng viên về những thông tin trên, người phát ngôn của Bắc Kinh, ông Cảnh Sảng, nói rằng “Trung Quốc có chủ quyền với Quần đảo Nam Sa và vùng biển lân cận và có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển liên quan.”

Bãi Tư Chính, nơi các tàu hải cảnh của Việt Nam và Trung Quốc được cho là đối đầu nhau trong hơn 1 tháng qua, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông nhưng nằm trong đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn mà Bắc Kinh tự đặt ra và đã bị Tòa trọng tài quốc tế ở La Haye bác bỏ cách đây hơn 3 năm.

Ông Cảnh không nêu tên tàu Hải Dương 8 nhưng nói rằng “con tàu có liên quan của Trung Quốc đã luôn hoạt động trong vùng biển thuộc quyền tài phán” của nước này.

Tàu Hải Dương 8 được cho là đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ngày 3/7 và hoạt động thăm dò địa chấn tại khu vực Bãi Tư Chính trong gần 5 tuần trước khi tạm rút ra khỏi đó ngày 8/8. Tuy nhiên, hôm 13/8, chính phủ Việt Nam cho biết “tàu khảo sát Hải Dương 8 và một số tàu hộ tống của Trung Quốc đã trở lại hoạt động xâm phạm vùng biển Việt Nam.”

Theo người phát ngôn của Trung Quốc nói với phóng viên ở Bắc Kinh hôm 19/8, “con tàu đã điều chỉnh đúng kế hoạch hoạt động của mình phù hợp với điều kiện hàng hải và nhu cầu thực tế.”

Ông Cảnh nói Bắc Kinh hy vọng “quốc gia có liên quan” sẽ “hợp tác với Trung Quốc để duy trì sự hài hòa và yên ổn trong các vùng biển đó.”

Cập nhật của chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Hải chiến Mỹ Ryan Martinson hôm 20/8 cho thấy tàu Hải Dương 8 vẫn đang tiếp tục hoạt động ở khu vực Bãi Tư Chính.

Theo các nguồn tin không chính thức, Việt Nam cũng đã cử tàu hộ vệ có tên lửa dẫn đường hiện đại nhất là Quang Trung ra khu vực này.

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 20/7 đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc “bắt nạt” các quốc gia láng giềng trong hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông và Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo đầu tháng này đã chỉ trích hành động “cưỡng ép” của Trung Quốc tại diễn đàn ASEAN tổ chức ở Bangkok.

VOA Express

XS
SM
MD
LG