Hôm thứ Năm, căng thẳng gia tăng giữa quân đội chính phủ và những người hoạt động đối lập tại Bahrain trước Cuộc Đua xe Formula One Grand Prix tại vương quốc vùng Vịnh này.
Một trái bom lửa phát nổ gần đội đua của Ấn Độ hồi tối thứ Tư khi cảnh sát và những người biểu tình đụng độ gần thủ đô Manama.
Không ai bị thương trong vụ nổ này. Tuy nhiên, những người được chứng kiến cho biết cảnh sát đã bắn hơi cay mắt và súng bắn chim vào người biểu tình phản đối chính phủ và kêu gọi Formula One hủy bỏ cuộc đua.
Cuộc đua hồi năm ngoái đã bị hoãn lại và sau đó bị bãi bỏ vì các vụ biểu tình.
Các cuộc biểu tình do người Shia chiếm đa số ở Bahrain cầm đầu đã xảy ra hầu như hằng ngày kể từ năm ngoái. Người biểu tình đòi vai trò lớn hơn trong chính phủ do người Sunni lãnh đạo.
Một số nhóm đối lập đòi tổ chức “ngày phẫn nộ” trùng hợp với cuộc đua xe Formula One, sẽ diễn ra từ thứ Sáu qua hết ngày Chủ Nhật này .
Chính phủ không từ bỏ kế hoạch tổ chức cuộc đua xe.
Chủ tịch Đường đua Quốc tế của Bahrain, ông Zayed Al Zayani, quy trách nhiệm cho các “quan sát viên salon” những người không thông hiểu vấn đề, đã khơi ngòi cho cuộc tranh cãi liên quan tới việc tổ chức cuộc đua này.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, ông cũng nói, “các nhân vật khách quan” viếng thăm Bahrain tìm hiểu tình hình đã không được tham khảo ý kiến.
Tuần trước người đứng đầu Formula One, ông Bernie Ecclestone, nói không có chuyện gì xảy ra tại Bahrain, tình hình rất yên ổn.
Nhưng các thành viên trong cộng đồng Shia và các tổ chức nhân quyền nói rằng việc tiến hành cuộc đua này cho người ta ấn tượng là điều kiện nhân quyền đã được cải thiện nhiều kể từ năm ngoái.
Họ cho biết, những người hoạt động vẫn còn bị giam giữ trái phép và chính phủ chẳng làm gì mấy để giải quyết mối quan tâm của người Shia muốn được hưởng quyền lợi rộng rãi hơn.
Chủ tịch Trung Tâm Bảo Vệ Nhân quyền Bahrain, ông Nabeel Rajab, nói đa số người Bahrain cho là mở lại cuộc đua Formula One ở Bahrain là gửi đi một tín hiệu sai lầm.
Giám đốc Tổ chức Ân Xá Quốc Tế Hoa Kỳ, bà Suzanne Nossel, nói tình hình chưa thay đổi bao nhiêu từ năm ngoái để cho Bahrain đứng ra tổ chức cuộc đua nổi tiếng như vậy.
Trong tuần này Hội Ân Xá Quốc Tế đã đưa ra một phúc trình cho biết chi tiết về chuyện sử dụng võ lực quá đáng và không cần thiết nhắm vào những người biểu tình. Phúc trình cho hay ít nhất đã có 60 người thiệt mạng trong những cuộc biểu tình kể từ tháng Hai năm 2011.
Bà Nossel nói với đài VOA rằng có vẻ như nhà cầm quyền Bahrain không nghiêm chỉnh trong công cuộc cải tổ.
Ông Jasim Husain, thuộc đảng đối lập Wefaq đồng ý như vậy. Ông cũng cho biết, người Sunni cầm quyền tại nước này đã chậm chạp trong việc thi hành cải tổ bởi vì không có áp lực thật sự để họ phải thi hành việc đó.
Đối với chính phủ, tổ chức vòng đua Formula One của Bahrain là một cơ hội kiếm tiền. Báo “Doanh Nghiệp tại Bahrain” cho biết cuộc đua năm 2010 giúp tạo ra 3.000 công ăn việc làm, thu hút hơn 100.000 khách viếng thăm và đem về gần 300 triệu đô la.
Sinh hoạt này cũng đem lại cho vương quốc nhỏ bé vừa kể cơ hội để tự hào về hình ảnh của họ. Năm 2004 Bahrain đã trở thành quốc gia vùng Trung Đông đầu tiên tổ chức cuộc đua Formula One Grand Prix.
Cựu vô địch thế giới giải Formula One, Damon Hill, đã lên tiếng phản đối tổ chức cuộc đua năm 2011 ở Bahrain và lúc đầu đã lên tiếng dè dặt đối với cuộc đua năm nay. Nhưng hồi cuối tuần trước anh Hill đã thay đổi lập trường và chấp nhận tham gia cuộc đua năm nay.
Anh nói không ai có ảo tưởng về tình hình ở Bahrain nhưng anh cảm thấy các tổ chức nhân quyền đã có thể nói lên ý kiến của họ về tình hình Bahrain trước công luận.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1