Bạch Hồng Quyền, nhà vận động vì môi trường ở Hà Tĩnh đang bị chính quyền Việt Nam truy nã, nói hiện nay anh đang ở một nơi khá an toàn và đang cân nhắc giải pháp đi đến một nước khác để lánh nạn.
Tuần qua nhà vận động 28 tuổi nói với VOA - Việt Ngữ rằng hiện anh đang ở một nơi mà công an Việt Nam khó phát hiện:
“Hiện tại thì tôi tạm thời an toàn, vì ở đây phía công an Việt Nam khó có thể tìm thấy được.”
Bạch Hồng Quyền nói anh đang cân nhắc quyết định đi sang một nước khác, theo đề nghị của một số đại diện ngoại giao nước ngoài:
“Bây giờ có rất nhiều tổ chức và một số đại sứ quán các nước đã liên hệ với tôi, muốn giúp đỡ tôi để tôi có thể đi sang một nước khác, để không bị phía chính quyền Việt Nam bắt bớ. Tôi đang xem có quyết định đi sang một nước khác hay không. Với những lời đề nghị đó thì tôi đang suy nghĩ, để đưa ra quyết định để ở ngoài tiếp tục hoạt động, giúp cho người dân bằng một cách nào đó.”
Tôi đang xem có quyết định đi sang một nước khác hay không.Bạch Hồng Quyền
Dù bị chính quyền Việt Nam truy nã và ra lệnh bắt, anh Bạch Hồng Quyền nói anh vẫn quyết tâm đến cùng để giúp người dân các tỉnh miền Trung, những nạn nhân vụ ô nhiễm môi trường biển do công ty Formosa gây ra vào tháng 4 năm ngoái.
Hôm 12/4/2017, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an Hà Tĩnh khởi tố anh Bạch Hồng Quyền về “vụ án hình sự Gây rối trật tự công cộng và Bắt giữ người trái pháp luật xảy ra tại trụ sở UBND huyện Lộc Hà”. Đến ngày 18/4, Công an Hà Tĩnh lại khởi tố và hôm 19/4 phát lệnh “bắt bị can để tạm giam”. Ngày 12/5, Cơ quan điều tra Công an Hà Tĩnh ra lệnh truy nã toàn quốc đối với Bạch Hồng Quyền.
Nói về lệnh bắt và truy nã, Bạch Hồng Quyền nói chính quyền muốn dập tắt tiếng nói phản kháng của người dân và làm tê liệt tinh thần của những người hoạt động vì môi trường như anh:
“Chính quyền Hà Tĩnh cố tình ra lệnh bắt và lệnh truy nã để giập tiếng nói mà lên tiếng cho những người ngư dân, những người dân bị thiệt hại do Formosa gây ra, cũng như làm cho tinh thần cho người đang muốn giúp đỡ người dân thêm sợ hãi để họ không giúp người dân tại 4 tỉnh miền Trung nữa.”
Từ khi bí mật rời nơi cư ngụ, Bạch Hồng Quyền biết chính quyền địa phương vẫn thường xuyên sách nhiễu gia đình, và vợ con anh:
“Đến ngày hôm nay, bên phía gia đình tôi và phía nhà vợ vẫn bị một số người an ninh thường phục theo dõi và canh nhà. Bên phía vợ, họ luôn luôn tìm cách đi theo. Có những hôm, khi vợ tôi đưa con đi học, những người an ninh chặn xe lại kiểm tra. Những người này không mặc sắc phục, họ chặn xe, tự xưng là công an thành phố Hà Nội. Họ mở cóp xe, kiểm tra túi sách. Sau khi kiểm tra, họ cũng không có biên bản về việc kiểm tra như thế.”
Có những hôm, khi vợ tôi đưa con đi học, những người an ninh chặn xe lại kiểm tra.Bạch Hồng Quyền
Blogger Lê Anh Hùng viết cho VOA: “Mặc dù đã xảy ra hơn một năm, nhưng đến nay vụ đại thảm hoạ môi trường ở Hà Tĩnh vẫn tiếp tục là sự kiện nóng bỏng trong dư luận người Việt, đặc biệt là trong bối cảnh những người bị thiệt hại chưa được đền bù thỏa đáng hoặc thậm chí là chưa được đền bù, còn thủ phạm Formosa Hà Tĩnh thì vừa được nhà chức trách cho phép vận hành thử nghiệm lò cao số 1 và tập đoàn mẹ Formosa thì lên kế hoạch rót thêm 1 tỷ USD vào dự án. Nghĩa là, Formosa Hà Tĩnh tiếp tục là một đại hiểm hoạ quân sự - kinh tế - môi trường lơ lửng trên đầu dân tộc, đe doạ sự tồn vong của giống nòi.”
Blogger này viết tiếp: “Trong bối cảnh đó, nhà cầm quyền Việt Nam một mặt muốn khởi tố anh Bạch Hồng Quyền để hăm dọa dân chúng trong vụ Lộc Hà, và ngăn ngừa những vụ việc tương tự trong tương lai, mặt khác họ lại sợ phiên tòa xét xử anh Quyền sẽ biến thành “ngày hội non sông”, khích động dân chúng ở Hà Tĩnh và Nghệ An nổi lên.”
Tháng trước, chị Bùi Hương Giang, vợ của anh Quyền khẳng định với VOA rằng chồng chị vô tội:
“Đó là tội danh mà nhà cầm quyền Cộng sản ghép cho anh Quyền. Mình thì luôn luôn ủng hộ chồng và thấy việc làm của chồng là đúng. Nhà máy Formosa đã xả thải ra môi trường, làm ô nhiểm môi trường biển. Chồng mình chỉ đến làm truyền thông giúp bà con lan tỏa tiếng nói của mình.”