Đường dẫn truy cập

Bắc Triều Tiên trả lại những người Nam Triều Tiên 'đào tị'


Bắc Triều Tiên đã trả lại sáu người đàn ông Nam Triều Tiên mà họ nói là những người đào tị. Các nhà phân tích chính trị nói rằng cử chỉ này có thể là toan tính của Bắc Triều Tiên để làm tan đi quan hệ lạnh nhạt sau khi họ bãi bỏ dự định thực hiện các cuộc đoàn tụ của những gia đình bị chia cách từ thời chiến tranh Triều Tiên.

Nhà chức trách Bắc Triều Tiên đã trả lại sáu công dân Nam Triều Tiên vào chiều thứ Sáu tại “làng đình chiến” Bản Môn Điếm ở vùng biên giới hai nước.

Bộ Thống Nhất Nam Triều Tiên nói rằng, chính phủ Bình Nhưỡng đã bắt giam sáu người đàn ông ở độ tuổi từ 27 tới 67 này, vì xâm nhập Bắc Triều Tiên bất hợp pháp.

Hôm thứ Năm Hội Chữ Thập Đỏ Bắc Triều Tiên loan báo rằng họ sẽ được trả về nước như một cử chỉ nhân đạo. Chính phủ Seoul hoan nghênh việc phóng thích vừa kể mặc dầu cũng nói rằng việc này lẽ ra phải được thực hiện sớm hơn.

Phát ngôn nhân Bộ Thống Nhất Nam Triều Tiên, ông Kim Eui-do, nói rằng, chính phủ Bình Nhưỡng đã không đếm xỉa tới yêu cầu trước đây về các thông tin liên quan tới những người bị bắt và gán cho họ là những người “đào tị”.

Ông Kim nói rằng, mặc dầu Bắc Triều Tiên lý luận là họ đào tị tới Bắc Triều Tiên, dù họ tự ý làm như vậy hay không thì cũng sẽ được phát hiện bằng một cuộc điều tra đầy đủ.

Việc Bắc Triều Tiên bất ngờ trả những người này về nước là hành động kỳ lạ của một nước vốn nổi tiếng về hành động cô lập chính nhân dân của họ và bắt cóc những người khác hơn so với việc trả về nước những người đào tị tự nguyện.

Kể từ khi chấm dứt giao tranh trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên, Bắc Triều Tiên đã giữ và bắt cóc hằng ngàn người, từ các tù binh chiến tranh tới những nhân vật nổi tiếng và ngư dân bình thường.

Các vụ đào tị từ niền Bắc nghèo khó tới miền Nam giầu có là là chuyện thông thường với hơn 25 000 người, kể từ khi chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên trong thập niên 1950.

Nhưng các cuộc đào tị từ miền Nam tới miền Bắc là cực hiếm. Việc trả lại những người Nam Triều Tiên đào tị bởi chính phủ Bình Nhưỡng là chưa bao giờ nghe nói tới.

Yang Moo-jin, thuộc Trường đại học nghiên cứu Bắc Triều Tiên nói rằng, chính phủ Bình Nhưỡng có lẽ tìm cách phục hồi quan hệ thân hữu hơn với Seoul.

Ông Yang nói rằng việc này cho thấy ý định cải thiện quan hệ giữa hai nước Triều Tiên. Ông nói thêm rằng việc này cũng chứa đựng một thông điệp để yêu cầu chính phủ của Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun-hye thay đổi chính sách đối với Bắc Triều Tiên.

Quan hệ giữa hai nước Triều Tiên đã nồng ấm trở lại trong mùa hè năm nay sau khi căng thẳng lên tới cao độ với vụ thí nghiệm hạt nhân lần thứ ba của chính phủ Bình Nhưỡng trong tháng Hai.

Bắc và Nam Triều Tiên đã thương thảo về việc mở lại khu công nghiệp chung của họ tại Kaesong và, lần đầu tiên trong nhiều năm, n ối lại các cuộc đoàn tụ các gia đình bị chia cách kể từ Cuộc Chiến Tranh Triều Tiên.

Nhưng, BắcTriều Tiên đã bất ngờ hoãn lại các cuộc đoàn tụ này, cũng như là cuộc thương thảo về việc tái tục các ngành du lịch của Nam Triều Tiên tới Núi Kim Cương, nại lý do thái độ thù nghịch của chính phủ Seoul.

Người ta tin rằng một vài trong số những người được phóng thích hôm thứ Sáu đã băng qua biên giới sang Bắc Triều Tiên hồi tháng Hai năm 2010 khi Bắc Triều Tiên loan báo về việc câu lưu bốn người Nam Triều Tiên. Rất ít chi tiết được biết về hai người đàn ông kia.

Vào lúc đó, cơ quan thông tấn Yonhap của Nam Triều Tiên đã trích thuật lời một nhà hoạt động nói rằng bốn người đó có thể đã là một nhóm người băng qua biên giới với một sứ mạng để gặp cựu Tổng thống Bắc Triều Tiên Kim Jong Il.

Không rõ tại sao họ muốn gặp thân phụ của nhà lãnh đạo hiện tại Kim Jong Un, hay họ đã thành công trước khi ông chết vào cuối năm 2011.

Phát ngôn nhân Bộ Thống Nhất, ông Kim Eui-do, không thể xác nhận những chi tiết hay lý lịch của những người đàn ông này.

Ông nói rằng ngay khi họ vừa tới Nam Triều Tiên, và qua một cuộc điều tra, thì có thể kiểm tra xem bốn người mà Bắc Triều Tiên kể tới năm 2010 có nằm trong số sáu người tới Nam Triều Tiên ngày hôm nay hay không.

Rất hiếm người đào tị từ Nam sang Bắc, trong đó có một người hồi tháng Chín khi các binh sĩ canh phòng biên giới bắn chết một người đàn ông tìm cách dùng bè qua sông dọc theo biên giới trang bị hùng hậu.

Trong năm 2009, một người đàn ông Nam Triều Tiên bị cảnh sát truy nã đã cắt một lỗ hổng nơi hàng rào biên giới, được biết tới là vùng phi quân sự, và trốn sang miền Bắc.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG