Diễn tiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên
Diễn tiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên12 tháng 2: Bắc Triều Tiên tiến hành cuộc thử nghiệm hạt nhân thứ ba.
27 tháng 3: Bắc Triều Tiên cắt đường dây nóng với Nam Triều Tiên.
28 tháng 3: Oanh tạc cơ B-2 của Hoa Kỳ bay trên không phận bán đảo Triều Tiên.
30 tháng 3: Bắc Triều Tiên tuyên bố đã đi vào “tình trạng chiến tranh” với Nam Triều Tiên.
3 tháng 4: Bắc Triều Tiên ngăn công nhân Nam Triều Tiên không cho vào khu công nghiệp Kaesong.
4 tháng 4: Bắc Triều Tiên di chuyển một phi đạn đến bờ biển phía đông.
9 tháng 4: Bắc Triều Tiên hối thúc người nước ngoài rời khỏi miền Nam. Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên nâng mức cảnh giác.
14 tháng 4: Ngoại trưởng Hoa Kỳ đề nghị đàm phán với Bình Nhưỡng nếu Bắc Triều Tiên quyết định hủy bỏ vũ khí hạt nhân.
16 tháng 4: Bắc Triều Tiên đưa ra lời đe dọa sau các cuộc biểu tình chống Bình Nhưỡng ở Seoul.
29 tháng 4: Bắc Triều Tiên giữ 7 người Nam Triều Tiên ở khu Kaesong.
30 tháng 4: Bắc Triều Tiên kết án một người Mỹ 15 năm khổ sai vì có hành vi thù nghịch.
Tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên đã tạm lắng xuống trong mấy tuần lễ vừa qua, sau khi đã tăng cao vì Bình Nhưỡng đe dọa tấn công Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ.
Chưa có thêm vụ phóng phi đạn mới nào của Bắc Triều Tiên mặc dù Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và các chính phủ khác trong khu vực tiếp tục cảnh giác đối với hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng.
Trợ lý đặc biệt của tổng thống và là Giám đốc cấp cao Vụ Á châu, ông Daniel Russel, nói không thể loại bỏ việc Bình Nhưỡng sẽ có thêm những hành động khiêu khích.
Ông Russel nói Bắc Triều Tiên nên tiếp nhận thông điệp quan trọng từ sức mạnh của liên minh Hoa Kỳ-Nam Triều Tiên mà Bình Nhưỡng đã chứng kiến trong tháng qua, và sức mạnh đó lại được thể hiện hôm nay tại Tòa Bạch Ốc.
Ông Russel nói: "Sự hợp nhất trong thông điệp của hai chính phủ và hai vị tổng thống cho Bắc Triều Tiên thấy rằng họ không có hy vọng đạt được lợi ích gì từ những hành động khiêu khích. Thông điệp đó là chúng ta và thế giới sẽ không cố gắng mưu tìm một chút hòa bình và yên tĩnh bằng cách chấp nhận những yêu sách của Bắc Triều Tiên."
Ông Russel nói thêm rằng cùng lúc đó, Bắc Triều Tiên nên chấp nhận đề nghị mà Hoa Kỳ đã đưa ra từ lâu là ngồi vào bàn thương thảo nếu Bình Nhưỡng chấp hành các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc và hoàn tất quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Ông Russel nói rằng hãy còn quá sớm để cảm thấy vui mừng là Bắc Triều Tiên không có thêm hành động khiêu khích nào nữa. Ông cho biết Bình Nhưỡng sẽ còn cần hành động nhiều hơn để trấn an cộng đồng quốc tế.
Ông Russel cho biết: "Những việc họ cần làm là thực hiện những bước đáng tin cậy và không thể đảo ngược để chứng tỏ sự cam kết đối với việc chấm dứt chương trình hạt nhân và hoàn toàn phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên."
Ông Russel cho biết Tổng thống Obama và Tổng thống Park Geun Hye có quan điểm hoàn toàn giống nhau đối với việc có được một sức mạnh răn đe hữu hiệu và một sự phòng vệ vững mạnh, và nhất quyết cho rằng Bắc Triều Tiên phải phi hạt nhân hóa.
Ông Russel nói cộng đồng quốc tế sẽ hành động để đáp lại “những bước có ý nghĩa và không thể đảo ngược” trong việc phi hạt nhân hóa, nhưng “không phải để đổi lấy những lời hứa hẹn mà Bắc Triều Tiên đã từng nhanh chóng phá bỏ.”
Cuộc họp hôm nay của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Hàn cũng sẽ tập trung vào các vấn đề thương mại song phương và khu vực. Tổng thống Obama và Tổng thống Park sẽ dùng bữa trưa với các giới chức của cả hai chính phủ, và sẽ tiến hành một cuộc họp báo chung.