Đường dẫn truy cập

Ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên đang xây giàn phóng tên lửa lớn


Ảnh vệ tinh do Viện nghiên cứu các vấn đề Mỹ-Triều Tiên công bố cho thấy Bắc Triều Tiên có thể sắp hoàn tất việc xây dựng và thử nghiệm dẫn tới các vụ phóng phi đạn tầm xa và vệ tinh.
Ảnh vệ tinh do Viện nghiên cứu các vấn đề Mỹ-Triều Tiên công bố cho thấy Bắc Triều Tiên có thể sắp hoàn tất việc xây dựng và thử nghiệm dẫn tới các vụ phóng phi đạn tầm xa và vệ tinh.

Viện nghiên cứu các vấn đề Mỹ-Triều Tiên vừa phổ biến các hình ảnh vệ tinh cho thấy Bắc Triều Tiên có thể sắp hoàn tất việc xây dựng và thử nghiệm dẫn tới các vụ phóng phi đạn tầm xa và vệ tinh. Thông tín viên Victor Beattie của đài VOA tường thuật rằng các hình ảnh đã được công bố hôm qua giữa lúc Tư Lệnh chỉ huy Lực lượng Hải quân Mỹ tại Thái bình dương cảnh báo cộng đồng quốc tế chớ nên thờ ơ trước mức độ tiến bộ của Bắc Triều Tiên trong công nghệ hạt nhân và phi đạn.

Trang web 38 North của Viện nghiên cứu các vấn đề Mỹ-Triều Tiên hôm qua công bố các hình ảnh chụp bằng vệ tinh cho thấy hoạt động tại Trạm phóng vệ tinh Sohae chứng tỏ miền Bắc đang chuẩn bị phóng các phi đạn đạn đạo tầm xa và các vụ phóng vệ tinh. Viện Mỹ-Triều Tiên nói chiều cao của bệ phóng đã tăng lên đến hơn 50m và dự kiến việc xây dựng con đường và một nhánh đường rầy liên hệ để phục vụ các hỏa tiễn lớn lớn hơn sẽ được hoàn thành vào năm tới.

Trang web này nói rằng một loạt thử nghiệm khác về tầng đầu của động cơ hỏa tiễn trong phi đạn đạn đạo xuyên lục địa cơ động KN-08 có thể kết thúc trong năm nay, mặc dù thành quả của các cuộc thử nghiệm này vẫn còn là một bí ẩn. Viện nghiên cứu Mỹ-Triều Tiên dự kiến bước kế tiếp sẽ là cuộc phóng thử toàn diện.

Phi đạn Bắc Triều Tiên trong một cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng.
Phi đạn Bắc Triều Tiên trong một cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng.

Phi đạn đạn đạo KN-08 đã được ra mắt trong một cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng hồi tháng Tư năm 2012, mặc dù các nhà phân tích không đồng ý với nhau liệu đây có phải là một mô hình thử nghiệm, hay là một phi đạn thực. Trong tháng 12 năm ấy, miền Bắc đã phóng một vệ tinh vào quỹ đạo trên một giàn phóng nhiều tầng.

Ông Ralph Cossa, người đứng đầu của tổ chức nghiên cứu và tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở ở Hawaii- nói rằng nếu bản tin này chính xác, thì đây là một diễn biến nghiêm trọng.

"Nếu Bắc Triều Tiên phát triển một tên lửa cơ động, có thể tăng khả năng tấn công của họ, tăng khả năng tồn tại của lực lượng hạt nhân của họ, thì tôi nghĩ rằng đó là điều mà chúng ta phải coi là nghiêm trọng."

Tuy nhiên, ông Cossa tin rằng còn lâu Bắc Triều Tiên mới có được một phi đạn liên lục địa tầm xa với một đầu đạn hạt nhân có thể hoạt động.

Tại Ngũ Giác Đài, trụ sở của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, Tư Lệnh Lực lượng Thái Bình Dương của Hải quân Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear, cho biết là đang có tranh luận rộng rãi trong cộng đồng tình báo Mỹ về khả năng Bắc Triều Tiên có thể vũ khí hóa tên lửa tầm xa. Đô đốc Locklear nói:

"Là một chỉ huy quân sự, tôi phải lập kế hoạch cho tình huống tồi tệ nhất. Tôi phải có kế hoạch để ứng phó với thứ nhất, những gì Bắc Triều Tiên nói họ có, và nói rằng họ đã có, những gì họ cho thấy họ có thể có khi họ trưng bày cho chúng ta. Từ những dấu hiệu ấy, chúng ta phải cho thấy rằng chúng ta đang trong tư thế thích nghi để bảo vệ không những lãnh thổ Hoa Kỳ, bao gồm tất cả các vùng lãnh thổ của chúng ta và bang Hawaii, nơi tôi đang có mặt, mà còn chứng tỏ chúng ta có khả năng cung cấp sự phòng vệ và an ninh cho các đồng minh của chúng ta và các đối tác chính của chúng ta trong khu vực".

Người Hàn Quốc theo dõi truyền hình về một vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên. Đô đốc Mỹ Locklear bày tỏ quan ngại rằng cộng đồng quốc tế đang trở nên vô cảm trước mức độ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên.
Người Hàn Quốc theo dõi truyền hình về một vụ phóng phi đạn của Bắc Triều Tiên. Đô đốc Mỹ Locklear bày tỏ quan ngại rằng cộng đồng quốc tế đang trở nên vô cảm trước mức độ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên.

Ông Locklear nói ông tin rằng Bắc Triều Tiên tiếp tục đạt tiến bộ về cả khả năng hạt nhân và tên lửa của họ và rằng họ tiếp tục muốn đạt làm việc đó.

Đô đốc Locklear cũng bày tỏ quan ngại rằng cộng đồng quốc tế đang trở nên vô cảm trước mức độ thử nghiệm của Bắc Triều Tiên.

"Mối quan tâm lâu dài về Bắc Triều Tiên là, mỗi khi họ làm điều gì đó mà cộng đồng quốc tế nói họ không nên làm, nhất là khi có liên quan đến công nghệ phi đạn hay công nghệ hạt nhân, thì chúng ta phải coi đây là một bước tiến về công nghệ. Nếu không thì có lẽ họ sẽ không làm việc đó. Mối quan tâm của tôi là nó sẽ trở thành, như quý vị thấy, dường như ta trở nên gần như vô cảm với chuyện đó, và ta bắt đầu tự nhủ, chuyện đó chẳng có gì là quan trọng. Họ đã phóng thêm một phi đạn hồi tuần trước. "Nhưng, nhìn về lâu về dài, đối với Bắc Triều Tiên, chúng ta phải tiếp tục yêu cầu họ phải phi hạt nhân hóa, đòi họ chấm dứt chương trình phi đạn của họ trong tình trạng hiện nay. Liệu Bắc Triều Tiên có làm điều đó hay không thì tôi không biết."

Đô đốc Locklear cũng bày tỏ lo ngại về mối quan hệ căng thẳng giữa các đồng minh Nam Triều Tiên và Nhật Bản bắt nguồn từ quá khứ quân phiệt của Tokyo và cuộc chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trong nửa đầu của thế kỷ 20:

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dùng ống nhòm quan sát trận địa với các tướng lãnh.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un dùng ống nhòm quan sát trận địa với các tướng lãnh.

"Các vấn đề chính trị giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản, và cách đối phó của chính phủ và nhân dân hai nước có thể ảnh hưởng đến khả năng của chúng ta trong việc tiến hành việc giao lưu hợp tác quân sự đáng tin cậy với nhau. Điều rất quan trọng là Nhật Bản và Nam Triều Tiên phải nhận ra rằng họ có nhiều lợi ích an ninh chung và có thể hưởng lợi qua hợp tác song phương và ba bên giữa các lực lượng quân đội với nhau. Hai nước đều có một mối quan tâm chung, mối quan tâm rất lớn chung liên quan tới Bắc Triều Tiên, và chúng tôi khuyến khích họ hợp tác với nhau để khắc phục những khó khăn chính trị hầu chúng ta có thể làm việc để cung cấp một môi trường an ninh tốt hơn trong khu vực này. "

Ông cho biết hiện nay cả Nam Triều Tiên và Nhật Bản đều không có khả năng chia sẻ đầy đủ thông tin trong các lĩnh vực như phòng thủ phi đạn vì các hạn chế có tính chất chính trị còn tồn tại. Ông nói tình trạng đó làm giảm an ninh của cả hai nước.

Ông Brad Glosserman thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương thấy không có mấy cơ hội để cải thiện quan hệ song phương:

"Đó là một cuộc hành trình rất chông gai. Ý tôi muốn nói tại thời điểm này, sự thiếu ý chí chính trị ở cấp cao nhất của lãnh đạo Nam Triều Tiên và Nhật Bản là rất đáng kể. Chúng ta thấy có sự chán nản ở Nhật Bản, một cảm giác rằng Nam Triều Tiên quan tâm nhiều hơn và tập trung vào quá khứ, hơn là nghĩ về những gì Nhật Bản đã làm và có thể làm trong tương lai. Chúng ta thấy một không khí chính trị ở Nam Triều Tiên cho rằng người Nhật là một đối tác không đáng tin cậy.”

Ông Glosserman nói điều không may là lập luận mị dân ở Nam Triều Tiên về vị thế phòng thủ tập thể do Nhật Bản công bố hôm 1 tháng 7 đã được thổi phồng. Ông nói mức độ Nhật Bản có khả năng tham gia các sứ mạng gìn giữ hòa bình và hỗ trợ các đồng minh trong khu vực, kể cả Hoa Kỳ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, là được thổi phồng quá đáng, và trên thực tế có thể cải thiện môi trường an ninh khu vực.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG