Đường dẫn truy cập

Bắc Kinh quyết thi hành công lý sau vụ IS hành quyết con tin TQ


Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác nhận rằng ông Phàn Kinh Huy đã bị nhóm IS 'sát hại một cách tàn bạo'.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi xác nhận rằng ông Phàn Kinh Huy đã bị nhóm IS 'sát hại một cách tàn bạo'.

Trung Quốc lên án việc nhóm Nhà nước Hồi giáo hành quyết một công dân Trung Quốc và cam kết sẽ đưa những kẻ thực hiện hành vi đó ra trước công lý. Tuy nhiên, các chuyên gia nói cái chết bi thảm của ông Phàn Kinh Huy, con tin đầu tiên được biết của Trung Quốc bị nhóm này giết, sẽ không làm thay đổi toàn bộ đường lối của Bắc Kinh đối với vụ xung đột đang tiếp diễn ở Syria.

Cùng lúc đó, Trung Quốc đã nhân những vụ tấn công có phối hợp ở Paris và cái chết của ông Phàn để nêu bật sự cần thiết của điều mà họ gọi là một phản ứng quốc tế có phối hợp hơn đối với nạn khủng bố.

Phát biểu với các phóng viên bên lề cuộc họp của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương ở Manila hôm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân và lên án điều ông gọi là “hành động dã man của tổ chức cực đoan giết hại một công dân Trung Quốc,” theo một thông cáo được đọc trên đài truyền hình nhà nước.

Thông cáo nói: “Khủng bố là kẻ thù chung của nhân loại. Trung Quốc quyết liệt chống đối mọi hình thức khủng bố.”

Trong tuần này, Nhà nước Hồi giáo nhận đã giết ông Phàn, một cựu quản trị viên tiếp thị và tham vấn tự do, cùng với một con tin người Na Uy, nhưng không cho biết chi tiết về thời điểm và cách thức họ bị giết.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết đã xác nhận rằng ông Phàn bị nhóm này “sát hại một cách tàn bạo.” Chính phủ Trung Quốc cũng nói họ đã tiến hành điều họ gọi là các biện pháp khẩn cấp để giải cứu ông, nhưng đã không ngăn được cái chết của ông.

Thông cáo không nói những biện pháp nào Trung Quốc đã tiến hành để tìm cách giải thoát cho ông Phàn.

Ông Raffaello Pantucci, giám đốc về Nghiên cứu An ninh Quốc tế tại Viện Dịch Vụ Thống nhất Hoàng gia ở London, nói cũng giống như nhiều chính phủ khác làm để đáp lại những sự cố như thế, chính phủ Trung Quốc tìm cách chứng tỏ là họ sẽ làm tất cả mọi thứ trong quyền hạn của mình để truy lùng những kẻ này và bọn chúng sẽ không trốn tránh được mãi mãi. Ông nói thêm là trên thực tế, điều đó rất khó khăn.

Ông Pantucci cho biết: “Tôi không thể nào thấy Trung Quốc quyết định vào lúc này là điều lực lượng của họ bằng một cách nào đó ở ngoài nước. Đó là điều họ đã cưỡng lại cho đến giờ này và khó lòng tưởng tượng được họ lại dùng một mục tiêu khó khăn như Nhà nước Hồi giáo để bắt đầu.”

Hợp tác quốc tế

Bắc Kinh lâu nay vẫn cổ võ một giải pháp chính trị cho cuộc nội chiến đang tiếp diễn ở Syria và truyền thông nhà nước Trung Quốc đã chỉ trích việc thay đổi chế độ như một giải pháp cho vấn đề. Song cùng lúc đó, trong các tuyên bố công cộng đáp lại vụ hành quyết ông Phàn và các vụ tấn công tuần trước ở Paris, Bắc Kinh cũng đã cho biết họ ngày càng bị lôi cuốn vào cuộc chiến toàn cầu như thế nào.

Phát biểu bên lề cuộc họp của APEC ở Manila hôm 19/11, ông Tập Cận Bình gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân và lên án điều ông gọi là “hành động dã man của tổ chức cực đoan giết hại công dân Trung Quốc.”
Phát biểu bên lề cuộc họp của APEC ở Manila hôm 19/11, ông Tập Cận Bình gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân và lên án điều ông gọi là “hành động dã man của tổ chức cực đoan giết hại công dân Trung Quốc.”

Ông Andrew Small, một giảng viên tại Quỹ George Marshall của Hoa Kỳ, nói: “ISIS thực sự là mối đe dọa khủng bố mới nghiêm trọng nhất mà Trung Quốc phài đối đầu, có thể từ nhiều chục năm nay. Họ rõ ràng lo ngại theo một cách rất khác và tôi cho rằng nó phản ánh trong các tuyên bố ở nơi công cộng và ở chỗ riêng tư từ phía rất nhiều người phụ trách chống khủng bố của họ.”

Sau những vụ tấn công ở Paris, Trung Quốc đã kêu quốc tế hợp tác thêm trong cuộc chiến chống khủng bố và cực đoan. Ngoại trưởng Vương Nghị cũng đã lên án phương Tây về những tiêu chuẩn song hành có liên quan đến khủng bố.

Đặc biệt, Bắc Kinh đang mưu tìm hậu thuẫn trong việc ứng phó với điều họ coi là một vấn đề ngày càng gay go là chủ nghĩa cực đoan trong vùng Tân Cương đầy biến động ở miền tây Trung Quốc.

Tân Cương là nơi sinh cư của nhóm thiểu số sắc tộc Uighur chủ yếu theo Hồi giáo. Khu vực rộng lớn đã chứng kiến con số ngày càng nhiều những vụ tấn công trong những năm vừa qua, mà đảng Cộng sản Trung Quốc quy cho là sự lan tràn của chủ thuyết cực đoan tôn giáo và Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan, một nhóm ly khai mà nhiều chuyên gia cho là không còn tồn tại nữa.

Những người Uighur sống lưu vong và các tổ chức nhân quyền nói bạo động là hậu quả của một phản ứng chống lại các biện pháp kiểm soát an ninh gay gắt của Trung Quốc cũng như một vụ đàn áp ngày càng tăng nhắm vào các tập tục văn hóa và tôn giáo, như cấm để râu và đeo mạng che mặt nơi công cộng và cấm nhịn ăn trong tháng Ramadan.

Bằng chứng đầy đủ

Nhà nước Hồi giáo đưa hình ảnh hai con tin mặc quần áo màu vàng và bên dưới các bức ảnh là hàng chữ “Bán Tù nhân Na Uy” và “Bán Tù nhân Trung Quốc”, tháng 9/2015.
Nhà nước Hồi giáo đưa hình ảnh hai con tin mặc quần áo màu vàng và bên dưới các bức ảnh là hàng chữ “Bán Tù nhân Na Uy” và “Bán Tù nhân Trung Quốc”, tháng 9/2015.

Trung Quốc tranh cãi về việc mô tả và những khẳng định cho rằng họ đã cung cấp cho các nước tây phương thông tin đầy đủ về những vụ tấn công khủng bố vào lãnh thổ của họ. Nhưng Trung Quốc kiểm duyệt gắt gao những tin tức của giới truyền thông về bạo động trong những khu vực của người Uighur, gây khó khăn cho việc xác định điều gì đã xảy ra trong những vụ khủng bố,

Một phần lý do của sự kiện này là nhà cầm quyền nói họ không muốn dung dưỡng căng thẳng sắc tộc trong khu vực, đã chứng kiến những vụ xung đột gây chết chóc hồi năm 2009 giữa khối người Hán tộc đa số và cư dân thiểu số Uighur.

Trong những trường hợp khác, đó là vì những vấn đề có thể liên quan đến việc làm sai trái của các quan chức. Ông Pantucci nói:

“Ta không bao giờ biết rõ được đang đối phó với cái gì. Ta không bao giờ biết được liệu ta có được toàn bộ câu chuyện tù phía họ, và liệu ta có được một sự đánh giá trung thực những gì đã xảy ra và vì thế rất khó mà giao tiếp.”

Và điều đó khiến cho các chính phủ nước ngoái khó mà lường được cách thức hợp tác.

Ông Pantucci nói tiếp: “Không có ai ở phương Tây ngồi yên mà nói rằng Trung Quốc không có vấn đề về khủng bố. Nỗi lo sợ là ta thường không hiểu được hay hình dung đầy đủ được câu chuyện.”

Theo ông, có sự khác biệt giữa các cá nhân căm phẫn nhà nước bởi vì những cảnh báo liên tục trước những vấn đề như phải cạo râu và một mạng lưới khủng bố đã tấn công một nhà ga xe lửa.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG