Đường dẫn truy cập

38 năm sau ngày 30 tháng 4


Cộng đồng người Việt tại Houston tổ chức kỷ niệm Ngày 30 tháng Tư.
Cộng đồng người Việt tại Houston tổ chức kỷ niệm Ngày 30 tháng Tư.
Đối với người Việt Nam, 30 Tháng Tư là một ngày có lẽ không bao giờ quên được. Với những người yêu chuộng tự do, dù ở trong nước hay hải ngoại, Tháng Tư 1975 vẫn được nhắc đến là "Tháng Tư Đen". Trong khi nhà nước Cộng Sản coi ngày 30 tháng Tư là "ngày mừng chiến thắng" thì những người yêu chuộng tự do lại coi đây là "Ngày Quốc Hận". Houston là một nơi có nhiều người Việt tị nạn Cộng sản tại Hoa Kỳ và năm nào người Việt cũng tổ chức kỷ niệm Ngày 30 tháng Tư rất trọng thể.

Tối ngày 28 tháng Tư năm nay, nhiều người Việt đến tham dự "Ngày Quốc Hận' trong khu Tượng Đài Chiến Sĩ vùng Tây Nam thành phố. Hiện diện trong buổi lễ, còn có các vị dân cử Việt Mỹ như dân biểu tiểu bang Hubert Võ, dân biểu liên bang Al Green, người đại diện cho vùng Houston.

Trong dịp này, dân biểu Hulbert Võ ca ngợi sự kiên trì tranh đấu cho tự do của người Việt hải ngoại:

“Người dân Việt Nam của chúng ta còn phải chịu sự kiềm chế của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, và thưa quí đồng hương, trong 38 năm sự tranh đấu của người Việt chúng ta trên toàn thế giới vẫn không ngừng nghỉ, Chúng ta mặc dù tuổi đời đã cao nhưng mà sự tranh đấu vẫn hăng say…”

Còn dân biểu Al Green nói rằng ông sẽ tiếp tục tranh đấu cho ước nguyện của cộng đồng người Việt tại Houston, là vận động cho các quyền tự do căn bản của con người tại Việt Nam:

"Chúng ta sẽ không ngồi yên cho đến khi nào có tự do phát biểu, tự do tôn giáo và tự do được thể hiện chính mình và chúng ta sẽ vận động cùng với dân chúng Việt Nam. Tôi sẽ tiếp tục làm những gì tôi có thể làm được để chứng tỏ rằng tôi ủng hộ nguyện vọng của người Việt Nam ở thành phố Houston, Texas."

Đối với nhiều người Việt, 30 tháng Tư , còn là ngày cúng giỗ cha anh đã bỏ mình trong cuộc chiến hoặc người thân mất tích trên đường tìm tự do. Với nhiều người khác, dù đã 38 năm qua, ngày này nhắc nhở sự thất vọng đau buồn, vì nhà nước Việt Nam đã mang hận thù giết chết niềm hy vọng của họ vào một nền hòa bình thống nhất đất nước.

Một người tham dự buổi lễ tưởng niệm là Bà Bùi Ngọc Dung chia sẻ nỗi thất vọng của bà sau ngày đất nước thống nhất:

“Sau 30 Tháng Tư thì lại có lo lắng khác, có những người thì lại, kẻ mất người yêu, mất chồng, mất con, rồi lại đi, bảo là đi học tập 10 ngày gì đó, chuẩn bị cơm gạo đi 10 ngày không ngờ đi biền biệt, có người đi mười mấy năm.”

Bà chia sẻ thêm về lý do bà tham dự buổi tưởng niệm "Ngày Quốc Hận":

“Ở đây mình được tự do, mình có thể nói gì mình muốn nói, nhưng mình nghĩ tới những người ở bên quê nhà, nhất là nghe anh Việt Khang, chỉ vì làm 2 bài hát để cho những người trẻ thấy được tâm trạng của anh mà bây giờ coi như là biền biệt không biết ở đâu nữa. Nghĩ tới những người đó thì thực sự mà nói cũng có những cái rất đau lòng. Nhưng mà mình biết làm gì hơn! ”

Ông Tân là một vi cao niên vừa được thân nhân bảo lãnh qua định cự tại Houston mới hơn một năm nay. Ông chia sẻ ước nguyện của những người dân trong nước đang muốn thay đổi nhưng không dám công khai nói ra ước vọng của mình:

"Dân nhu cầu (thay đổi) dữ lắm, không được mà thôi, Dân khi mô họ cũng nói chùng thôi, nói với nhau thôi, chớ không dám nói ra ngoài. Nhưng họ biết độc tài rồi, độc đảng là độc tài đó thôi. Trên là quyền hạn của hắn, dưới là mình. Hắn độc tài một đảng thôi, mình là chịu chết thôi,… Người dân họ cầu lắm, cầu thay đổi cho rồi chứ sau này khổ lắm, con em mình khổ nữa."

Ông chia sẻ thêm về sự lo ngại của ông trước tương lai nô lệ Bắc phương:

“Cái lớp tui hết rồi, trâu già cạm đất thôi, làm gì thì làm thôi, Chứ còn lớp con mình, lớp cháu mình, nô lệ lắm, Trung cộng qua nữa, nó qua nước Việt Nam mình, vây hết, từ Bắc vô Nam, anh có thấy tỉnh Bình Dương không, tỉnh Bình Dương đó, bây giờ treo cờ nó lên hết, cái gì cũng nó hết đó.”

Một đồng hương khác là ông Vương Đại thì cho rằng 38 năm qua nhà nước chưa làm gì cho người dân:

“Thật sự là chánh quyền cộng sản chưa làm gì được hết, chỉ có một ít thành phần kêu là chính quyền cao cấp là hưởng lợi thôi, còn dân chúng ngày càng nghèo đói”

Ông cũng nói thêm rằng, việc sửa đổi Hiến Pháp rất cần thiết cho sự sống còn của dân tộc:

“Chứ còn nếu mà giữ điều 4 thì tôi thấy càng ngày càng lệ thuộc Trung Cộng”

Trong khi đó, cô Vân Khanh thì ước ao mọi người Việt hải ngoại đoàn kết để xây dựng lại quê hương khi thể chế thay đổi:

“Cứ hàng năm tới ngày này tôi thấy xúc động, tôi mong muốn làm sao cho người Viêt hải ngoại thuận hòa lại với nhau để cùng đi về xây dựng lại quê hương của mình.”

Ông Nguyễn Văn Tuấn một cựu phi công của VNCH thì cho rằng, sau 38 năm CS cai trị, sự phát triển ngoài mặt của Việt Nam, chỉ là sự hào nhoáng không thật mà thôi:

“Phồn vinh giả tạo. Tôi có thể kết luận như thế, lý do là những thành phố xem chừng như có phát triển nhưng bước ra khỏi thành phố, những thành phố lớn chúng ta sẽ thấy nhan nhản, coi như đầy khắp đồng bào ta đói nghèo khổ, tiền không có mua ăn chứ đừng nói chi là thuốc, trẻ em không có trường để học….”

Với những người Việt hải ngoại, mỗi năm đến ngày 30 Tháng Tư là dịp cho những kỷ niệm đau thương trở về. 38 năm trôi qua, có lẽ hận thù không còn nhưng niềm thất vọng dường như ngày càng sâu xa hơn. Họ luôn hướng về quê mẹ mong mỏi có một sự thay đổi để tự do và nhân quyền được thực thi. Trong khi đó tại quê nhà, tất cả những lời kêu gọi cho một sự đổi mới về Tự Do, Nhân Quyền, Đa Nguyên, Đa Đảng cũng như sự bình đẳng trong xã hội đều bị coi là do những 'thế lực thù nghịch', hay những 'suy thoái chính trị' cần được 'xử lý', mặc dù người lên tiếng là những người trẻ sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi của xã hội chủ nghĩa. Viễn ảnh quê hương Việt Nam sẽ không còn nữa mà trở thành một tỉnh lỵ của Trung Quốc, ngày một gần kề. Tình trạng này đang làm mọi người đau xót cho thế hệ mai sau.

Dù không phải là một nhà chính trị nhưng lời tâm sự của bà Ngọc Dung có lẽ phản ánh một tâm tình thiết tha cho tổ quốc Việt Nam của con dân đất Việt:

“Tôi cũng tin tưởng và hy vọng một ngày không xa thì Việt Nam mình sẽ thay đổi. Nhưng mà cái trước mắt mình thì tôi phải nói tôi rất là lo sợ. Một ngày nào đó mình trở về Việt Nam thì thấy Việt Nam mình không còn là Việt Nam nữa mà mình vấn bím nói tiếng Tầu, thì không biết như thế nào. Tôi sợ một ngày nào đó không biết mình còn quê hương để về hay không, coi như thế hệ mình thì có thể mình sẽ chết ở đây nhưng mà không biết con cháu mình sau này nó còn biết nó là người Việt Nam nữa hay không!”

VOA Express

XS
SM
MD
LG