Hôm nay là ngày 4 tháng Sáu, đánh dấu 30 năm kỷ niệm biến cố Thiên An Môn. Hàng trăm ngàn người, và có lúc lên đến cả triệu, thuộc đủ mọi khuynh hướng khác nhau, biểu tình nguyên tháng Năm cho đến ngày 3 tháng Sáu 1989 để yêu cầu tự do hóa chính trị. Họ đòi hỏi dân chủ, mặc dầu phần lớn phong trào sinh viên lúc đó cũng không thật sự hiểu dân chủ là gì. Giáo sư Perry Link, một trong các chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc, cho rằng lúc đó dân chủ đối với hàng triệu người biểu tình này đơn giản chỉ là không bị chính quyền kiềm hãm như trước đến nay nữa (get off my back).
Nhưng sau thời kỳ thương lượng với sinh viên, Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản Trung Quốc họp với nhau, giữa hai phe bảo thủ và cấp tiến, và họ đã tham khảo ý kiến Đặng Tiểu Bình để đi đến quyết định cuối cùng đối phó với biến sự này. Họ Đặng đã quyết định dùng vũ lực. Ông ra lệnh giải toán biểu tình trong vòng 24 tiếng kể từ đêm 3 tháng Sáu nhưng không muốn đổ máu. Lệnh này nghe thật mâu thuẫn, nhưng cấp quân đội muốn thực hiện thành công thì không còn cách nào khác là đàn áp thẳng tay, kể cả dùng xe tăng và bắn đạn thật vào người dân. Số người chết cho đến hôm nay không ai biết rõ con số chính thức. Theo BBC thì ước đoán khoảng 10 ngàn người bị giết theo tài liệu mới nhất của Anh quốc.
Điều đáng nói ở đây là ngày hôm sau, mặc dầu đoàn biểu tình bị đàn áp và giải tán gần như hoàn toàn, tinh thần đấu tranh vẫn bất diệt. Hình ảnh một sinh viên Trung Quốc hiên ngang đứng chặng đoàn xe tăng tại ngay quảng trường Thiên An Môn ngày 5 tháng Sáu 1989 trở thành biểu tượng hùng hồn nhất cho sự bất khuất trước bạo lực.
Hơn hai tuần sau, theo giáo sư Andrew J. Nathan, một trong các chuyên gia Trung Quốc từng xuất bản tài liệu về biến cố Thiên An Môn trước đây với giáo sư Perry Link, cho biết ngày 19 đến 21 tháng Sáu năm 1989, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức cuộc họp mở rộng, bao gồm các lãnh đạo lão thành nhưng vẫn còn ảnh hưởng trong đảng. Các thảo luận và phát biểu này đã bàn về biến cố Thiên An Môn và làm sao rút ra được các bài học quan trọng để không những tránh để lập lại một sự kiện tương tự trong tương lai, mà còn để hướng dẫn giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc trong thời gian tới. Những thảo luận này không chỉ điều hướng Giang Trạch Dân và Hồ Cầm Đào mà còn cho Tập Cận Bình cũng như các thế hệ kế tiếp. Không mấy ai biết chi tiết bí mật về các phát biểu mật này cho đến thời gian gần đây. Nhà xuất bản tại Hồng Kông có tên New Century Press đã tiết lộ các tài liệu mật này, giúp làm sáng tỏ những gì đã xảy ra sau biến cố Thiên An Môn. Ba bài học cho các lãnh đạo Trung Quốc là: một, ĐCSTQ đã bị bao vây trường kỳ từ kẻ thù trong nước thông đồng với kẻ thù bên ngoài (thù trong giặc ngoài); hai, cải tổ kinh tế phải đứng ưu tiên đàng sau sự kỹ luật về ý thức hệ và sự kiểm soát xã hội; ba, đảng sẽ phải gục ngã trước kẻ thù nếu để cho nội bộ mình chia rẽ. Nathan cho biết các phát biểu này cho chúng ta nhìn thấy rõ các tính toán đàng sau một văn hóa chính trị độc tài qua hành động của họ, và hiểu được như thế thì sẽ không ngạc nhiên với những hình thức kiểm soát vô cùng phức tạp và xâm phạm đến các thế lực đấu tranh cho dân chủ hóa.
Như tôi đã từng trình bày trước đây, giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc hoàn toàn không đếm xỉa gì, và không có tư duy nào, về các quyền tự do căn bản của người dân, bởi văn hóa chính trị của họ không hề đề cao tự do chính trị cho cá nhân. Mọi thứ được nguỵ trang dưới chiêu bài tập thể, để rồi một hay vài nhân vật nắm trong tay mọi quyền quyết định quan trọng nhất, kể cả quyền sinh sát bất cứ ai.
Một số các phát biểu từ phía bảo thủ này, còn gọi là phe diều hâu, là cực kỳ giáo điều và nhàm chán, chẳng dựa vào dữ kiện khoa học nào ngoài trừ sự bày tỏ lòng trung thành mù quáng với quyết định đàn áp thẳng tay phong trào sinh viên bằng bạo lực của Đặng Tiểu Bình và quan điểm của Thủ tướng phe bảo thủ Lý Bằng. Phần lớn đều bắt đầu phát biểu như một hình thức tuyên thệ sự trung thành của họ “Tôi hoàn toàn đồng ý với” hay “Tôi hoàn toàn ủng hộ” v.v… Nathan cũng nhận định rằng thật ra Triệu Tử Dương, tuy cấp tiến nhất trong đảng và phần lớn là người thi hành các chính sách đổi mới và cải tổ của Đặng Tiểu Bình, và ủng hộ phong trào sinh viên tại Thiên An Môn lúc đó, nhưng ông không bao giờ kêu gọi đa đảng, trước cũng như sau khi bị quản thúc. Họ Triệu chỉ kêu gọi đảng nên tin tưởng người dân, cho nên để giới truyền thông phản ảnh sự thật (hoặc ít ra nhiều hơn chút), thảo luận với sinh viên và các nhà phê bình khác, giảm bớt sự xiết chặt về xã hội dân sự, để cho các tòa án độc lập hơn, và để cho các nhà lập pháp độc lập hơn. Họ Triệu tin rằng làm như thế sẽ giúp cho đảng có chính nghĩa/đáng hơn, giúp cho độc đảng đứng vững hơn. Nhưng Đặng Tiểu Bình đã đứng về phe diều hâu, là ngày hôm nay tuy làm cho đảng mạnh hơn về bề mặt hơn bao giờ hết kể từ thời Mao Trạch Đông, nhưng cũng rất dễ bể, mỏng manh.
Giáo sư Perry Link cũng có viết bài mới nhất về biến cố 4 tháng Sáu cách đây vài hôm. Ông đưa ra nhiều biện luận về lý do tại sao chúng ta nhớ về ngày này: những ánh sáng rực của lửa trên lưỡi lê; bản chất đích thực của ĐCSTQ; của những sự tồi tệ nhất xảy ra tại đó, và những điều tốt nhất thể hiện từ những con người khao khát thay đổi; nhớ, bởi vì nó là một cuộc tàn sát, không chỉ là đàn áp hay biến sự; chúng ta nhớ vì nó làm cho chúng ta trở thành những con người tốt hơn, bởi vì quyền lợi, theo nghĩa vật chất, được lãnh đạo ca tụng suốt ngày, trong khi quan tâm về mặt đạo đức, tinh thần cũng quan trọng không kém. Thật ra nó còn quan trọng hơn vật chất nhiều. Chúng ta nhớ ngày 4 tháng Sáu vì chính quyền Trung Quốc muốn chúng ta quên. Trên hết, giáo sư Link cho rằng chúng ta nhớ, vì những cú sốc trong đời đối với đầu óc con người sẽ tồn tại rất lâu (như điều tôi từng viết trên blog này).
100 năm về trước, người dân Trung Quốc đã căm phẫn vì quyết định của Hoa Kỳ thay vì trả tỉnh Shandong trước đó bị Đức đô hộ lại cho chủ quyền của Trung Quốc thì lại giao cho Nhật, gây lên làn sáng căm phẫn, dẫn đến Phong trào Ngũ Tứ, từ đó đưa đến sự hình thành ĐCSTQ hai năm sau. Chế độ này sẽ vẫn tiếp tục khai thác tinh thần dân tộc của họ bằng mọi hệ thống tuyên truyền cùng với sự bưng bít và bạo lực bằng mọi cách để đề cao tính chính nghĩa của họ, duy trì trật tự xã hội và trên hết để tiếp tục cầm quyền. Biến cố Thiên An Môn cách đây 30 năm đã là đề tài bị cấm kỵ hoàn toàn ở trong nước. Giới trẻ lớn lên mù mờ về biến cố này. Và chủ nghĩa dân tộc sẽ bị kích động trở lại để người Trung Quốc đứng về phía Tập Cận Bình và lãnh đạo chính trị của họ. Các mong muốn thay đổi chính trị trong nội bộ Trung Quốc sẽ càng khó khăn và thách thức hơn nhất là khi đối diện với các “mối đe dọa” từ bên ngoài, như cuộc thương chiến hiện nay, khi chế độ cầm quyền tìm mọi cách khai thác nó. Sẽ còn quá sớm để biết kết quả sau cùng ra sao. Rất có thể yếu tố quyết định sau cùng sẽ là ai kiên nhẫn hơn ai để chịu đựng các thất thiệt trước mặt cho mục tiêu đường dài.
Phạm Phú Khải
(Úc Châu, 04/06/2019)