Nguyễn Văn Thuyết, 59 tuổi, được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) chứng nhận tỵ nạn ngày 28 Tháng 9, 2020.
Nhưng hành trình đến với danh tánh tị nạn này đã đưa ông trải qua nhiều quốc gia, hai cuộc chạy nạn vượt biên - đường biển và đường bộ, vô số trại tù, và 32 năm đi tìm tự do. Đó là chưa nói, trong nhiều năm trời, ông Thuyết sống sợ hãi trong thân phận “không quốc gia” (Stateless Vietnamese) tại Thái Lan.
Được hít thở không khí tự do là trúng số độc đắc
Gia đình ông Thuyết gồm vợ và ba con trai đến Canada hôm thứ Tư, 18 Tháng 8, 2021, sau 32 năm đi tìm tự do của ông.
“Cảm giác như là một người trúng số độc đắc!” ông Thuyết thổ lộ khi VOA Tiếng Việt hỏi ông về cảm xúc khi được đặt chân đến Canada.
“Vì 3000 người tại Thái Lan chỉ có một mình gia đình mình đi được,” ông Thuyết giải thích.
Con số 3000 người gốc Việt không quốc gia sống bất hợp pháp tại Thái Lan rất khó chứng thực vì họ sống bất hợp pháp, không có giấy tờ chứng minh. Nếu có giấy tờ chứng minh cư ngụ bất hợp pháp, họ sẽ bị bắt. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn.
"Người Việt tị nạn tại Thái Lan khoảng 1600 đến 2000 người, nhưng không quá 2000 người," Grace Bui, người Mỹ gốc Việt sống ở Thái Lan hơn 7 năm để giúp những người gốc Việt tỵ nạn ở Thái Lan, nói với VOA Tiếng Việt.
Những người không quốc gia – stateless - sống dưới luật của một nước nhưng không được công nhận bởi bất cứ quốc gia nào trên thế giới, theo định nghĩa của UNHCR. Người tỵ nạn cũng nằm trong số người “không quốc gia.”
Nguyễn Văn Thuyết và gia đình làm phụ hồ và sống vật vờ bất hợp pháp tại tỉnh Nonthaburi, Thái Lan, như những người không quốc gia từ năm 2012.
Theo lời ông Thuyết, ông trải qua hơn chín năm (2000-2009) bị di chuyển và hành hạ trong sáu trại tù tại Việt Nam vì tội chống chế độ. Trong đó có trại tù Thanh Phong (Thanh Hóa), Vĩnh Quang (Tam Đảo, Vĩnh Phúc), và Ngọc Lý (Bắc Giang).
Sau đó, ông trốn từ biên giới phía Bắc xuống miền Nam, qua Cambodia rồi đến Thái Lan, vì bị công an Việt Nam truy nã với tội khích động dân chúng trong vụ án công an đánh chết người năm 2010. Nạn nhân trong vụ đó là Nguyễn Văn Khương, 21 tuổi, con trai của một sĩ quan quân đội Việt Nam về hưu ở tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, vụ án dân sự này không phải là lý do ông Thuyết được Cao Ủy Tỵ Nạn thừa nhận là người tị nạn.
Tìm kiếm tự do từ năm 1989
Trước khi là thuyền nhân vượt biển tìm tự do, ông Nguyễn Văn Thuyết là bộ đội, từng tham gia cuộc chiến biên giới chống Trung Quốc năm 1980.
Sau ba năm đi bộ đội, ông bị tù bốn năm với tội viết thư phản ảnh “bất công” của quân đội về việc một người bạn thân của ông bị chết trong khi thi hành nhiệm vụ xây dựng nhưng không được tuyên xưng “liệt sĩ” để được đền bù xứng đáng.
Ý thức được chế độ cầm quyền của nhà nước Cộng Sản Việt Nam, năm 1989, ông Thuyết vượt biên bằng đường biển đến Hong Kong với hy vọng được sang tị nạn tại một nước thứ ba. Nhưng ông trượt phỏng vấn, bị cưỡng bách hồi hương năm 1994.
Trong 5 năm sống vất vưởng tại trại Whitehead, Hong Kong, ông tham gia vào nhóm Bút Việt Tỵ Nạn và viết bài cho báo Việt Nam Hải Ngoại do ông Tường Thắng (đài SBTN hiện giờ) làm chủ bút. Những bài thơ, văn của ông Thuyết nói lên những điều xảy ra và nhiều cảnh ông chứng kiến trong trại cấm Whitehead.
Ông Tường Thắng xác nhận với VOA Tiếng Việt rằng ông có gặp ông Thuyết lần đầu tiên tại Hong Kong, có nhận bài viết của ông Thuyết và đăng trên Việt Nam Hải Ngoại. Nhưng khi ông Thuyết bị cưỡng bức hồi hương năm 1994, ông Tường Thắng mất liên lạc, mãi cho đến năm 2012, khi ông Thuyết tới Thái Lan.
Ông Thuyết cho VOA Tiếng Việt biết, khi bị cưỡng bước hồi hương cùng nhiều người khác, ông giấu theo một bảng Tuyên Ngôn Nhân Quyền, do một tổ chức ở hải ngoại viết, về Việt Nam và bắt đầu rải truyền đơn tại các trường đại học ở Việt Nam. Ông cũng cho biết trong số 144 người bị cưỡng bách hồi hương, ông là người duy nhất bị bắt lúc về Việt Nam để thẩm vấn. Nhưng vì can thiệp của Cao Uỷ Tỵ Nạn, ông được thả sau thời gian ngắn.
Bắt đầu năm 1992, ông Thuyết hoạt động cùng nhóm Tập Hợp các Lực Lượng Dân Chủ và Nhân Quyền, nhưng sau này ông cũng không liên lạc được với thành viên trong nhóm, theo lời ông kể.
Năm 1995 ông lập gia đình và năm 1996, vợ chồng ông có con trai đầu lòng.
Không bao lâu sau, ông bị bắt tại một phòng trọ gần biên giới phía Bắc Việt Nam với các bài viết, thơ và tập thơ do ông sáng tác cùng truyền đơn Tuyên Ngôn Nhân Quyền kia. Ông Thuyết bị kết án 9 năm tù với tội danh chống chế độ. Vẫn theo lời kể của ông Thuyết.
Tiếng nói của những người tị nạn và tổ chức giúp người tị nạn
VOICE (Vietnamese Overseas Initiative for Conscience Empowerment) Canada là tổ chức bất vụ lợi giúp ông Nguyễn Văn Thuyết tìm người bảo trợ và làm thủ tục giấy tờ để đưa gia đình ông sang Canada theo diện bão lãnh tư nhân của nhóm 5 người. Nghĩa là phải có 5 người là công dân hoặc cư dân lâu năm có điều kiện tại Canada đứng ra bảo lãnh gia đình ông Thuyết.
Theo ông Đỗ Kỳ Anh, chủ tịch VOICE Canada, “điều kiện là gia đình đó phải có quy chế tị nạn từ Liên Hiệp Quốc, phải được Bộ Di Trú Canada phỏng vấn và được Bộ Di Trú Canada chấp nhận vào Canada.”
Theo thông tin trên trang mạng của Bộ Di Trú Canada, để được bảo lãnh theo diện tư nhân, quy chế tị nạn phải có trước khi nhóm 5 người bảo lãnh có thể bắt đầu làm giấy tờ, và họ cũng phải chứng minh có mức tài chánh tối thiểu để hội đủ điều kiện làm người bảo lãnh.
Trường hợp của gia đình ông Thuyết, nhóm bảo lãnh năm người phải có trách nhiệm giúp gia đình ông Thuyết trong năm đầu tiên tại Canada về tài chánh là $32,300 đô la Canada để trả tiền nhà, nhu cầu cần thiết như ga điện nước, thức ăn, và các nhu cầu thiết yếu khác như giao thông, y tế, sức khỏe, tìm việc làm…
Đó là chưa kể chi phí như vé máy bay, lệ phí làm giấy tờ hành chánh, đơn xin tị nạn, việc đi lại của thiện nguyện viên gặp gỡ giới chức trách có thẩm quyền để tham khảo luật di trú, và các chi phí khác.
Hồi tháng 10, 2019, trên CBC (Canadian Broadcasting Corportation) có bài điều tra về tổ chức VOICE vì có cáo buộc VOICE có thể vi phạm những điều luật di trú của Canada. Bài báo của CBC cho biết có ít nhất 5 người tị nạn từ Thái Lan đang sống tại Canada nhận sự trợ giúp của VOICE mà có vẻ không phải là những người mà chính phủ Canada muốn giúp. Tiêu biểu là ông Võ Văn Dũng, giám đốc công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch Saigon Red ở Sài Gòn. Khi VOA Tiếng Việt hỏi ông Kỳ Anh về điều này, ông nói, “Đối với chúng tôi, đó là những lời vu khống. Những người qua đây [Canada] với bất cứ diện gì thì những người đó, [ai] có khả năng gì để quyết định cho ai được đi vào đi ra, đó là quyết định của Bộ Di Trú Canada. Những người đó phải nộp đơn lên, phải được Bộ Di Trú Canada phỏng vấn và chấp nhận, phải được Bộ Di Trú Canada cho visa vào Canada, thì chúng tôi mới đón ở phi trường được. Cho nên đó là những vu khống đầy ác ý, thất thiệt. Nếu ai nói ở Canada ai đó muốn qua mặt Bộ Di Trú Canada thì điều đó rất là hoang tưởng. Thành ra trong tương lai VOICE Canada sẽ tiếp tục làm những gì VOICE Canada đang làm.”
Con chỉ ước mơ được đi biển
Dù đã được hít thở không khí tự do, nhưng cũng là lúc biến thể Delta đang lan tràn khắp nơi, gia đình ông Nguyễn Văn Thuyết phải thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định của chính phủ Canada.
“Mình sẽ làm việc để xứng đáng và để mọi người nhìn vào và thấy tổ chức VOICE đã đưa một gia đình xứng đáng vào đất nước này để họ tiếp tục đưa những gia đình khác đến bến bờ tự do. Tương lai Thuyết chỉ biết chấp hành tốt các luật lệ của đất nước sở tại thôi. Chứ cũng không biết nói gì hơn,” ông Thuyết nói khi VOA Tiếng Việt hỏi ông và gia đình có dự định gì cho tương lai hay không.
“Riêng hai đứa bé (11 tuổi và 7 tuổi) thì nó có biết gì đâu. Nó bảo, ‘Bố ơi cho con đi tắm biển.” Ước mơ của nó gần gần vì nó chưa biết biển là gì hết,” ông Thuyết “tiết lộ” với VOA Tiếng Việt.