Đường dẫn truy cập

Ba lực đẩy chính sách đối ngoại của ông Trump


Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump.

Chiến dịch tranh cử và những tuyên bố của ông Trump trên trang Twitter về các vấn đề thế giới đã khiến ông được gán cho những cái nhãn khác nhau: nào là ông là một người chủ trương can thiệp vào các vấn đề quốc tế, cô lập hoá nước Mỹ, một người theo chủ nghĩa đơn phương, và một con người thực tiễn. Giữa lúc ông Trump đang chuẩn bị làm lễ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20 tháng Một, thông tín viên Masood Farivar của VOA phân tích 3 lực đẩy đối với chính sách đối ngoại của ông Trump.

Đối với một nhân vật mới bước vào lĩnh vực chính sách đối ngoại, Tổng thống tân cử Donald Trump đã có rất nhiều điều để nói về các vấn đề thế giới trong chiến dịch vận động tranh cử.

Ông đả kích các nước thành viên NATO là đã không làm phần mình và đóng góp tài chánh một cách công bằng cho quốc phòng. Ông tỏ ý muốn hâm nóng các quan hệ với Nga, ông cảnh cáo Trung Quốc và còn cam kết bằng cả những lời nguyền thô tục, sẽ đánh bom nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Nhưng cũng như hai vị Tổng thống tiền nhiệm của ông đã nhận ra khi họ vào Toà Bạch Ốc, ông Trump rồi cũng sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề khác nhau hơn là những điều mà ông đã đề cập tới trong chiến dịch tranh cử, theo ông Blaise Misztal thuộc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ở thủ đô Washington:

“Thế giới không nhất thiết sẽ cho phép Tổng thống Trump làm tất cả những gì mà ông ta dự tính làm.”

Theo ông Misztal, thì thay vào đó chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ xuất hiện như một sự hội tụ của 3 nhân tố, là các sự kiện quốc tế bất ngờ, các chính sách ông đã phác hoạ trong chiến dịch tranh cử và những lời cố vấn của đội ngũ an ninh quốc gia của ông.

Để hướng dẫn chính sách đối ngoại của ông, ông Trump đã đề cử Giám đốc Điều hành của ExxonMobil, ông Rex Tillerson, ra nắm chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao, và Tướng 4 sao James Mattis vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Trump phát biểu:

“Chúng tôi đang trong tiến trình thành lập một trong những nội các vĩ đại, chắc chắn là một nội các có chỉ số thông minh cao nhất.”

Giới chỉ trích quan ngại về việc ông Trump thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại. Ông Brian Katulis thuộc Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ, nhận định:

“Về chính sách đối ngoại, ông Trump không thể hiện bất cứ kinh nghiệm nào, ông không có thành tích nào khả dĩ có thể trấn an bất cứ một ai về khả năng của ông có thể ứng phó với môi trường toàn cầu phức tạp của ngày nay.”

Nhưng các cố vấn của ông Trump nói óc phán xét và năng lực của Tổng thống Trump quan trọng hơn nhiều so với kinh nghiệm về chính sách đối ngoại ghi trong bảng thành tích cá nhân của ông. Ông James Carafano thuộc Hội Heritage có chủ trương bảo thủ là người cố vấn về chính sách đối ngoại cho nhóm chuyển tiếp quyền lực của ông Trump, nhận định:

“Ông Trump hầu như không có bất cứ thành tích nào về các vấn đề an ninh quốc gia. Điều đó không có nghĩa là ông không thể trở thành một vị tổng thống tài ba, mà điều đó chỉ có nghĩa là không có một bối cảnh để đánh giá khả năng đó của ông.”

Nhưng có một bối cảnh để đánh giá khả năng của ông Trump: đó là thành tích của ông trong kinh doanh và xu hướng của ông, coi tất cả mọi việc từ các quan hệ với Trung Quốc và Nga, cho tới thoả thuận hạt nhân với Iran, đều được ông coi như những cơ hội để thương lượng.

Ông Blaise Misztal thuộc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng:

“Đó là nghệ thuật thương lượng để đạt thoả thuận. Tôi tin rằng rất nhiều điều mà ông nói chỉ là vị thế của ông để thương lượng. Tôi tin rằng dưới con mắt của ông Trump, những sự liên lạc với các lãnh đạo nước ngoài là một phần của cuộc thương lượng.”

Nhưng chính sách đối ngoại không phải là một thoả thuận hay hợp đồng kinh doanh. Và các quyết định của một tổng thống cũng thế, bởi vì các quyết định này thường đi kèm với những hậu quả ảnh hưởng tới sự sống và sự chết, và đôi khi ảnh hưởng tới chiến tranh và hoà bình.

VOA Express

XS
SM
MD
LG