Ngoại trưởng Ba Lan Grzegorz Schetyna nói Châu Âu cần một kế hoạch đoàn kết để giải quyết cuộc khủng hoảng di dân đang tiếp diễn chứ không phải một kế hoạch áp đặt hạn ngạch bắt buộc từng nước phải nhận bao nhiêu di dân.
Trong bài bình luận đăng tải hôm nay trên nhật báo Chính trị Châu Âu (Politico Europe), ông Schetyna nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của Liên hiệp Châu Âu là phong tỏa các đường biên giới, và rằng EU nên lập các trung tâm tiếp nhận người tị nạn để xác định ai là người tị nạn ai là di dân kinh tế.
Ông Schetyna viết ‘Chúng ta không thể để cho cuộc khủng hoảng di dân chia rẽ và gây thù nghịch trong EU.’ ‘Đó là lý do vì sao chúng ta nhìn thách thức trước mặt không ở khía cạnh hạn ngạch bắt buộc , vốn giờ đây có lẽ đã lỗi thời và không còn hiệu quả, mà là ở khía cạnh đoàn kết.’
Ông nói Ba Lan không phản đối việc nhận người tị nạn, nhưng đề xuất cho rằng các nước EU phải phân chia 120.000 người tị nạn sẽ không hoàn toàn giải quyết được vấn đề.
Ngoại trưởng Ba Lan đề nghị ‘Thay vào đó, chúng ta nên nhảy vào hành động với một kế hoạch rộng lớn giải quyết nguyên nhân của cuộc di cư cũng như các triệu chứng. Và chúng ta cần phải cân bằng giữa việc giúp những người cần được giúp và bảo đảm an ninh cho công dân của mình nữa.’
Hôm qua, ông Schetyna nói với báo giới rằng các nước như Thụy Điển, Đức và Áo đã có kinh nghiệm trong việc tiếp nhận di dân trong khi các nước khác trong EU thì chưa.
Ngoại trưởng Ba Lan hôm nay họp tại Prague với những người đồng nhiệm từ Cộng hòa Czech, Slovakia và Hungary, cùng Ngoại trưởng Luxembourg, đương kim chủ tịch của EU. Bộ trưởng nội vụ các nước EU sẽ gặp nhau vào thứ ba, theo sau là một thượng đỉnh EU đặc biệt vào thứ tư để thảo luận các kế hoạch của Châu Âu giải quyết cuộc khủng hoảng.
Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết hơn 470.000 người đã đến Châu Âu trong năm nay, gần 40% trong số này là từ Syria. Dòng người tị nạn ồ ạt khiến các quốc gia Châu Âu chật vật tìm cách ứng phó.
Hôm qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói Washington sẽ tăng số lượng visa cho người tị nạn từ con số hiện nay là 70 ngàn người/năm lên thành 85.000 người vào năm 2016 và 100.000 người vào năm 2017.
Phát biểu tại Berlin, ông Kerry gọi quyết định của chính quyền Obama là ‘bước phù hợp với truyền thống tốt đẹp của nước Mỹ là một vùng đất cơ hội thứ hai và là một ngọn hải đăng của hy vọng.’
Ông cũng cho biết chính phủ sẽ tìm cách để đẩy mức giới hạn visa cho người tị nạn lên trên mức 100.000 trong những năm tới.