Đường dẫn truy cập

Ba kịch bản ‘nóng’ của bang giao Việt – Mỹ vào tuần tới, tháng tới


Các bỉnh bút quốc tế đặt câu hỏi: Liệu chuyến đi của Blinken có mang lại việc “nâng cấp chiến lược” cho quan hệ giữa Hoa Kỳ với một Việt Nam thân thiện với Trung Quốc?
Các bỉnh bút quốc tế đặt câu hỏi: Liệu chuyến đi của Blinken có mang lại việc “nâng cấp chiến lược” cho quan hệ giữa Hoa Kỳ với một Việt Nam thân thiện với Trung Quốc?

Ông Joe Biden thăm Việt Nam vào tháng 5 này hoặc ông Nguyễn Phú Trọng sang Mỹ tháng 7 tới? Hay là một kịch bản thứ ba: Sẽ chẳng có chuyến thăm nào cả? Ai là người tối hậu quyết định? Ấy là ĐCSTQ, nhân tố không xa lạ – kẻ chuyên “thọc gậy bánh xe” trong những thời khắc then chốt...

Phạm Bá Bình

Blinken mang thông điệp gì sang Hà Nội?

Hôm 11/4 vừa qua, báo “Chính phủ điện tử” của Việt Nam đã được phép “chạy” tít lớn: “Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sắp thăm Việt Nam”. Theo đó, trong chuyến công du lần này, Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Hà Nội để thúc đẩy các cuộc thảo luận quan trọng với Việt Nam nhân dịp hai nước kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện. Dự kiến trong các cuộc gặp với các quan chức cấp cao của Việt Nam, ông Blinken sẽ trao đổi về tầm nhìn chung về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương kết nối, thịnh vượng, hòa bình và tự cường. Bản tin khá ngắn ngủi về nội dung này kết luận: Sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Ngoại trưởng Blinken sẽ tới Karuizawa, Nhật Bản để tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G7 và thảo luận với những người đồng cấp về phương hướng cho một loạt vấn đề toàn cầu, bao gồm xung đột Nga – Ukraine, giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân, an ninh lương thực, an ninh năng lượng và thúc đẩy tầm nhìn tích cực về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP). Nên nhớ, các từ khóa về “tầm nhìn Indo-Pacific”, về FOIP là húy kỵ trong từ điển ngoại giao của Hà Nội cho tới những ngày gần đây.

Bản tin trên kênh chính thống này khiến độc giả liên tưởng tới một phóng sự dài hơi khác của tờ “Tuổi Trẻ”: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận lời mời thăm Mỹ từ Tổng thống Joe Biden”. Nhưng khác với bản tin trên báo Chính phủ, phóng sự này của “Tuổi trẻ” không chỉ dài mà còn chi tiết, đề cập đến nhiều vấn đề cả vĩ mô lẫn vi mô của quan hệ song phương.

Điều lạ lùng là trong cuộc điện đàm tối 29/3 ấy (giờ Hà Nội), thật ra ông Biden chưa đưa ra lời mời chính thức đối với ông Trọng vào một thời điểm cụ thể nào cả. Hai bên chỉ “nhắc lại lời mời thăm cấp cao lẫn nhau” mà thôi. Hai nhà lãnh đạo được nói là đã “giao các cơ quan liên quan thu xếp thời gian thích hợp”. Nghĩa là động thái “cầm đèn chạy trước ô tô” của tờ “Tuổi Trẻ” cũng như của hàng trăm tờ báo “lề phải” của Việt Nam dịp ấy dường như được “lệnh” từ một cơ quan tối cao nào đấy. Và đây cũng là một hành vi truyền thông hiếm hoi ở trong nước, vốn thường rất thận trọng đối với các cuộc viếng thăm cấp Nguyên thủ quốc gia. Trong những trường hợp ấy, chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao mới có quyền ra tuyên bố.

Từ ngày ông Trọng và ông Biden điện đàm cho đến khi tin về Ngoại trưởng Blinken sẽ có mặt ở Việt Nam từ 14 đến 16 tháng này, nhiều biến sự đã liên tiếp xảy ra trong bang giao Việt – Mỹ. Một dấu hiệu khá tích cực cho không khí mùa hè này so với mùa hè năm ngoái, là mặc dầu trước chuyến thăm Hà Nội của Ngoại trưởng Mỹ, Việt Nam vẫn đón Phó Thủ tướng Nga, nhưng Washington đã không cancel (hủy bỏ) chuyến thăm của ông Blinken như năm ngoái họ đã làm.

Trước khi đáp chuyên cơ sang Hà Nội lần này, Ngoại trưởng Blinken đã tháp tùng Tổng thống Biden thăm Anh và Ireland. Giới phân tích không biết chắc chắn nhưng phỏng đoán, Ngoại trưởng Blinken phải có một thông điệp gì đấy rất quan trọng từ Tổng thống, nên từ Ireland ông Blinken bay thẳng sang Hà Nội. Ngoại trưởng Blinken chưa sang đến nơi mà tin đã rò rỉ cho truyền thông quốc tế, là ông sẽ được Tổng bí thư Trọng và Thủ tướng Chính tiếp đón, ngoài cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Sơn, tất nhiên!

Sự phân biệt tế nhị về khánh tiết

Nên nhớ hồi tháng 8/2021, Phó Tổng thống Kamala Harris là quốc khách có hạng mà TBT Nguyễn Phú Trọng vẫn không dành thời gian tiếp bà, trong khi Thủ tướng Singapore đón, hội đàm, cùng họp báo với yếu nhân số hai này của Nhà Trắng. Nhưng lần này mọi chuyện có vẻ khác năm xưa! Các bỉnh bút quốc tế đặt câu hỏi: Liệu chuyến đi của Blinken có mang lại việc “nâng cấp chiến lược” cho quan hệ giữa Hoa Kỳ với một Việt Nam thân thiện với Trung Quốc? Chuyến đi của Blinken là một phần trong nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm “nâng cấp quan hệ ngoại giao” với Việt Nam, vốn bị do dự trong “quá trình nâng cấp”. Nguyên nhân do dự được cho là những quan ngại của Hà Nội, sợ sẽ bị Bắc Kinh phật ý. Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ lần này có thể đặt nền móng cho chuyến thăm chính thức của Tổng thống Joe Biden. Không ngẫu nhiên, “từ bên thứ ba”, dồn dập một loạt các tín hiệu: Tờ “Thời báo hoàn cầu”, một phiên bản từ nhật báo của ĐCSTQ, ngày 9/4 vừa nhắc nhở Việt Nam: Chuyến thăm Việt Nam của Blinken “sẽ không ảnh hưởng đến chiến lược tổng thể của Hà Nội do những lo ngại cố hữu và cơ cấu”. Nếu có nâng cấp thì chỉ nên hợp tác về kinh tế, khoa học và công nghệ, cần tránh về Biển Đông, vì dễ rơi vào ‘cạm bẫy” của đối đầu.

Chưa hết, trong điện đàm giữa tân Thủ tướng Lý Cường (Ngày 4/4) và tân Ngoại trưởng Tần Cương (28/3) với Thủ tướng Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn, các bên cùng nhắc lại về “tình hữu nghị truyền thống ‘vừa là đồng chí, vừa là anh em’ do Hồ Chủ tịch và Mao Chủ tịch đích thân gây dựng và dày công vun đắp” như sợ ông Chính và ông Sơn quên cam kết của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước XHCN có chung vận mệnh. Những động thái liên tiếp này của Bắc Kinh càng khiến dư luận cho rằng, thông điệp của Ngoại trưởng Blinken lần này phải có gì đấy khác thường. Chuyện ông Blinken sẽ dự Lễ động thổ xây tòa Đại sứ quan Hoa Kỳ ở Quận Cầu Giấy sắp tới cũng có ý nghĩa, giống như Phó Tổng thống Harris từng chứng kiến lễ ký thỏa thuận cho thuê đất xây trụ sở Đại sứ quán tại Hà Nội ngày 25/8/2021. Nhưng biến sự này chưa đủ mạnh để ông Tổng bí thư Việt Nam cho truyền thông tiết lộ trước là sẽ nghênh tiếp ông Ngoại trưởng Hoa Kỳ.

“Chọn một dòng hay để nước trôi?”

Phải chăng, giờ là lúc các nhà cầm quyền cao nhất của Việt Nam buộc phải quyết, không thể “bâng khuâng đứng giữa đôi dòng nước…” mãi nữa! Kinh tế TP Hồ Chí Minh quý I chỉ tăng trưởng 0,7%. Hàng loạt các thành phố trực thuộc trung ương không khá hơn bao nhiêu. Trong khi đó, 50 doanh nghiệp khủng của Mỹ vừa đến Việt Nam cùng bàn với chủ nhà “dọn ổ” như thế nào để giữ chân các “đại bàng”? Cả Giáo sư Carl Thayer lẫn ông Lê Đăng Doanh, Cố vấn cao cấp cho nhiều đời Tổng bí thư và Thủ tướng trước đây đều cho rằng, tình thế đã đến lúc hai nước nên chính thức nâng cấp quan hệ từ Đối tác toàn diện lên Đối tác chiến lược. Việc nâng cấp quan hệ sẽ “có lợi” về mọi mặt, nhất là về kinh tế và sẽ giúp “nâng cao vị thế của Việt Nam” trong lĩnh vực an ninh toàn cầu. Các bình luận không loại trừ khả năng chuyến thăm của ông Trọng tới Mỹ vào tháng 7 tới đây cũng đang được cân nhắc. Các nguồn tin ngoại giao xác nhận rằng có các kế hoạch đang được tiến hành để lãnh đạo Việt Nam thăm Washington. Nguyễn Tiến Lập, một luật sư ở Hà Nội, người chính thức là Giám đốc điều hành của công ty tư vấn kinh doanh quốc tế đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, cho biết mối quan hệ chặt chẽ hơn sẽ giúp “tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị” giữa Washington và Hà Nội.

Mặc dù bất kỳ sự nâng cấp quan hệ đối tác nào, dù lên “chiến lược” hay lên “chiến lược toàn diện” giữa Mỹ và Việt Nam đều khó có thể được công bố cho đến khi Tổng thống Joe Biden và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp nhau trực tiếp. Nhưng một Tuyên bố chung hay một Thông cáo báo chí (nếu có) khi kết thúc chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken có thể sẽ tiết lộ manh mối quan trọng về hướng đi của mối quan hệ song phương trong những tuần, những tháng tới đây. Vẫn có một luồng hy vọng khá mạnh mẽ trong giới quan sát, rằng, tháng 5 tới đây, Tổng thống Biden sẽ bay sang Hiroshima (Nhật Bản) tham dự Hội nghị G7. Thông điệp của ông gửi cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, qua Ngoại trưởng Blinken, nếu được đón nhận tích cực, biết đâu Tổng thống sẽ quyết định ghé qua Hà Nội để làm nên một chuyến công du lịch sử!

Cho đến nay, mọi chuyện vẫn chưa có gì là chắc chắn. Một động thái đóng cửa trên biên giới Trung – Việt, giống như vài năm gần đây – khiến hàng triệu hộ kinh doanh Việt Nam điêu đứng – không có gì loại trừ là sẽ không tái lập. Cũng như ít ai ngờ, sau khi tặng TBT Nguyễn Phú Trọng cái Huân chương mang đầy những đầu lâu người, Trung Quốc vẫn không ngừng quấy rối các hoạt động thăm dò khí đốt của Việt Nam. Một tàu khảo sát nặng 2.600 tấn của Trung Quốc đã lai vãng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ ngày 9/3/2023 cho đến ngày 25/3/2023. Cho nên ai dám chắc, ông Biden thăm Việt Nam tháng 5 hoặc ông Trọng sang Mỹ tháng 7 tới? Hay là một kịch bản thứ ba: Sẽ chẳng có chuyến thăm nào? Ai là người quyết định tối hậu? Ấy là ĐCSTQ, nếu Trung Quốc gây căng thẳng trong thời khắc then chốt đối với vận mệnh khốn khó của ĐCSVN đang vật vã với những thách thức cả về nội trị lẫn ngoại giao, thì mọi chuyện lại có thể “về lại điểm không”.

Diễn đàn

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

VOA Express

XS
SM
MD
LG