Đường dẫn truy cập

Bịnh sởi (Ban đỏ, measles, rougeole)


Thưa Bác sĩ,

Vài tháng trở lại đây, bệnh sởi (measles) bột phát tại nhiều cộng đồng ở các bang Washington, British Columbia (Canada), New York sau hơn một thập niên Bắc Mỹ tuyên bố đã “đẩy lui” được bệnh này.

Xin Bác sĩ nói điểm qua những nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh sởi tái bột phát này, và cho các lời khuyên, chỉ dẫn cách phòng ngừa, chữa trị.

Cảm ơn Bác sĩ.

Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:

Bịnh sởi
please wait

No media source currently available

0:00 0:36:22 0:00
Tải xuống

Tất cả các nhận xét ở đây đều chỉ có tính cách thông tin. Mỗi người cần tham khảo và theo dõi với bác sĩ của mình. Các thông tin và khuyến cáo bàn ở đây đều có thể thay đổi theo thời gian, theo địa phương.

Bịnh sởi là một bịnh đường hô hấp do một virus (siêu vi) gây ra. Virus sởi mọc trong các tế bào họng và phổi. Ở vùng New York, Mỹ, từ mùa thu 2018 xảy ra một outbreak bịnh sởi chừng 200 người tuổi từ 6-59 tuổi, may mắn không có ai chết. Nguồn virus sởi được đem về Mỹ do du khách từ Châu Âu và Do Thái. Virus lan truyền trong học sinh các trường Yeshiva của người Do Thái Chính Thống, do một số người hoặc chích ngừa không đầy đủ, hoặc cố tình không cho phép con cái chích ngừa MMR II. Bắt đầu vào cuối tháng 1-2019, ở Vancouver đã xảy ra một outbreak sởi với 70 người mắc bịnh do 3 du khách người lớn đem virus bịnh từ Philippines (genotype B3). Đáng để ý là trong thập kỷ vừa qua, số người Philippines được chích ngừa sởi càng lúc càng giảm, và ước chừng 2.5 triệu trẻ em dưới 5 tuổi chưa được chủng ngừa sởi. Năm 2018 có trên 18 ngàn cas, gấp 8 lần năm trước. Chỉ trong 39 ngày đầu năm có trên 4300 ca sởi, gây ra 70 người chết.

Sau đó ba trẻ em Canada ở độ tuổi đi học bị nhiễm sởi khi đi du lịch ở Việt Nam đã trở về Vancouver (genotype D8). Chúng đã có triệu chứng ngay trước khi đi về hoặc sau khi mới về, và dẫn đến việc truyền sang 5 học sinh khác. Thêm 5 trường hợp đã được xác định trong số những trường hợp phơi nhiễm tại các cơ sở y tế hoặc hộ gia đình.

Những người chống đối thuốc chủng ngừa, gọi là "anti vaxxers", sợ những biến chứng như bịnh tự kỷ (autism), sau một công bố của BS Andrew Wakefield trên tập san y khoa lừng danh Lancet (United Kingdom, 1998), mặc dù sau do các khảo cứu đáng tin cậy đã chứng minh nhiều lần là MMR II không gây các biến chứng trên, Bs Wakefield bị rút bằng hành nghề, và bài báo trên tờ Lancet bị rút xuống.

Các tin tức sai lạc về MMR II vẫn được “anti vaxxers” phát tán trên internet (Facebook, Youtube) và Facebook đang tìm những biện pháp loại bỏ các tin "vịt" (hoaxes) này.

Triệu chứng:

Nóng, sổ mũi, đỏ mắt, ho, nổi ban lên khắp cơ thể. Một trong 10 bịnh nhân bị viêm tai có thể gây điếc, một trong 20 người bị viêm phổi. 1/1000 bịnh nhân bị viêm não (encephalitis), có thể làm bịnh nhân co giật (seizures), điếc (hearing loss), và trì trệ tâm trí (mental retardation). Tử vong chừng 1-3 cas/1000 bịnh nhân. Một số bịnh nhân bị tiêu chảy. Phụ nữ có thai có thể sẩy thai, sinh non, hoặc sinh em bé cân nặng thấp hơn bình thường (low birth weight).

Trẻ em ở các nước đang phát triển có thể bị suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A, bịnh có thể nguy hiểm hơn nhiều. Tử vong có thể xảy ra cho 1/4 bịnh nhân, và ở các nước châu Phi ban đỏ là nguyên nhân số một gây bịnh mù. Năm 2017, toàn thế giới có 110.000 người chết vì ban đỏ (theo WHO).

Phân biệt với một số “ban” tương tự như:

1) Roseola infantum; do herpesvirus 6. Trẻ em (6 tháng- 2 tuổi) bị nóng đột ngột, nhiệt độ lên cao (40oC hay 104oF), có thể làm co giật do sốt (febrile seizure), vài ba ngày sau đó nổi lên mẩn đỏ ngoài da, ở thân mình lan ra tay chân, không ở trên mặt và làm đỏ mắt như bịnh sởi. Sau đó thì bịnh nhân hết sốt. Thường bịnh nhẹ, không có biến chứng, tuy có thể làm lo lắng vì em bé sốt cao, và phụ huynh người Việt thì sợ “ban ra không hết".

2) Rubella hay German Measles, hay Three-Day Measles ("ban người Đức"), bịnh nhân sốt nhẹ 2-3 ngày, ban từ mặt lan xuống mình mẩy, có thể sưng các hạch lâm ba (lymph nodes), có thể đau nhức khớp xương nhất là ở phụ nữ. 50% bịnh nhân bị nhiễm mà không có triệu chứng.Tầm quan trọng ở bịnh rubella là do tác dụng của nó trên phụ nữ có thai. Nếu bị nhiễm virus trong quý đầu tiên, có cơ nguy thai bất bình thường (fetal malformation) trong 20% trường hợp. Thai nhi có thể bị bịnh tim, bịnh điếc, bịnh gan, lá lách và bịnh tâm trí trì trệ.

Truyền nhiễm: Ban đỏ hay sởi rất truyền nhiễm, lây lan dễ dàng. Người không miễn nhiễm với bịnh ban đỏ (chưa từng bịnh, chưa chủng ngừa), nếu tiếp xúc với nước miếng, do người bịnh hắt hơi, ho, hay chạm tay vào nước miếng của người bịnh rồi cho tay vào miệng, mũi người bị phơi nhiễm sẽ bị bịnh trong 90% trường hợp.

Nước miếng chứa siêu vi (virus) , siêu vi sẽ còn sống trong đó được 2 tiếng đồng hồ. Nơi bịnh nhân sinh hoạt, hay ngồi chờ đợi (ví dụ trong bịnh viện, phòng khám bác sĩ) được coi như có khả năng nhiễm siêu vi cho người đến dùng phòng đó trong vòng 2 giờ kể từ khi khi người bịnh đã đi khỏi.

Người mang bịnh bắt đầu có khả năng truyền bịnh 4 ngày trước khi ra ban, cho đến 4 ngày sau khi ra ban.

Bịnh chỉ nhiễm trùng ở người, không lây qua cũng như không bị truyền qua từ thú vật.

Mỹ đã loại được bịnh ban đỏ từ năm 2000. Tuy nhiên, mỗi năm có chừng 60 trường hợp ban đỏ ở Mỹ, phần lớn do những người từ châu Âu đem qua, vì người Mỹ du lịch châu Âu nhiều hơn trước, và bịnh lây qua những người không được chủng ngừa. Cũng vì cha mẹ nghi ngờ thuốc chủng MMR, châu Âu nhất là Ukraine, Pháp, Ý, Greece, Russia có tỷ lệ bịnh sởi cao nhất. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2018, có trên 40 ngàn cas sởi và nhiều người chết ở châu Âu. Nếu đi du lịch châu Âu như Pháp, cần kiểm tra mình chủng ngừa bịnh sởi có đầy đủ không.

Theo CDC năm 2014, Mỹ có đến 667 ca sởi, cao nhất từ 1995 đến giờ, nhất là ở California, phần lớn do bịnh từ Philippines đem qua. Sau khi giảm xuống trong 3 năm kế tiếp, năm 2018 lại tăng lên 372, và chỉ trong 2 tháng đầu 2019 đã có 206 cas. (Năm 2014, Philippines đã có trên 20.000 ca, cao hơn con số chính thức của Việt nam). Trước khi chế độ chích ngừa được áp dụng rộng rãi ở Mỹ (1963), 3-4 triệu người bị ban đỏ mỗi năm, 400-500 người chết và 48.000 người nhập viện.

Theo bộ trưởng Y tế VN , từ tháng 10/18 có 20.000 trường hợp sởi ở Việt Nam (3000 được thử nghiệm xác nhận) , và riêng TP HCM có 2000 trường hợp trong 2 tháng đầu 2019.

Định bịnh:

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh CDC của Hoa Kỳ, tiêu chuẩn lâm sàng định bịnh sởi là:

1) Ban toàn thân mình trên 3 ngày

2) Nhiệt độ trên 101F (hay 38.3C)

3) Ho, sổ mũi, hay viêm kết mạc ('đỏ mắt")

Kết quả thí nghiệm:

1) Ig M dương cho bịnh sởi (Detection of measles-specific IgM antibody in serum)

2) phát hiện được DNA siêu vi ban đỏ bằng PCR trong chất tiết lấy ở mũi họng. (Detection of measles RNA by real-time polymerase chain reaction (RT-PCR) in a nasopharyngeal swab).Có thể phát hiện trong nước tiểu nhưng khó hơn.

Trị bịnh:

  • Không có thuốc đặc trị (ví dụ kháng sinh chống siêu vi) bịnh ban đỏ. Kháng sinh chống virus Ribavirin có tác dụng trên virus trong phòng thí nghiệm. Trên lâm sàng, có thể truyền tĩnh mạch hay hơi bơm aerosol, được dùng trong những trường hợp thật nặng, chưa được FDA chấp thuận.
  • Dùng thuốc giảm nóng như acetaminophen nếu cần.
  • Nếu bịnh nhân thiếu vitamin A, có thể cho thêm vitamin A. Những trường hợp nặng, cần cho vào nhà thương để điều trị thích hợp.
  • Tổ chức Y tế quốc tế (WHO) hiện nay khuyến cáo dùng vitamin A để trị sởi như sau:

1) trẻ trên 12 tháng tuổi: 200.000 IU (hai trăm ngàn đơn vị quốc tế)/ngày

2) trẻ từ 6-11 tháng 100.000 IU (100.000 đơn vị quốc tế)/ngày

3) trẻ dưới 6 tháng: 50.000 IU (năm chục ngàn đơn vị)/ngày

Uống (hoặc chích) 2 (hai) ngày liên tiếp. Một liều thì không hiệu nghiệm.

Nếu trẻ có dấu hiệu thiếu vitamin A, nên cho một liều thứ ba (theo tuổi) 2-4 tuần sau đó.

  • Trong trường hợp bịnh nhân không miễn nhiễm (chưa bao giờ bị sởi, chưa chích ngừa, trẻ dưới 1 tuổi, phụ nữ có thai, người bị liệt kháng [đề kháng yếu; immunocompromised patients]), có thể thay đổi bịnh cho nhẹ hơn hoặc tránh bịnh khẩn cấp bằng cách , nội trong 6 ngày sau khi phơi nhiễm (tiếp xúc) với siêu vi bịnh sởi chích Immune globulin (IG) chuyên biệt (chích thịt)(liều 0.25ml/kg cân nặng) hoặc truyền tĩnh mạch IGIV (immune globulin intravenous, là những kháng thể giúp cho bịnh nhân phòng thủ tạm thời, rất đắt tiền).

Sau khi dùng IG, phải đợi 5-6 tháng sau mới chích chủng ngừa sởi như MMR được.

  • Trong ba (3) ngày (72h) sau khi bị phơi nhiễm, nếu người bịnh chưa chích ngừa sởi, chích ngừa lúc này cũng có thể tránh bịnh sởi phát ra (post exposure vaccination) .Bệnh nhân đang mang thai không được chích MMR, phải đợi đến sau khi sinh xong. Phụ nữ trước khi định có bầu cần kiểm tra xem mình chích ngừa MMR đủ 2 mũi hay chưa, hay thử máu xem mình có kháng thể sở che chở hay chưa. Nếu cần phải chích ngừa đầy đủ trước khi có thai.
  • Cần nghỉ ngơi.
  • Cho dùng máy phun hơi nước (nebulizer) có thể làm thở dễ chịu hơn, giảm ho.
  • Uống đầy đủ nước, ăn uống đầy đủ.
  • Mắt mệt và nhức nhối, cần tránh ánh sáng mạnh, nên cho mắt nghỉ ngơi, đừng nhìn màn hình chói, mỏi mắt, dễ làm khô mắt.
  • Những người không có miễn nhiễm cần tránh tiếp xúc với người bịnh. Nên nhớ nước miếng, nước dãi sau khi nằm ngoài không khí vẫn có thể gây bịnh trong 2 giờ sau đó.

Biến chứng (theo CDC, Mỹ)

  • Các biến chứng thường gặp do sởi bao gồm viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm thanh quản và tiêu chảy.
  • Ngay cả ở những đứa trẻ khỏe mạnh trước đây, bệnh sởi có thể gây ra bệnh nghiêm trọng cần phải nhập viện.
  • Cứ 1.000 trường hợp mắc sởi sẽ có một người bị viêm não cấp tính (acute encephalitis), thường dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn.
  • Một hoặc hai trong số 1.000 trẻ em bị nhiễm sởi sẽ chết vì các biến chứng về hô hấp và thần kinh.
  • Viêm xơ toàn não bán cấp (subacute sclerosing panencephalitis/SSPE) là một bệnh thoái hóa, hiếm gặp nhưng gây tử vong, của hệ thần kinh trung ương, đặc trưng bởi sự sa sút về hành vi và trí tuệ và các cơn động kinh thường phát triển từ 7 đến 10 năm sau khi nhiễm sởi.

Tình hình sởi (ban đỏ) bộc phát ở Việt nam

“Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, tính từ đầu tháng 1 đến ngày 10/2, toàn thành phố có 6.067 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 978 ca sởi và 386 ca tay chân miệng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, sốt xuất huyết đang trong giai đoạn cuối của mùa dịch 2018-2019, số ca mắc đang có xu hướng giảm hàng tuần, tuy nhiên vẫn cao hơn so với cùng kỳ 2018. Số ca sởi tăng trong bối cảnh dịch sởi đang tăng cao của cả nước và thế giới, đặc biệt đáng lưu ý, 95% bệnh nhân sởi đều chưa được tiêm phòng.”

Ngừa bịnh:

Ở Mỹ trẻ em được chích ngừa vaccine virus sống chống lại Ban đỏ (Measles), Quai bị (Mumps) và “Ban người Đức” (German Measles, Rubella) tên là MMR II. Thuốc MMRI phải được giữ trong nhiệt độ không quá nóng hay không quá lạnh, nếu không vi rút sống trong thuốc sẽ chết và sẽ hết hiệu nghiệm. Thuốc vaccine thứ 2 là Proquad, kết hợp MMR với Varivax là thuốc ngừa trái rạ hay thuỷ đậu (chicken pox).

Lần đầu lúc được 12 tháng (12-15 tháng). Chích trước 12 tháng tuổi thì bên Mỹ người ta bắt phải chích lại, vì người ta nghĩ kết quả không đủ tốt. Tôi nhận xét ở Việt Nam chích ngừa ban đỏ lúc trẻ chưa tới 12 tháng tuổi, có lẽ do những lý do riêng. Lúc đến Mỹ, các trẻ này sẽ phải chích lại. Đến lúc bé 4 tuổi, trước khi đi học, phải chích thêm một mũi MMR II nữa. Sinh viên vào đại học cũng phải chích MMR II mũi thứ 2, nếu trước đây chỉ chích có một mũi. Người nhập cư (trừ trường hợp phụ nữ có bầu) lúc làm thủ tục khám bịnh cũng phải chích MMR nếu chưa chích ngừa và không chứng minh mình đã miễn nhiễm (có đủ kháng thể trong máu). Vaccine hiệu nghiệm 93% sau một mũi, tăng lên 97% sau mũi thứ nhì.

Theo CDC:

Du khách quốc tế

Những người từ 6 tháng tuổi trở lên sẽ đi du lịch quốc tế nên được bảo vệ chống lại bệnh sởi. Trước khi đi du lịch quốc tế,

Trẻ sơ sinh từ 6 đến 11 tháng tuổi nên tiêm một liều vắc-xin MMR

Trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên nên có tài liệu về hai liều vắc-xin MMR (liều vắc-xin MMR đầu tiên nên được tiêm ở tuổi 12 tháng trở lên; liều thứ hai không sớm hơn 28 ngày sau liều đầu tiên)

Thanh thiếu niên và người lớn sinh ra trong hoặc sau năm 1957 mà không có bằng chứng về khả năng miễn dịch chống lại bệnh sởi nên có tài liệu về hai liều vắc-xin MMR, với liều thứ hai được tiêm không sớm hơn 28 ngày sau liều đầu tiên.

Phòng ngừa sau phơi nhiễm

Những người tiếp xúc với bệnh sởi không thể dễ dàng chứng minh rằng họ có bằng chứng về khả năng miễn dịch chống lại bệnh sởi nên được đề nghị điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (post exposure prophylaxis/PEP) hoặc loại trừ khỏi tập thể sinh hoạt chung (trường học, bệnh viện, chăm sóc trẻ em). Để có khả năng bảo vệ hoặc biến đổi tiến trình lâm sàng của bệnh nhân ở những người dễ mắc bệnh, cho tiêm vắc-xin MMR trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với bệnh sởi ban đầu, hoặc kháng thể immunoglobulin (IG) trong vòng 6 ngày sau khi tiếp xúc. Không chích vắc-xin MMR và IG cùng một lúc, vì như vậy IgG sẽ làm mất hiệu lực vắc-xin.

Trước đây, ở Mỹ và Châu Âu, có một số phong trào chống chích ngừa ban đỏ vì họ cho rằng MMR làm bịnh nhân bị chứng tự kỷ . Những cuộc khảo sát rộng rãi sau nhiều năm cho thấy điều nghi ngờ này vô căn cứ. Tuy nhiên, một số người ở Mỹ vẫn chống đối thuốc chủng MMR II và từ chối không cho con họ chủng ngừa MMR, cũng như một số thuốc chủng khác. Những người này có thể tự mãn cho rằng con họ không chích cũng không có bịnh gì cả và lại càng cho là họ đúng. Tuy nhiên, sự an toàn của chính họ là nhờ vào tác dụng của việc chủng ngừa của đại đa số người trong cộng đồng, tạo nên tác dụng gọi là "miễn nhiễm bầy đàn" (herd immunity) khi điều kiện miễn nhiễm của đa số thành viên một cộng đồng (>85-95% ) gây ra miễn nhiễm che chở cho toàn bộ cộng đồng đó. Nếu những người "phá đám" từ chối chủng ngừa đông đảo hơn , đến một mức nào đó, hiệu ứng ”miễn nhiễm bầy đàn" này sẽ bị phá vỡ, và các disease outbreak ("ổ bịnh") hay cơn dịch có thể xảy ra.

Cho nên, một hệ thống y khoa công cọng (public health) hữu hiệu để thực hiện chủng ngừa rộng rãi và sự cọng tác, tin tưởng của mọi thành viên trong xã hội rất cần thiết để thực hiện mức chủng ngừa phổ quát, càng rộng càng tốt, và hữu hiệu (nhắm vào nhóm tuổi thích hợp, bảo quản thuốc chích ngừa tốt, đúng cách).

Tham khảo:

1)Bệnh viện ở Sài Gòn quá tải vì người mắc sởi tăng gấp hàng chục lần

https://news.zing.vn/benh-vien-o-sai-gon-qua-tai-vi-nguoi-mac-soi-tang-gap-hang-chuc-lan-post908667.html

2)https://www.cdc.gov/measles/hcp/index.html

3)Measles Outbreak: 1 Student Got 21 Others Sick

https://www.nytimes.com/2019/03/07/opinion/yeshiva-measles-deblasio.html

4)Facebook says it will take action against anti-vaccine content. Here’s how it plans to do it.

https://www.washingtonpost.com/business/2019/03/07/facebook-says-it-will-take-action-against-anti-vax-content-heres-how-they-plan-do-it/?utm_term=.03751eabf4fe

5) Nguyen Van Tuan: Vaccine và bệnh tự kỉ: Bài học từ vụ Bs Wakefield

https://www.nguyenvantuan.info/single-post/2018/03/15/Vaccine-v%C3%A0-b%E1%BB%87nh-t%E1%BB%B1-k%E1%BB%89-B%C3%A0i-h%E1%BB%8Dc-t%E1%BB%AB-v%E1%BB%A5-Bs-Wakefield

6)Measles Outbreak Claims 70 Lives in the Philippines During 2019 https://www.precisionvaccinations.com/who-estimates-26-million-children-under-5-years-are-not-protected-measles-philippines

Bác sĩ Hồ Văn Hiền

Ngày 10 tháng 3 năm 2019

Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com

Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG