Vũ khí “chiến thuật” mới có ý nghĩa gì đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên? Cả hai chính phủ Hoa Kỳ và Hàn Quốc đều giảm nhẹ tầm quan trọng của việc thử nghiệm vũ khí, nhưng ông Adam Mount, một thành viên của Liên doàn các Nhà khoa học Mỹ không đồng ý.
Phát biểu với Reuters, ông Mount nói cuộc thử nghiệm có thể là một cảnh báo cho Washington.
“Họ đang tìm cách ra dấu cho thấy họ sẵn sàng rời bỏ các cuộc đàm phán và tái thử nghiệm vũ khí,” ông nói. “Đây là điều rõ ràng nhất trong một loạt các tuyên bố leo thang nhằm gởi ra thông điệp này.”
Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng việc thử nghiệm không làm chệch hướng những nỗ lực thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói “Chúng tôi vẫn tin tưởng là lời hứa của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim sẽ được thực hiện.”
Ông Daniel Pinkston, giảng viên về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Troy, cũng không tin là vụ thử nghiệm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đối với những cuộc đàm phán hiện tại và nói rằng đây là một ví dụ khác cho thấy “những mục tiêu của chính sách của Triều Tiên trên căn bản không thay đổi.”
Ông nói thêm “hệ thống đặc biệt này chỉ là một chỉ dấu khác về tầm quan trọng của sức mạnh từ quân sự tới quân sự tại Triều Tiên.”
Bộ Quốc phòng Hàn Quốc ngày 16/11 nói vụ thử nghiệm này không nên được xếp vào loại “khiêu khích.”
Thêm vào đó, một giới chức chính phủ Hàn Quốc ẩn danh nói với hãng tin Yonhap rằng dù vụ thử nghiệm nên được theo dõi một cách chặt chẽ, nhưng không có nghĩa là Triều Tiên muốn rời bỏ các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa.
Ông Seong Whun Cheon, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan ở Seoul nói ông quan ngại về sự đánh giá của Seoul đối với cuộc thử nghiệm mới đây, vì một vũ khí chiến thuật là một loại vũ khí tầm ngắn “có nghĩa là dù vũ khí này không phải là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, nhưng là mối đe dọa trực tiếp về an ninh của chúng ta.”
Bình Nhưỡng đã bố trí một số lượng lớn vũ khí qui ước các loại có thể bắn vào thủ đô Hàn Quốc. Sự kế cận của các loại vũ khí này và khả năng gây thiệt hại trầm trọng nếu Hàn Quốc muốn tấn công Triều Tiên, sẽ là một sự ngăn chặn đáng kể những hành động như vậy.
Ông Cheon nói thêm là nếu Bình Nhưỡng và Hoa Kỳ có thể đạt được một thỏa thuận cho phép Triều Tiên “tiếp tục mua phi đạn chiến thuật hay tầm trung, gồm có một số khả năng hạt nhân, thì đây là một cơn ác mộng tồi tệ nhất mà chúng ta có thể tưởng tượng được vào lúc này.”
Ông Pinkston nói cuộc thử nghiệm mới đây gởi “một tín hiệu đối với Triều Tiên là làm cách nào Triều Tiên chuẩn bị vững vàng và quyết tâm trong mối quan hệ với miền Nam…và với Hoa Kỳ cũng như các quốc gia khác trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.”
Cuối cùng ông Cheon nói, “chúng tôi không thấy có những thay đổi có ý nghĩa nào, hay có sự xét lại, trong chiến lược cổ điển của họ.”
Truyền thông nhà nước Triều Tiên ngày 16/11 loan tin lãnh tụ Kim Jong Un thanh sát một vụ thử nghiệm vũ khí công nghệ cao mới được chế tạo. Chuyến đi thăm của ông Kim và việc loan báo diễn ra vào lúc những cuộc đàm phán với Hoa Kỳ về việc phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng bị đình trệ dù Washington nói một cuộc họp thượng đỉnh thứ hai giữa ông Kim và Tổng thống Donald Trump dự trù sẽ được tổ chức vào đầu năm 2019.
Thông tấn xã KCNA của Triều Tiên không xác định loại vũ khí nào mà chỉ đưa lên hình ảnh ông Kim đứng trên bờ biển chung quanh là các giới chức mặc quân phục. Không có vũ khí nào trong những bức ảnh này.