Bị cướp biển tấn công trong cuộc đào thoát khỏi sự đàn áp của chính quyền sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc, Anh Đỗ và gia đình đã được một tàu thương mại của Đức cứu thoát và đưa tới một trại tị nạn ở Malaysia.
Những người chú bác của anh đã sát cánh, chiến đấu bên các binh sĩ Australia trong cuộc xung đột, khiến gia đình anh rõ ràng trở thành mục tiêu bị trả thù.
Cuối cùng họ được phép tái định cư ở Australia. Anh Đỗ lúc đó mới 2 tuổi khi gia đình anh bắt đầu một cuộc sống mới vào năm 1980.
Câu chuyện đó được thuật lại trong cuốn hồi ký ‘Người tị nạn hạnh phúc nhất’ và đã được vinh danh tại Giải thưởng Ngành công nghệ Sách Australia tại Melbourne, là nơi tác phẩm được chọn là Cuốn sách xuất sắc trong năm.
Anh Đỗ nói cuốn sách kể chi tiết về cuộc đào thoát đầy hiểm nguy khỏi Việt Nam.
Anh Ðỗ nói: “Nói chung, những người chú bác của tôi đã sát cánh chiến đấu cùng các binh sĩ Úc trong cuộc chiến Việt Nam. Vì thế, sau khi cuộc chiến kết thúc, gia đình tôi bị ngược đãi và lâm nguy. Một trong những người chú bác của tôi làm công binh, dò mìn sát thương cho Anzacs, tức các binh sĩ Australia, nên chúng tôi phải rời bỏ Việt Nam. Có 40 người chúng tôi trên một chiếc thuyền đánh cá dài 9 mét. Chúng tôi lênh đênh trên biển suốt 5 ngày liền trong một chuyến đi hết sức nguy hiểm. Chúng tôi đã bị cướp biển tấn công hai lần.”
Còn là một diễn viên hài kịch biểu diễn trên sân khấu, Anh Đỗ dự định chuyển thể cuốn ‘Người tị nạn hạnh phúc nhất’ thành phim.
Trong khoảng thời gian từ năm 1975 tới năm 1994, hơn 110.000 người tị nạn Việt Nam đã được phép định cư ở Australia. Hàng ngàn người khác cũng đã được cấp visa theo diện đoàn tụ gia đình. Cộng đồng người Australia gốc Việt thường hiện diện đông đảo tại các trường đại học cũng như trong nhiều ngành nghề, và được coi là một phần của câu chuyện thành công về xã hội đa văn hóa ở Australia.
Tuy nhiên, anh Đỗ nói rằng, những năm qua, quê hương thứ hai của anh ngày càng tỏ ra ít muốn chào đón người tị nạn.
Anh Ðỗ nói tiếp: “Thái độ có lẽ đã hơi thay đổi. Tôi nghĩ Chiến tranh Việt Nam cùng với tất cả những hình ảnh thảm khốc về cuộc chiến được truyền tới các gia đình trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam đã khiến người Australia thông cảm hơn chút ít đối với những người tị nạn Việt Nam hơn là những người tị nạn đặt chân tới nước này ngày nay.”
Chính phủ Australia hàng năm cấp visa cho khoảng 13.000 người tị nạn, theo các hiệp ước quốc tế khác nhau. Tuần này, Canberra ký một thỏa thuận gây tranh cãi nhằm đưa hàng trăm người xin tị nạn tới Malaysia, và đổi lấy hơn 4.000 người tị nạn lâu dài.
Đây là một phần của kế hoạch nhằm chống nạn buôn người bị quy trách đã gây ra dòng người xin nhập cư trái phép tới các vùng lãnh hải xa xôi phía bắc của Australia bằng thuyền.
Một người đàn ông Việt Nam tới Australia tị nạn hơn 30 năm trước đã được tuyên dương tại lễ trao giải thưởng văn học danh giá nhất Australia. Anh Đỗ, tác giả văn học kiêm diễn viên hài kịch, đã đoạt ba giải thưởng cho cuốn sách mang tên ‘Người tị nạn hạnh phúc nhất’. Cuốn sách kể lại chuyến đào thoát đầy hiểm nguy trốn tránh cuộc chiến Việt Nam của một gia đình tị nạn vào cuối những năm 70. Thông tín viên VOA Phil Mercer tường thuật từ Sydney.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1