Australia cho rằng việc đánh bắt cá voi là một hành động “giết hại động vật không cần thiết” và đang đệ đơn lên Tòa án Công lý Quốc tế để tìm cách ngăn chặn hành động này.
Canberra gửi những đơn kiện đầu tiên lên tòa án cách đây 18 tháng và các giới chức cấp cao cảnh báo rằng vụ việc sẽ tiến triển chậm chạp. Tuy nhiên, ngoài hành động pháp lý này, có vẻ như Australia không có nhiều lựa chọn khác để buộc Nhật Bản từ bỏ việc đánh bắt cá voi.
Trong khi thủ tục pháp lý đang dần được xúc tiến, một số phân tích gia tin rằng cơ hội tốt nhất mà những người phản đối hoạt động đánh bắt cá thường niên này có được là giành sự ủng hộ của công chúng Nhật Bản.
Australia có quan hệ ngoại giao và kinh tế mật thiết với Nhật Bản và sẽ không mạo hiểm làm tổn hại mối quan hệ đó vì một vụ tranh cãi ngoại giao về vấn đề đánh bắt cá voi.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nông nghiệp Australia Tony Burke đang hối thúc Tokyo không cử những người đánh bắt cá tới Nam cực.
Ông Burke nói: “Chúng tôi nói với Nhật Bản rằng họ không cần điều đó. Không thể biện minh được cho việc tiếp tục đánh bắt cá voi. Họ không nên cử các đội đánh bắt cá tới Nam Đại dương. Australia dứt khoát lên án hành động đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại. Chúng tôi không chấp nhận rằng hành động đó là có cơ sở khoa học, không nên tiếp tục thực hiện hành động đó.
Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Murray McCully nói rằng Nhật Bản đang tự cô lập mình với phần còn lại của thế giới với quyết định nối lại hoạt động đánh bắt cá voi.
Mặc dù việc tiêu thụ cá voi đã giảm ở Nhật Bản trong nhiều năm qua, việc vận động hành lang để ủng hộ cho việc đánh bắt cá voi ở nước này vẫn có được ảnh hưởng chính trị đáng kể thông qua các lập luận về chủ nghĩa dân tộc và lịch sử để ủng hộ hoạt động đánh bắt cá thường niên.
Trong khi đó, các nhà bảo tồn động vật đang chuẩn bị cho một cuộc đối đầu mới có thể xảy ra với những người đánh bắt cá voi. Tổ chức chống đánh bắt cá voi Sea Shepherd cho biết các tình nguyện viên của họ sẵn sàng liều mạng để bảo vệ những chú cá voi ở Nam Đại Dương. Tổ chức này đã thành công trong việc buộc đội tàu đánh bắt cá voi đình chỉ hoạt động hồi năm ngoái. Lần này, Nhật Bản nói rằng đội tàu của họ sẽ được bảo vệ tốt hơn.
Giám đốc tổ chức Sea Shepherd Paul Wilson dự báo cuộc đối đầu ở Nam Đại dương sẽ căng thẳng.
Ông Wilson nói: “Chúng tôi sẽ xuống dưới đó. Chúng tôi sẽ tìm ra họ. Chúng tôi sẽ phong tỏa bờ trượt tàu của họ và xem họ sẽ làm gì. Chúng tôi chắc chắn sẽ kháng cự. Chiến thuật của chúng tôi lúc nào cũng vậy, chúng tôi sẽ không làm ai bị thương, nhưng chúng tôi chắc chắn sẽ chấp nhận rủi ro cần thiết để ngăn chặn họ. Đó là điều chủ chốt của toàn bộ vấn đề này; ngăn chặn hoạt động của họ. Nếu họ không thể đưa cá lên tàu thì họ không thể giết chúng được.”
Việc đánh bắt cá voi vì mục đích thương mại đã bị cấm từ 25 năm qua, tuy nhiên Nhật Bản được phép bắt khoảng 1.000 con cá voi mỗi năm vì họ khẳng định là để phục vụ chương trình nghiên cứu khoa học.
Những người chỉ trích nói rằng thực chất hoạt động đánh bắt cá là để phục vụ mục đích thương mại.
Đội tàu của Nhật Bản thường tới Nam Đại Dương vào mùa Thu hàng năm và trở về nước vào mùa Xuân năm sau.
Australia và New Zealand đã chỉ trích quyết định tiếp tục đánh bắt cá voi của Nhật Bản ở Nam Đại Dương. Kế hoạch đánh bắt cá đã bị đình chỉ hồi năm ngoái do các vụ đụng độ giữa những người đánh bắt cá và các nhà bảo tồn động vật. Nhật Bản nói rằng họ có lý do khoa học xác thực cho việc đánh bắt cá voi, nhưng quan điểm này đã bị Canberra và Wellington cho là lố bịch. Từ Sydney, thông tín viên đài VOA Phil Mercer gửi về bài tường trình sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1