Ngoại trưởng Úc Stephen Smith đã mở các cuộc đàm phán với đối tác là ông Marty Natalegawa ở thủ đô Indonesia, để bàn về các kế hoạch của Canberra nhằm xây một trại chuyển tiếp dành cho người tỵ nạn ở Đông Timor kế cận với Indonesia.
Australia tin rằng một trung tâm xử lý ngoài khơi sẽ ngăn trở những người xin tỵ nạn đang tiếp tục đi bằng thuyền bè đến vùng lãnh hải phía bắc.
Gần 80 chiếc tầu đã bị nhà chức trách Úc chận lại tính đến thời điểm này trong năm. Luồng di dân bất hợp pháp liên tục đến Australia đã khiến cho việc bảo vệ biên giới trở thành một đề tài nhậy cảm cho chính phủ ở Canberra, với cuộc bầu cử chắc sẽ diễn ra trong những tháng sắp tới.
Kế hoạch thành lập một cơ sở tỵ nạn đã bị quốc hội Đông Timor bác bỏ, mặc dầu Australia tin rằng họ có thể thuyết phục giới lãnh đạo nước này ủng hộ khái niệm đó.
Australia còn cần đến sự hỗ trợ của Indonesia nữa, cũng như thỏa thuận của các nước Tây phương khác có phần chắc sẽ nhận người tỵ nạn từ trại ở Đông Timor.
Ông Smith tin rằng kế hoạch sẽ chỉ được xúc tiến với hậu thuẫn của Indonesia, là nước đã ký một hiệp định song phương với Australia để chống nạn buôn người vào năm 2002.
Ông nói: “Chúng tôi cần có sự hỗ trợ của khu vực, hoặc là qua tiến trình Bali một cách chính thức, hoặc thông thường là trong khắp khu vực. Đương nhiên, có được hậu thuẫn của Indonesia là dứt khoát cấp thiết. Sự hợp tác của các nước cho định cư và tái định cư cũng cần đến để tái định cư những người đã được Cao Uỷ Tỵ nạn Liên hiệp quốc trong khu vực chúng ta cấp cho quy chế tỵ nạn.”
Australia nóng lòng muốn mở một trung tâm mới xử lý tỵ nạn trong vùng để xoa dịu cuộc tranh cãi chính trị đang sôi sục về vấn đề nhập cư.
Các nhà lập pháp bảo thủ cáo buộc chính phủ trung tả là mất quyền kiểm soát biên giới trên biển của Australia qua sự kiện mà họ cho là các chính sách tỵ nạn mềm dẻo, một cáo buộc mà các bộ trưởng cao cấp đã cực lực bác bỏ.
Trung tâm chính tạm giữ người nhập cư tại đảo Christmas đã đầy và những người bị giữ đã được đưa bằng máy bay vào đất liền trong khi đơn xin quy chế tỵ nạn của họ đang được cứu xét.
Khoảng 13 ngàn người tỵ nạn được phép tái định cư ở Australia mỗi năm, trong khuôn khổ nhiều chương trình nhân đạo quốc tế.
Ngoại trưởng Australia đang có mặt tại Jakarta để giải thích chính sách mới về tỵ nạn của Úc gây nhiều tranh cãi. Indonesia đã bầy tỏ sự quan ngại đối với các kế hoạch của Australia về một trung tâm xử lý người tỵ nạn ở Đông Timor vì lo sợ rằng sẽ có thêm những người xin tỵ nạn đổ vào khu vực này. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer ghi nhận chi tiết.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1