Giới chăn nuôi gia súc ở Australia giờ đây có thể đăng ký xin giấy phép xuất khẩu mới nếu họ có thể chứng minh rằng các lò mổ ở Indonesia, nơi số gia súc xuất khẩu này sẽ bị giết thịt, đạt các tiêu chuẩn an toàn cho động vật.
Một số người cho rằng việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu được đưa ra kịp thời giúp tránh những khó khăn hơn nữa về mặt tài chính.
Bà Kirsty Forshaw cùng chồng là Damian là chủ nhân trang trại Nita Downs, một trại chăn nuôi gia súc rộng 500.000 mẫu Anh, cách thị trấn Broome ở bang Tây Australia chừng 220 cây số. Hai vợ chồng bà tậu trang trại này hồi năm 2005 và hiện sở hữu đàn gia súc gồm 5000 con.
Bà Kirsty nói: “Tôi thật sự thấy nhẹ nhõm vì cách đây chỉ 1 ngày thôi, chúng tôi hãy còn hết sức lo lắng không biết mọi việc sẽ đi tới đâu với lệnh cấm này. Ít ra giờ đây chúng tôi đã có được một khởi điểm và mục đích để hướng tới. Dù vẫn còn phải làm nhiều việc, nhưng rất mừng khi thấy mọi việc trở lại như cũ thế này.”
Các chủ trang trại ở khắp Australia đã báo cáo khó khăn tài chính kể từ khi lệnh cấm được ban hành cách đây 1 tháng. Một số người từng nói sẽ phải bắn chết hàng ngàn gia súc nếu như công việc buôn bán sinh lợi với Indonesia không được phục hồi, đơn giản chỉ vì duy trì đàn gia súc cực kỳ tốn kém.
Tại khu vực gần thị trấn Broome, bà Kirsty Forshaw cho biết trong những tuần gần đây, tình hình tài chính đã trở nên ngày càng eo hẹp hơn.
Bà Kirsty nói tiếp: “Trong vài ngày qua, tôi bắt đầu cảm thấy hơi lo lắng vì sắp nhận các hóa đơn phải thanh toán. Chúng tôi vẫn phải đặt mua nhiều dầu diesel để bơm nước uống cho đàn gia súc, mà nhiên liệu của chúng tôi lại đang cạn kiệt. Cho nên, tôi lo không biết làm sao có thể chi trả cho lô nhiên liệu sắp tới. Chúng tôi có nhiều cỏ khô trên sân nhà nhưng rốt cuộc phải mang đổ ra lại ngoài bãi cỏ.”
Cộng đồng chăn nuôi gia súc ở Bắc Australia vốn luôn tự hào về tinh thần chịu đựng bền bỉ và quyết tâm trước nghịch cảnh, kể cả trong các cơn hạn hán và các trận bão nhiệt đới.
Với các hóa đơn phải thanh toán đang chồng chất, bà Kirsty Forshaw cho biết bà sẽ bảo đảm rằng số gia súc bán sang Indonesia không bị hành hạ.
Bà Kirsty nói thêm: “Mỗi ngày chúng tôi gặp trục trặc cái này cái kia, nào là máy phát điện bị hỏng hay các sự cố đại loại như thế. Nhưng chúng tôi sẽ tự mình khôi phục lại công việc làm ăn và tôi hy vọng sẽ đích thân sang tận Indonesia để tận mắt chứng kiến mọi việc hơn là để người khác làm thay cho mình.”
Indonesia là thị trường gia súc tươi sống lớn nhất của Australia, với giá trị xuất khẩu đạt hơn 320 triệu đô la mỗi năm. Chính quyền Australia chưa cho biết khi nào các hoạt động xuất khẩu gia súc có thể được tái tục.
Giới hữu trách Indonesia liên tục bác bỏ các tố cáo về tình trạng đối xử tàn ác với súc vật xuất hiện tràn lan tại các lò sát sinh của họ.
Các chủ trại chăn nuôi ở Australia hoan nghênh quyết định của chính phủ Canberra bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gia súc còn sống sang Indonesia. Australia đình chỉ việc mua bán này cách đây 1 tháng khi xuất hiện các hình ảnh video cho thấy cảnh gia súc bị quật roi, bị đánh đập, rồi mới từ từ bị giết thịt trong các lò mổ ở Indonesia. Thông tín viên VOA Phil Mercer tường trình từ Sydney.