Canberra đã cáo buộc Sayeed Abbas Azad là giúp những người xin tỵ nạn đi bằng tầu thuyền vào hải phận Australia và muốn dẫn độ ông này. Kẻ bị cáo buộc là buôn người này đã bị lực lượng đặc nhiệm về chống buôn người của Indonesia bắt giữ theo yêu cầu của Australia.
Các giới chức di trú tin rằng nghi can đã chủ mưu những cuộc hành trình của nhiều tầu bè từ bán đảo Indonesia, kể cả một chuyến tàu bị bắt giữ hồi đầu tháng này gần đảo Christmas, một lãnh địa của Australia trong ấn Độ Dương.
Đương sự đã bác bỏ những lời cáo buộc và nói với Công ty Truyền thanh Úc rằng các kế hoạch của Canberra trục xuất người xin tỵ nạn qua các nước khác sẽ thất bại bởi vì những người đến Australia bằng thuyền thực sự cần sự bảo vệ và sẽ vẫn liều mình thực hiện chuyến đi.
Ông nói: “Họ muốn xin tỵ nạn là bởi vì Australia là một quốc gia tốt đẹp. Họ sẽ được bảo vệ, và thêm nữa, họ là những người xin tỵ nạn. Họ không phải là các phần tử khủng bố hay thành phần gì tương tự.”
Tại Canberra, các bộ trưởng chính phủ tin rằng trục xuất những người xin tỵ nạn sẽ ngăn trở những người khác nghĩ đến hay thực hiện hành trình đến Australia bằng tầu thuyền. Nhiều người xin tỵ nạn được cho là xuất phát từ các nước như Afghanistan và Pakistan.
Canberra dự định gửi những người bị bắt đến Malaysia và cũng đã thuyết phục Papua New Guinea mở lại trung tâm cứu xét hồ sơ ở Đảo Manus. Đảo này nằm trong khuôn khổ “Giải pháp Thái Bình Dương” của ông John Howard, theo đó vị cựu thủ tướng bảo thủ này chở những người xin tỵ nạn đến các trại hẻo lánh ở bên ngoài Australia.
Chính sách này đã bị nhiều người lên án là vô nhân đạo và đã bị bãi bỏ sau khi đảng Lao Động lên nắm quyền năm 2007.
Nhưng thực tế chính trị, nhất là một luồng sóng thuyền nhân liên tục và một khối cử tri đòi có các biện pháp kiểm soát biên giới khắt khe hơn, đã buộc Thủ tướng Julia Gillard phải tìm ra các giải pháp ở nước ngoài.
Bà nói: “Chúng tôi đã quyết đinh rằng việc dàn xếp với Malaysia là thích đáng và đó là một thông điệp hết sức gay gắt gửi đến những tay buôn người, và lập một trung tâm ở Papua New Guinea.”
Bà Gillard nói bất kể các kế hoạch trục xuất mới, chính phủ của bà đang sử dụng một khuôn thức khác với chính phủ của ông Howard dựa vào Khung sườn Bali về nạn buôn người, đã được sự chấp thuận của 41 quốc gia châu Á Thái bình dương hồi tháng 3.
Bà giải thích: “Điều chúng tôi đã làm là hợp tác trong khu vực để đạt được Khung sườn Bali. Chúng tôi sẽ có một thỏa thuận song phương với Papua New Guinea bây giờ, nhưng sẽ tiếp tục cam kết với khu vực về vấn đề một trung tâm thẩm định khu vực bởi vì chúng tôi vẫn luôn hiểu rằng đây là một vấn đề cho toàn khu vực của chúng ta.”
Khung sườn Bali là một thỏa thuận không có tính cưỡng hành phác thảo cách thức các quốc gia phải ứng phó ra sao với những tay buôn người và những người xin tỵ nạn. Nó nhắm mục tiêu tìm ra các phương sách để các nước hợp tác với nhau nhằm ngăn chặn các kế hoạch buôn người, trong khi thừa nhận nhân phẩm và quyền của những người xin tỵ nạn.
Các tổ chức người tỵ nạn nói rằng thỏa thuận với Papua New Guinea là một hành động trở lại với những ngày đen tối cũ khi quyền lợi của những người xin tỵ nạn bị làm ngơ.
Kết quả của một kháng cáo lên Tòa Thượng thẩm về kế hoạch của Australia gửi 800 người xin tỵ nạn sang Malaysia để đổi lấy 4.000 người tỵ nạn được chứng thực dự trù sẽ có vào tuần tới.
Chưa có phản ứng chính thức ở Australia đối với quyết định của Malaysia gửi một nhóm người sắc tộc Uighur trả về Trung Quốc. Tuy nhiên, các tổ chức nhân quyền đã kêu gọi Kuala Lumpur chấm dứt những vụ trục xuất như thế vì những mối quan ngại bị ngược đãi và thậm chí tra tấn khi trở về Trung Quốc.