Đường dẫn truy cập

Dân Indonesia muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với Australia


Một bảng quảng cáo cung cấp thông tin về Hồi giáo trên một con đường chính ở phía tây Sydney, Australia
Một bảng quảng cáo cung cấp thông tin về Hồi giáo trên một con đường chính ở phía tây Sydney, Australia

Dân chúng Indonesia đã tỏ ra nồng nhiệt hơn với Australia và muốn có bang giao chặt chẽ hơn với Canberra, theo một cuộc thăm dò mới được thực hiện bởi Viện Lowy, một tổ chức khảo cứu có trụ sở ở Sydney. Cuộc khảo cứu cũng cho thấy nhiều người Úc lo ngại về nước láng giềng Hồi giáo khổng lồ ở phía bắc. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật sau đây.

Bang giao của Australia đối với Indonesia rất phức tạp. Hai nước bị ngăn cách bởi biển Timor có các nền văn hóa khác xa nhau. Indonesia là nước có khối dân theo Hồi giáo lớn nhất thế giới, trong khi nước Australia hiện đại được thành lập như một thuộc địa để nhốt tù của Anh vào thế kỷ thứ 18 và giữ các truyền thống đậm màu châu Âu.

Cuộc thăm dò của viện Lowy cho thấy đa số người Indonesia muốn có các quan hệ rộng rãi hơn về giáo dục, y tế và thương mại với Australia. Theo cuộc thăm dò này, người Indonesia ngày càng tỏ ra nồng nhiệt hơn trong mối bang giao với nước láng giềng phía nam.

Tuy nhiên, cuộc khảo cứu cho thấy người Uùc mang một mối nghi kỵ thâm sâu đối với Indonesia, mà nguyên do là vụ Jakarta xâm lăng Đông Timor vào thập niên 1970 và các vụ đánh bom làm 202 người thiệt mạng, trong đó có 88 người Úc trên đảo nghỉ mát Bali cách đây một thập niên. Vụ tấn công do một nhóm Hồi giáo cực đoan thực hiện.

Ông Michael Wesley, giám đốc điều hành viện Lowy, nói các quan niệm sai lầm về Indonesia vẫn còn tiếp tục tại Australia.

Ông Wesley nói: “Indonesia là nước Á châu gần cận nhất đối với Australia và theo tôi đối với nhiều người thì Indonesia góp phần rất nhiều vào những nỗi lo ngại và thành kiến của người Úc về châu Á; trong tư thế là một nước đông dân, nghèo khó sẵn sàng tiến xuống chiếm cứ những tài nguyên của lục địa Úc châu, Indonesia vẫn được xem như một khuôn mẫu của chế độ độc tài quân trị, và do đó là một mối đe dọa về quân sự đối với Australia.”

Cuộc khảo cứu nói rằng người Indonesia lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc hơn nhiều so với người Úc. Hơn phân nửa người Indonesia nói có phần chắc Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe dọa quân sự đối với Indonesia trong vòng 20 năm tới đây. Tuy nhiên, ác cảm đối với Indonesia vẫn còn sót lại nơi một số khu vực, với 15% số người Indonesia được thăm dò bầy tỏ sự ủng hộ đối với việc tẩy chay các hàng hóa của Australia.

Ông Michael Wesley cho rằng vẫn còn một nhóm nhỏ người Indonesia hậu thuẫn cho chủ nghĩa khủng bố.

Ông Wesley nói tiếp: “Chúng tôi đã hỏi người Indonesia xem họ nghĩ gì về việc chẳng hạn như có biện minh được cho đánh bom tự sát hay không. Trong khi chúng tôi có 88% người nói là không, rằng chuyện này không bao giờ có thể biện minh được, thì vẫn có một nhóm nhỏ những người, có lẽ vào khoảng 8% nói rằng trong một số trường hợp, việc ấy có thể biện minh được. Vì thế, chúng ta phải thừa nhận rằng có một yếu tố cực đoan trong xã hội Indonesia.”

Viện Lowy đã khảo sát ý kiến của gần 1.300 người Indonesia vào cuối năm ngoái.

Tại Canberra, Bộ Ngoại giao và Thương mại một lần nữa cảnh báo người Úc nên xét lại việc du hành qua Indonesia sau cái chết của 5 người bị nghi là hoạch định những vụ cướp của để tài trợ cho các vụ tấn công khủng bố ở Bali.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG