Chính phủ Úc đã kêu gọi dân chúng Anh quốc chớ nên rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU). Một cuộc trưng cầu dân ý về việc Vương quốc Anh ở lại trong EU sẽ được tổ chức vào tháng 6. Từ Sydney, thông tín viên VOA Phil Mercer gửi về bài tường thuật.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tin rằng việc Anh ở lại trong Liên hiệp châu Âu sẽ có lợi nhất cho nước bà.
Hồi đầu tháng này, bà Bishop đã mở các cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh David Cameron tại một Hội nghị Thượng đỉnh về An ninh Hạt nhân ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ. Bà nói Liên hiệp châu Âu là một “đối tác thương mại quan trọng” của Australia, và việc Anh quốc ở lại trong tổ chức 28 quốc gia này là điều cấp thiết.
Trong tư cách một khối, Liên hiệp châu Âu là nguồn đầu tư nước ngoài lớn nhất của Australia, và là đối tác thương mại lớn hàng thứ nhì sau Trung Quốc. Các cuộc thương lượng tiến tới một thỏa thuận thương mại tự do chung quyết đang được xúc tiến. Anh Quốc là nền kinh tế lớn hàng thứ năm trên thế giới, và kim ngạch thương mại hai chiều giữa Australia và Anh quốc lên tới khoảng 16 tỷ đôla mỗi năm.
Nhưng một số chính trị gia Úc đang kêu gọi Anh quốc rời khỏi Liên hiệp châu Âu bởi vì tư cách thành viên đã buộc Anh quốc phải nhượng bộ việc kiểm soát biên giới và luật lệ của họ.
Thượng nghị sĩ bảo thủ James Paterson nói với Quốc hội Úc rằng cử tri Anh nên quay lưng lại với tư cách thành viên EU.
“Nước Anh sẽ thịnh vượng hơn, tự do hơn và an toàn hơn ở bên ngoài Liên hiệp châu Âu. Dự án Liên hiệp Âu châu có thể bắt đầu với ý đồ tốt. Nhưng thực tế là Liên hiệp ngày nay đã đi rất xa ra khỏi các ý đồ đó. Liên hiệp đã trở thành quá lớn, thiếu dân chủ và thù nghịch với các quyền tự do đã làm cho Anh quốc vĩ đại”.
Thủ tướng Anh David Cameron đã vận động các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ cho cố gắng của nước ông ở lại trong Liên hiệp châu Âu. Tổng thống Obama nói nước Anh sẽ trở lại xếp ở cuối hàng để đạt được các thỏa thuận thương mại với Washington nếu cắt đứt quan hệ với EU.
Australia là một cựu thuộc địa của Anh, và quan hệ kinh tế và xã hội giữa hai quốc gia rất sâu xa. Cạnh tranh về thể thao rất gay gắt và người Anh tiếp tục di trú qua Australia với số lượng đông đảo, trong khi quốc hội ở Canberra dựa vào hệ thống của Anh. Australia là một nước quân chủ lập hiến với Nữ hoàng Elizabeth của Anh quốc là nguyên thủ.
Tương lai của Anh quốc ở châu Âu sẽ được quyết định tại một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 23 tháng 6 tới đây.